Người phụ nữ may mắn ấy là chị Trịnh Thị Mai (sinh năm 1982, trú tại Thanh Hà, Hải Dương). Chị đã vượt qua căn bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối 10 năm, dù bác sĩ từng tiên lượng chỉ có thể sống được vài tháng.
Đầu năm 2014, chị Mai thường xuyên thấy nóng ở thượng vị, cơn nóng lan lên cổ nhưng vài phút là hết. Đi nội soi, bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm dạ dày và kê thuốc về nhà điều trị. Hết thuốc, triệu chứng của chị nặng hơn.
Tháng 5/2014, tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khám, bác sĩ chẩn đoán chị mắc ung thư. Nữ bệnh nhân không tin mình mắc bệnh hiểm nghèo nên sang Bệnh viện K (Hà Nội) kiểm tra với hy vọng “biết đâu chẩn đoán nhầm” nhưng kết quả vẫn không thay đổi.
"Khi đó, tôi rất sốc. Hai con còn quá nhỏ, bé lớn học lớp 3, bé út học mầm non. Nghĩ tới cảnh nếu mình chết, con mồ côi mẹ, tôi lại khóc", người phụ nữ nhớ lại.
Một tuần sau, chị vào điều trị tại Bệnh viện K, bác sĩ chỉ định phẫu thuật ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Ca mổ bao gồm cắt dạ dày, vét hạch, bóc di căn ở gan, mạc treo, cắt buồng trứng trái. Cả ê-kíp đều tiên lượng thời gian sống của bệnh nhân chỉ còn 6 tháng.
Chồng chị Mai kể lại: "Bác sĩ báo chăm sóc vợ tôi được ngày nào hay ngày đó, thời gian sống chỉ tính bằng ngày, tháng nên gia đình cố gắng dành thời gian bên người bệnh".
Sau ca mổ, bác sĩ chỉ định hóa chất nhưng chị quá yếu, chỉ còn 37kg nên phải về nhà nghỉ ngơi, nâng cao sức khỏe. Người thân, hàng xóm, bạn bè tới thăm, ai cũng lắc đầu thương cảm: “Không biết có sống qua được cái Tết không, con còn bé”.
Một tháng sau, nữ bệnh nhân bước vào liệu trình điều trị hóa chất. Thể trạng yếu và tác dụng phụ của quá trình chữa bệnh khiến chị Mai ngày càng mệt mỏi. “Tôi chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều ở trên giường. Việc đánh răng, rửa mặt cũng trở nên nặng nề, tôi không thể ngồi dậy nổi”, chị Mai nhớ lại.
Tháng 2/2015, chị xuất viện về nhà, vẫn còn yếu mệt, ăn uống khó. Nhưng với quyết tâm sống để chờ ngày con lớn, chị cố gắng lạc quan, ăn uống theo tư vấn của bác sĩ. Vì dạ dày đã cắt, mỗi lần chị ăn hoặc nói to, bụng lại đau quặn. Chị cố gắng thay đổi thói quen cho phù hợp với hệ tiêu hóa mới của mình.
May mắn, kết quả khám định kỳ 3-6 tháng/lần của chị đều ổn định. "Tôi chỉ mong muốn bệnh không tái phát để có thể nhìn con trưởng thành hơn", chị nói. Hiện, con trai lớn của chị đã học xong năm thứ nhất đại học, con gái nhỏ cũng vừa kết thúc kỳ thi tuyển sinh lớp 10.
Bác sĩ chuyên khoa II Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng I, Bệnh viện K (Hà Nội), cho biết ung thư dạ dày là một trong những bệnh ung thư đường tiêu hóa phổ biến ở Việt Nam. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam không ngừng tăng, ung thư dạ dày là 1 trong 10 bệnh ung thư thường gặp ở nước ta trong những năm gần đây.
Theo vị bác sĩ này, ung thư dạ dày hiện nay được điều trị bằng phẫu thuật là cách cơ bản nhất, có thể mổ nội soi thông thường hoặc robot, mổ mở.
Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể mổ cắt dạ dày bán phần, toàn bộ, nạo vét hạch. Giai đoạn muộn sẽ điều trị hóa chất thu nhỏ u, mổ sau để đạt nguyên tắc khỏi bệnh triệt để. Nếu quá muộn, bệnh nhân phải mổ nối tắc để ăn được hoặc mở thông để đảm bảo về dinh dưỡng.
Tâm lý lo lắng, suy sụp, bất ổn là vấn đề của nhiều người khi đối diện với ung thư. Mỗi bệnh nhân có thể trải qua những khó khăn trong cuộc sống, tâm lý và cảm xúc khác nhau. Việc giữ tinh thần lạc quan, suy nghĩ tích cực sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình điều trị ung thư.
Bệnh nhân nên đến cơ sở chuyên khoa điều trị ung thư, trao đổi trực tiếp với các chuyên gia y tế để có thể nhận được những thông tin về bệnh đầy đủ và đáng tin cậy nhất.