Người mẫu Ngọc Trinh gây rối trật tự và khai, bản thân không hình dung mình vi phạm nghiêm trọng như thế. Luật sư cho rằng, vụ án này sẽ là bài học cho những người nổi tiếng…
Như VietNamNet đã đưa, Công an TP.HCM đã khởi tố, bắt tạm giam đối với người mẫu Ngọc Trinh về tội “Gây rối trật tự công cộng” quy định tại Điều 318 Bộ luật hình sự. Tại CQĐT, Ngọc Trinh cho hay, bản thân "không hình dung là mình vi phạm pháp luật nghiêm trọng như thế".
Ngọc Trinh và người dạy lái khai, các clip đăng trên mạng xã hội không phục vụ cho hoạt động quảng cáo cho các hãng xe mô tô phân khối lớn. Chủ đích của Ngọc Trinh, vốn là người nổi tiếng nên muốn tạo ra hình ảnh, đẩy mạnh cá nhân trên mạng xã hội.
Cơ quan điều tra nhận định, Ngọc Trinh là người có ảnh hưởng xã hội, các tài khoản mạng xã hội cá nhân có hàng triệu người theo dõi, nên việc đăng tải, phát tán các video clip như đề cập nói trên ảnh hưởng xấu đến vấn đề an ninh trật tự và an toàn xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, lối sống và văn hóa ứng xử của giới trẻ.
Trao đổi với PV VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, việc CQĐT khởi tố Ngọc Trinh về tội Gây rối trật tự công cộng là cần thiết, nghiêm khắc. Nếu chỉ là hành vi vi phạm về giao thông đường bộ của một người bình thường, việc xử phạt hành chính là phù hợp.
Nhưng có lẽ cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá Ngọc Trinh là người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng xã hội, hành vi vi phạm pháp luật của người nổi tiếng có thể gây ra dư luận xấu, tác động đến tâm lý của nhiều người theo hướng tiêu cực nên đã xử lý quyết liệt hành vi này để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.
Tiến sĩ Đặng Văn Cường phân tích: Theo quy định của pháp luật, hành vi gây rối trật tự công cộng có hai loại chế tài là hành chính và hình sự.
Với những hành vi gây rối trật tự công cộng mà hậu quả gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự. Đây là quy định có tính chất định tính chứ không định lượng. Hành vi "có ảnh hưởng xấu" hay không là do quan điểm đánh giá của cơ quan chức năng.
Bởi vậy, trong nhiều trường hợp, người thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng có suy nghĩ rất đơn giản là hành vi của mình cùng lắm chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính. Họ không biết rằng, cơ quan chức năng có thể đánh giá đó là hành vi ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội nên quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để xử lý bằng chế tài hình sự.
Về mặt pháp lý, trật tự công cộng là trật tự được thiết lập trên cơ sở văn hóa, đạo đức, quy tắc sinh hoạt cộng đồng và các quy định của pháp luật.
Hành vi gây rối trật tự công cộng là hành vi làm cho các hoạt động nơi công cộng không được đảm bảo theo trật tự, ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, có thể gây ách tắc giao thông, có thể xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác hoặc các hành vi gây hậu quả phi vật chất khác...
Bởi vậy, hành vi gây rối trật tự công cộng là hành vi vi phạm pháp luật, tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm (thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu hành vi gây rối trật tự công cộng chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội, hậu quả chưa dẫn đến chết người, chưa ách tắc giao thông nghiêm trọng, chưa gây thiệt hại đến sức khỏe của người khác đến 61% hoặc chưa được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, người thực hiện hành vi này bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 7, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Theo đó, mức phạt thấp nhất là 300 ngàn đồng, mức phạt cao nhất là 40 triệu đồng.
“Với những người nổi tiếng, hành vi ứng xử đòi hỏi phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục và đặc biệt là phải phù hợp với các quy định của pháp luật. Điều này để tránh gây ra những hệ lụy, tiêu cực cho xã hội, tạo ra những quan điểm sống, lối sống lệch lạc, ảnh hưởng đến nhận thức và hình thành nhân cách của giới trẻ.
Bởi vậy, vụ án này sẽ là bài học cho những người nổi tiếng trong việc thực hiện các hoạt động nghệ thuật, thể thao, giải trí và đưa các thông tin lên không gian mạng”, Tiến sĩ Đặng Văn Cường nói.
Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội Gây rối trật tự công cộng như sau:
1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;
c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
d) Xúi giục người khác gây rối;
đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;