Người phụ nữ này là chị L.H (23 tuổi) mang thai lần 2, đang sống và làm việc tại Hàn Quốc. Ở tuần thai thứ 27, khi siêu âm tại đây, chị được thông báo thai bị đảo gốc động mạch. Việc phẫu thuật có thể được thực hiện ở quốc gia này, nhưng rất phức tạp và chi phí lớn. Chị quyết định về nước, vào Bệnh viện Phụ sản Trung ương khám khi thai được 29 tuần.
Các bác sĩ Trung tâm Chẩn đoán trước sinh cho biết thai nhi có dị tật tim đảo gốc động mạch, không có thông liên thất. Bác sĩ Đinh Anh Tuấn, Phụ trách quản lý Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nhận định loại dị tật em bé gặp phải là động mạch phổi và động mạch chủ bị nhầm chỗ, đảo vị trí cho nhau; kèm theo không có thông liên thất.
“Dị tật này khá hiếm gặp, nguy hiểm, trẻ thường sẽ tử vong ngay sau khi chào đời nếu không được tranh thủ thời gian vàng tính từng phút để can thiệp cứu bé”, ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, Bệnh viện Phụ sản Trung ương chưa từng có ca mổ tim bẩm sinh nào thực hiện tại phòng đẻ. Để giải quyết vấn đề này, cuộc hội chẩn khẩn giữa bác sĩ nhiều chuyên khoa: Sản, Nhi, Sơ sinh, Tim mạch, Gây mê… giữa hai viện Phụ sản và Nhi Trung ương được tiến hành.
Quyết định được đưa ra là thiết lập một ê-kíp mổ tim mạch cho bé ngay tại phòng mổ đẻ Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Theo lãnh đạo bệnh viện, đây là lần đầu tiên cơ sở này thực hiện một ca mổ đặc biệt như vậy.
Sáng 7/12, em bé nặng 3,7kg chào đời, khóc tốt nhưng tím dần, bão hòa oxy trong máu (SpO2) giảm rất nhanh về còn 35-40% (bình thường trên 95%). Sau 5 phút chào đời, bệnh nhi được các bác sĩ Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Nhi Trung ương siêu âm tim, đánh giá tình trạng, chuẩn bị cho can thiệp phá vách liên nhĩ cấp cứu để giành lại sự sống cho em ngay cạnh giường mổ đẻ của mẹ.
Quá trình đặt nội khí quản, mở sonde tĩnh mạch rốn cho bệnh nhi được các bác sĩ Trung tâm Chăm sóc điều trị sơ sinh Bệnh viện Phụ sản Trung ương thực hiện. Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Nhi Trung ương tiến hành can thiệp phá vách liên nhĩ cấp cứu dưới siêu âm.
Sau khi được can thiệp, tình trạng bệnh nhi tạm thời ổn định, tím nhẹ, nhịp tim dao động từ 160-170 lần/phút. Trẻ được chuyển sang Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Nhi trung ương để tiếp tục theo dõi và hồi sức. Hiện tại, bệnh nhi đã tự thở được, SpO2 trên 80% và đang được theo dõi thêm.
“Tới sáng 8/12, em bé đã tự thở được. Sau 2 tuần, nếu tình trạng ổn định, bệnh nhi sẽ được phẫu thuật, trả lại vị trí 2 gốc động mạch bị đảo ngược, giúp cấu trúc và sinh lý của tim trở về bình thường”, Tiến sĩ Lê Hồng Quang, Phó Giám đốc Trung tâm tim mạch Bệnh viện Nhi Trung ương, thông báo.