
Theo hãng tin tài chính Bloomberg, không khí cuối tuần vừa qua tại Apple Store khắp nước Mỹ như trong mùa mua sắm cuối năm, khi khách hàng lấp đầy các cửa hàng do lo ngại iPhone tăng giá mạnh một khi thuế mới có hiệu lực. Hầu hết iPhone sản xuất tại Trung Quốc, nước bị áp thuế 54%.
Một nhân viên tiết lộ, câu hỏi phổ biến nhiều nhất là giá sản phẩm sắp tới có tăng không. Người khác cho biết khách hàng rất lo lắng và có nhiều thắc mắc. Nhân viên thứ ba nói sẽ không bất ngờ nếu tình trạng này tiếp diễn trong vài ngày tới, dù đang là mùa thấp điểm.

Ambar De Elia định mua iPhone 15 cho em gái. Khi đọc tin tức về Phố Wall, cô quyết định không thể chần chừ được nữa. Có mặt tại Apple Store Fifth Avenue ở New York, cô nói rằng mọi người ở đây vì sợ hãi, không biết điều gì sẽ xảy ra. “Nếu có thể mua thứ gì đó với giá rẻ hơn, tất nhiên chúng tôi sẽ mua”, Elia chia sẻ.
Nguồn tin của Bloomberg cho hay doanh số bán lẻ của Apple tại Mỹ cuối tuần qua cao hơn những năm trước, ít nhất tại một số thị trường lớn. Táo khuyết sẽ công bố kết quả kinh doanh quý 1 vào ngày 1/5, đây có thể là nơi CEO Tim Cook nói về những tác động của thuế quan.
Thị trường chứng khoán lao dốc gây thiệt hại lớn cho Apple. Vốn hóa công ty giảm hơn nửa nghìn tỷ USD trong hai phiên giao dịch. Để đối phó với thuế mới, theo Bloomberg và Thời báo Phố Wall, nhà sản xuất iPhone đang nhập khẩu nhiều thiết bị sản xuất tại Ấn Độ hơn sang Mỹ.
Hôm 7/4, ông Trump dọa áp thêm thuế 50% với Trung Quốc nếu nước này không rút lại thuế trả đũa.
Trước khi Mỹ công bố chính sách thuế mới, Apple đang trên đà sản xuất 25 triệu iPhone năm nay. Thông thường, 10 triệu trong số này sẽ cung ứng cho thị trường Ấn Độ. Nếu chuyển tất cả iPhone sản xuất tại Ấn Độ sang Mỹ, nó sẽ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu của khách hàng Mỹ năm nay.
Tờ Times of India dẫn lời một quan chức Ấn Độ xác nhận Apple đã thực hiện 5 chuyến bay chở đầy iPhone và hàng hóa khác chỉ trong 3 ngày để tránh đòn thuế mới.

Theo phân tích của TechInsights, chi phí sản xuất iPhone – sản phẩm chủ lực của Apple – sẽ tăng mạnh do thuế. Chẳng hạn, giá linh kiện iPhone 16 Pro dung lượng 256GB là khoảng 550 USD.
Cộng với khâu kiểm thử và lắp ráp, tổng chi phí rơi vào khoảng 580 USD. Nếu cộng 54% thuế nhập khẩu từ Trung Quốc, chi phí sẽ tăng lên khoảng 850 USD. Giá bán lẻ thiết bị đang là 1.100 USD.
Dù ông Trump kêu gọi hồi sinh sản xuất tại Mỹ, các nhà phân tích và nhà cung ứng cho rằng chuyển sản xuất iPhone về Mỹ không khả thi vì chi phí sẽ tăng đột biến.
“Nếu khách hàng muốn một chiếc iPhone 3.500 USD, chúng ta nên sản xuất ở New Jersey, Texas hay một bang khác”, hãng nghiên cứu Wedbush viết trong báo cáo.
Bất chấp nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng, lắp ráp nhiều hơn tại Ấn Độ, cứ điểm sản xuất của Apple vẫn nằm ở Trung Quốc. Các đối tác của hãng như Foxconn có những nhà máy khổng lồ ở đây, tận dụng lợi thế của mạng lưới nhà cung ứng, công nhân lành nghề và hỗ trợ chính phủ. Theo nhà phân tích Wayne Lam của TechInsights, chi phí lắp ráp mỗi iPhone tại Trung Quốc khoảng 30 USD và sẽ tăng lên 300 USD nếu lắp ráp tại Mỹ.
iPhone không phải hàng hóa duy nhất được “săn lùng”. Theo truyền thông, người Mỹ còn đổ xô mua hàng loạt thứ khác như đồ điện tử (laptop, smartphone, máy tính bảng); đồ gia dụng (máy giặt, tủ lạnh, máy rửa bát, lò vi sóng); xe hơi, xe điện; đồ nội thất; giầy dép, quần áo; đồ dùng trẻ em; vật liệu xây dựng; hàng nhập khẩu (cà phê, đồ ăn nhẹ; gia vị…); thiết bị tập luyện; thiết bị nhà bếp.
(Theo WSJ, Bloomberg)