“Đến thời điểm hiện tại, hoạt động xuất khẩu rau quả sang thị trường Mỹ vô cùng thuận lợi”. Đây là tuyên bố chắc nịch của ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Vina T&T Group - khi nói về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp mình trong 7 tháng qua với VietNamNet.
Ông Tùng cho biết, Mỹ nằm ở phân khúc thị trường xuất khẩu cao cấp, rất “khó tính” với chất lượng hàng hoá và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện, mới chỉ có vài loại rau quả của Việt Nam vào được thị trường này. Trong nửa đầu năm nay, do căng thẳng ở Biển Đỏ, việc vận chuyển hàng hoá sang thị trường Mỹ cũng gặp khó khăn, cước vận tải tăng phi mã.
Tuy nhiên, doanh thu xuất khẩu của công ty vào thị trường Mỹ trong 7 tháng qua vẫn tăng mạnh 26% so với cùng kỳ năm ngoái, ông tiết lộ. Theo đó, thị trường Mỹ đang chiếm 50% tổng doanh thu của doanh nghiệp.
Không chỉ Vina T&T Group, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản cũng báo kết quả doanh thu tại thị trường Mỹ “bùng nổ” trong những tháng vừa qua.
Lãnh đạo một doanh nghiệp đồ gỗ ở Bình Dương cho biết, năm ngoái, đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ sụt giảm thê thảm. Nhưng 7 tháng qua, đơn hàng "bùng nổ", kết quả kinh doanh sang thị trường này tăng trưởng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2023.
"Từ giờ đến cuối năm sẽ còn tăng trưởng tốt hơn. Bởi, cuối năm được xem là 'mùa vàng' khi người dân Mỹ tích cực mua sắm, trang hoàng nhà cửa đón năm mới và các lễ hội", vị này chia sẻ.
Thông tin từ Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, chỉ riêng tháng 7/2024, doanh nghiệp này đạt 1.120 tỷ đồng doanh thu, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Mỹ là thị trường có doanh thu lớn nhất của Vĩnh Hoàn với 384 tỷ đồng, tăng đột biến 92% so với cùng kỳ năm 2023.
Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho thấy, tính đến hết tháng 7 năm nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam, đạt kim ngạch 7,23 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, thị trường Mỹ chiếm 21,1% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp nước ta trong 7 tháng qua.
Cụ thể, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này đạt gần 4,9 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái, tức ngành gỗ thu về thêm 1 tỷ USD. Hiện, Mỹ cũng là khách hàng lớn nhất, chiếm gần 55% kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thế mạnh này của nước ta.
Xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường Mỹ cũng phục hồi, thu về gần 964 triệu USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nông sản như rau quả, hạt điều, cao su cũng ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt là 34,8%, 23,9% và 37,6%.
So với cùng kỳ năm ngoái, 7 tháng năm nay, chè và hạt tiêu là hai mặt hàng có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, lần lượt là 73,7% và 75%. Trong 7 tháng qua, chỉ có gạo và cà phê ghi nhận mức tăng nhẹ 0,4% và 0,5%.
Nhận định về thị trường những tháng cuối năm, ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng xuất khẩu nông sản Việt nói chung và ngành rau quả nói riêng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng tốt.
Bởi, cuối năm là cao điểm mua sắm của các lễ hội. Người dân Mỹ sẽ mạnh tay chi tiêu. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu của nước ta cũng “dễ thở” hơn với cước vận tải biển.
“Đầu năm, cước vận chuyển 1 container sang Mỹ bằng đường biển chỉ hết khoảng 3.000 USD, đến tháng 6 tăng lên hơn 8.000 USD. Nhưng sang tháng 7 đã giảm còn hơn 6.000 USD/container”, ông Tùng nói. Điều này giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá sang Mỹ.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cũng nhận định, kinh tế Mỹ có những tín hiệu lạc quan. Lạm phát tại Mỹ đã giảm nhanh từ 9% xuống còn 3% trong năm nay và khả năng ngân hàng trung ương nước này sẽ sớm có động thái cắt giảm lãi suất để kích cầu tiêu dùng, nên đây là cơ hội tốt cho tăng tiêu dùng thủy sản.
Ngoài ra, xuất khẩu thuỷ sản, đặc biệt là cá tra có khả năng sẽ phục hồi mạnh vào những tháng cuối năm nhờ lượng tồn kho tại thị trường Mỹ suy giảm so với cùng kỳ. Các nhà bán lẻ của quốc gia này cần bổ sung hàng tồn kho trước mùa lễ hội cuối năm. Mức thuế chống bán phá giá (POR 19) đối với cá tra của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ cũng ở mức thấp.
Bộ Công Thương đánh giá, tại Mỹ đang có những động thái về cắt giảm lãi suất, qua đó kích cầu tiêu dùng trở lại, mở rộng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp. Theo đó, các quốc gia xuất khẩu vào Mỹ, trong đó có Việt Nam có nhiều cơ hội hơn.
Hơn nữa, trong bối cảnh Mỹ muốn đa dạng chuỗi cung ứng của mình, nếu nỗ lực Việt Nam có thể đạt được những con số xuất khẩu ấn tượng vào thị trường này trong năm 2024.
Ngoài ra, ngành hàng gỗ mới đây còn nhận tin vui khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ban hành kết luận cuối cùng của vụ điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và chống lẩn tránh với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo đó, cơ chế này cho phép doanh nghiệp xuất khẩu tủ gỗ của Việt Nam không thuộc 3 trường hợp có cửa, mặt hộc và khung gỗ có thành phần, chi tiết và các chi tiết bán thành phẩm sản xuất tại Trung Quốc sau đó hoàn thiện tại Việt Nam được loại trừ, không phải nộp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM Nguyễn Quốc Khanh cho rằng, việc doanh nghiệp theo kịp các xu hướng mới tại thị trường Mỹ là điều quan trọng để đồ gỗ Việt đáp ứng được sở thích của người tiêu dùng. Chưa kể, bối cảnh lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt, việc làm đang tăng, xây dựng và mua bán nhà đất có tín hiệu tích cực… nên ngành hàng gỗ của nước ta sẽ duy trì mức tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm nay ở thị trường này.