Người phụ nữ 47 tuổi ở Hà Nội phát hiện nhiều ban đỏ, ngứa ở bàn tay hai bên kèm dát đỏ ở mặt, rụng tóc, đau khớp gối và khớp cổ chân. Đi khám tại một cơ sở y tế, chị nhận chẩn đoán Lupus ban đỏ hệ thống, điều trị bằng corticoid toàn thân trong 3 năm liền.
Thương tổn sau đó giảm nhưng rất hay tái phát, phải điều trị dai dẳng nhiều đợt trong thời gian dài. Một năm trước khi đến Bệnh viện Da liễu Trung ương, đầu hai ngón chân phải của chị bị hoại tử, phải cắt cụt. Sau đó, bệnh nhân xuất hiện tổn thương dạng cục ở vùng cẳng tay, cẳng chân và thân mình, tổn thương đỏ, ấn đau, để lại vết thâm, kèm sốt.
Khi bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, các bác sĩ nghi ngờ chị có cơn phản ứng phong loại 2, chỉ định xét nghiệm mô bệnh học, phát hiện được đặc điểm điển hình của bệnh phong. Nữ bệnh nhân được điều trị, tiến triển tốt, các triệu chứng thuyên giảm nhiều.
Theo PGS.TS Lê Hữu Doanh, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, mỗi năm nước ta phát hiện thêm khoảng 100 bệnh nhân phong mới, riêng năm 2022 là 50 ca.
"Trong số này, phần nhiều là bệnh nhân vùng sâu vùng xa, nhưng vẫn có những bệnh nhân ở khu vực đô thị như Hà Nội", bác sĩ Doanh chia sẻ tại chương trình trao quà Tết 2023 cho bệnh nhân tại trại phong Quả Cảm, Bắc Ninh, ngày 23/12.
Phong là bệnh truyền nhiễm, có khả năng lây lan, tuy nhiên mức độ lây chậm và khó lây, thời gian ủ bệnh có thể lên tới 5-10 năm. Vấn đề khó khăn là không ít người mắc bệnh phong bị chẩn đoán muộn, để lại di chứng tàn tật nguy hiểm cho bệnh nhân và có thể tạo thành các ổ bệnh tiềm ẩn trong cộng đồng. Không ít ca bệnh “chạy vòng quanh” khám nhiều nơi nhưng không tìm ra nguyên nhân chính xác.
"Việc phát hiện bệnh nhân phong ở đô thị rất khó khăn. Bệnh nhân đi khám nhiều chuyên khoa hay cơ sở điều trị rồi mới đến bệnh viện da liễu. Đó là do bệnh lý này có nhiều biểu hiện trên da như sẩn đỏ rải rác khắp cơ thể, yếu cơ... nên đi khám chuyên khoa dị ứng, cơ xương khớp, thần kinh hoặc đa khoa…, khi phát hiện thường trễ" - PGS Doanh cho hay.
Bên cạnh đó, việc tìm nguồn lây, truy vết, khoanh vùng, khám tiếp xúc gần, tiếp xúc xa để điều trị, giám sát... cho bệnh nhân phong ở đô thị rất khó khăn.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp phong vào nhóm "những bệnh bị lãng quên". Sự lãng quên này bao gồm cả việc chính các bác sĩ ngoài ngành Da liễu không được đào tạo, tự quên kiến thức, dấu hiệu triệu chứng của bệnh dẫn đến bỏ sót, chẩn đoán nhầm. Một phần bởi trong thời gian dài, bệnh phong được khống chế tốt. Do đó, theo PGS Doanh, không được mất cảnh giác với bệnh lý này.
Phong là bệnh truyền nhiễm mạn tính do vi khuẩn Mycobacterium leprae gây ra, chủ yếu biểu hiện ở ngoài da và hệ thống thần kinh ngoại biên như thương tổn da kèm theo mất cảm giác nóng, lạnh, đau... Nếu không điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng mất cảm giác các dây thần kinh, tàn tật vĩnh viễn, biến dạng cơ thể.
Bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe, tác động nặng nề đến tâm lý. Cơ chế lây nhiễm của bệnh phong chủ yếu qua tiếp xúc, lây qua dịch tiết của người bệnh, nhưng đòi hỏi phải tiếp xúc gần và kéo dài.
Bệnh nhân phong khi đươc phát hiện được điều trị và quản lý tại nhà. Khi được điều trị, khả năng lây gần như không còn. Cả nước hiện có khoảng 20 trại phong, riêng khu vực phía Bắc có 10 trại, với tổng số khoảng 8.000 bệnh nhân.