Jenna Gibson chỉ mới 39 tuổi khi cô đang tập luyện cho cuộc chạy marathon. Nhưng kế hoạch đó đã không thành do một cơn đột quỵ suýt cướp đi mạng sống của cô.
Theo một nghiên cứu của Mayo Clinic, gần 60% số ca tử vong do đột quỵ là phụ nữ. Mới đây, Gibson, một bà mẹ hai con ở Michigan (Mỹ), đã quyết định chia sẻ câu chuyện của mình nhằm mục đích giúp những người khác nhận thức rõ hơn về đột quỵ và quan tâm tới sức khỏe của họ.
Gibson nói với Fox News Digital: "Trong hầu hết trường hợp, đột quỵ có thể phòng ngừa nếu bạn biết mình cần chú ý điều gì”.
Vào ngày Gibson bị đột quỵ, cô đang cảm thấy rất khỏe mạnh. Khi đi dạo cùng mẹ sau bữa tối cách đây 5 năm, Gibson đột ngột dừng lại và ngã xuống bãi cỏ.
Lúc đầu, mẹ tưởng Gibson đang đùa. Bà còn chụp ảnh con gái nằm trên cỏ và nói: “Nào, dậy đi, con đang làm gì vậy?”. Bà đỡ Gibson đứng lên nhưng cô không thể đi thẳng. “Tôi cảm thấy mình như đang say - có điều gì đó không ổn”, Gibson nhớ lại.
Dù vậy, cô không gặp bất kỳ triệu chứng quen thuộc nào liên quan tới đột quỵ như mặt chảy xệ, đau đầu dữ dội hoặc rối loạn thị lực. Do đó, Gibson cho rằng cô đang bị chứng đau nửa đầu nên uống thuốc giảm đau rồi đi ngủ. Vài giờ sau, cô thức dậy và không thể cử động.
Gia đình lập tức đưa Gibson đi cấp cứu. Các bác sĩ tiến hành khám và thực hiện các xét nghiệm nhưng không thấy dấu hiệu điển hình của đột quỵ. Cô không được khỏe nhưng vẫn có thể đi lại, nói một số từ, mặt không chảy xệ. Sau khi chụp CT, bác sĩ kết luận Gibson bị đau nửa đầu.
Sáng hôm sau, khi Gibson vẫn cảm thấy không ổn, bác sĩ thần kinh yêu cầu chụp CT lần nữa và phát hiện cô bị đột quỵ, tắc mạnh máu não trái. Cô lập tức được đưa đến bệnh viện khác để phẫu thuật não khẩn cấp, loại bỏ cục máu đông.
Hậu phẫu, Gibson tỉnh dậy nhưng mất khả năng giao tiếp, không thể cử động nửa người bên phải. Tình trạng được cải thiện dần khi cô tham gia trị liệu. Sau một vài tuần, cô trở về nhà và tiếp tục điều trị ngoại trú 3 giờ một ngày, 3 ngày một tuần trong thời gian 4 tháng. Cô phải học lại mọi thứ.
Hiện nay, Gibson vẫn bị tê toàn bộ bên phải cơ thể, đôi khi gặp khó khăn trong diễn đạt, đặc biệt lúc mệt mỏi hoặc căng thẳng.
Tiến sĩ Annie Tsui, Trưởng khoa Thần kinh tại Access TeleCare (Mỹ), thông tin: "Đột quỵ có thể xảy ra vì nhiều lý do ở các nhóm tuổi và giới tính khác nhau. Nhưng phụ nữ từ 20 đến 39 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao gấp đôi so với nam giới”.
Các yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ là huyết áp cao, cholesterol cao, bệnh tim, béo phì và tiểu đường. Tuy nhiên, nguyên nhân thường gặp gây đột quỵ ở các nhóm trẻ khác với người lớn tuổi. Đó có thể là các vấn đề về tim, rối loạn đông máu, khuynh hướng di truyền, bất thường mạch máu hoặc chấn thương.
Tiến sĩ Tsui khuyên: “Không ai hoàn toàn miễn nhiễm với nguy cơ đột quỵ. Những người có nguy cơ cao hơn nên có kế hoạch phòng ngừa. Duy trì một lối sống lành mạnh rất quan trọng, có thể ngăn ngừa tới 80% số ca đột quỵ”.
Các triệu chứng đột quỵ thường được ghi nhớ dưới từ viết tắt FAST:
F (Face) - Khuôn mặt: Yêu cầu người đó mỉm cười. Một bên mặt có bị xệ không?
A (Arms) - Tay: Đề nghị người đó giơ cả hai cánh tay lên. Một cánh tay có trôi xuống phía dưới không?
S (Speech) - Lời nói: Yêu cầu người đó lặp lại một cụm từ đơn giản. Họ có nói ngọng không?
T (Time) - Thời gian: Nếu bạn thấy bất kỳ dấu hiệu như trên, hãy gọi cấp cứu ngay.
Tiến sĩ Tsui khuyến cáo một số phương pháp điều trị đột quỵ chỉ có hiệu quả trong vòng 3 giờ kể từ khi các triệu chứng bắt đầu. Nguy cơ tổn thương não vĩnh viễn hoặc tử vong tăng lên sau mỗi phút.