Thời hiện đại, các thiết bị kỹ thuật số như điện thoại thông minh đã trở thành một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Tuy nhiên gần đây, nhiều người Nhật Bản tìm cách "cai nghiện", giảm thiểu thời gian sử dụng công nghệ.
Một hội thảo về thay đổi thói quen sử dụng thiết bị công nghệ ở tỉnh Kagawa hồi tháng 1 vừa qua (Ảnh: Digital Detox Japan/Kyodo). |
Sachiko Sato (46 tuổi, nhân viên văn phòng ở Tokyo) bày tỏ sự lo lắng khi thấy con trai mình ngồi "dán mắt" vào màn hình máy tính cả ngày để học trực tuyến. Cô cũng bắt đầu nhận ra bản thân đang dần lệ thuộc vào chiếc điện thoại thông minh.
Ngay sau đó, Sato quyết định thực hiện "cai nghiện" kỹ thuật số. Mỗi ngày, cô cất điện thoại vào tủ khóa lại và chạy bộ.
Ban đầu, cô cảm thấy có chút gì đó không ổn. "Điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó cố gắng liên lạc với tôi khi tôi không cầm điện thoại. Nhưng rồi tôi đã tập trung để chạy, tôi cảm thấy mọi thứ thoải mái hơn", cô tâm sự.
Sato dần đặt ra nhiều quy tắc để hạn chế sử dụng các thiết bị công nghệ. Chẳng hạn như không mang điện thoại lên giường trước giờ ngủ, không sử dụng trong bữa cơm. Cô đang thực hiện "cai nghiện" công nghệ từng chút một.
Sato không phải là người duy nhất quyết định tập "cai nghiện" kỹ thuật số. Theo nghiên cứu từ công ty Cross Marketing Inc., trong số 1.000 nam giới và nữ giới được hỏi thì có gần 50% cho biết họ nhận thức được sự phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ của bản thân.
Thói quen "dán mắt" vào màn hình thiết bị công nghệ không phải là điều hiếm thấy hiện nay (Ảnh: Shutterstock). |
Các chuyên gia cho biết, việc cắt giảm tần suất sử dụng thiết bị công nghệ giúp mọi người có cuộc sống lành mạnh hơn, từ đó mang đến những ảnh hưởng tích cực, như ngủ ngon hơn, tăng khả năng tập trung.
Kazuya Mori (58 tuổi, chủ kinh doanh ở Tokyo) cho biết, ông bắt đầu cảm thấy băn khoăn về lối sống của mình. Trước đây, ông luôn ngồi lì trước màn hình máy tính, lướt xem điện thoại ngay cả trong giờ nghỉ. Đôi khi ông cảm thấy nó giống như "một chiếc công tắc luôn được bật".
Ông đã thử đi dạo mà không mang theo điện thoại và nhận thấy sự thay đổi tích cực. Ông nhận ra rằng, các thiết bị điện tử chỉ là một thiết bị hỗ trợ cuộc sống mà thôi.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích rõ ràng của việc giảm tần suất sử dụng các thiết bị công nghệ, một số người vẫn lo ngại những bất lợi vì không nghe điện thoại hay trả lời email kịp thời.
Yuto Itoyama (27 tuổi, tỉnh Yamaguchi) đã viết thông điệp "Tôi sẽ tắt điện thoại sau 9 giờ tối" ngay dưới tấm ảnh đại diện trên nền tảng nhắn tin Line.
Itoyama bắt đầu giảm tần suất sử dụng thiết bị kỹ thuật số vào khoảng 4 năm trước. Và với dòng thông báo phía trên, anh ấy có thể giải thích cho bạn bè về thời gian "nghỉ ngơi", tắt điện thoại mà không cần phải thông báo trước.
Anh cũng không thường xuyên sử dụng Instagram như trước. "Tôi cảm thấy các cuộc trò chuyện trực tiếp thường thú vị hơn, tôi có thể trò chuyện cùng bạn bè", anh cho biết.
Sự kết nối thực tế cũng bị công nghệ làm gián đoạn (Ảnh: Shutterstock). |
Shodai Morishita (29 tuổi, Giám đốc Digital Detox Japan), thường tổ chức các cuộc hội thảo mà tại đó mọi người có thể tham gia "cai nghiện" kỹ thuật số trong những khoảng thời gian cố định. Đồng thời, họ cũng có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình với những người tham gia khác.
Anh kết luận: "Chúng tôi muốn giúp mọi người tạo khoảng cách với các thiết bị công nghệ. Điều quan trọng là chúng ta nên dành thời gian để nghỉ ngơi nhiều hơn".
Theo Dân trí
3 cách đơn giản giúp cai nghiện điện thoại
Mối quan hệ giữa bạn và chiếc điện thoại có thể tích cực, hạnh phúc hơn khi biết cách sử dụng có ý thức.