Đòi tiền sính lễ cao để nâng tầm giá trị 

Cô Tô (Giang Tây, Trung Quốc) sinh ra trong một gia đình nông thôn. Dưới cô còn có một người em trai. Nhiều gia đình khác coi trọng con trai hơn con gái nhưng từ nhỏ, bố mẹ lại luôn dành cho cô sự yêu thương, không phân biệt trai, gái khiến cô rất xúc động. 

Khi trưởng thành, cô nghe lời bố mẹ đi xem mắt. Lần đó, cô gặp được người đàn ông hiền lành, tốt bụng, làm kinh doanh. Người này có tình cảm với cô nên đề nghị làm đám cưới. 

tiensinle.jpg
Cô Tô khóc vì bố mẹ đẻ đã lừa dối mình

Qua lời bà mối, cô biết người đàn ông này làm ăn tốt, giàu có. Vì thế khi bàn đến chuyện kết hôn, bố mẹ cô đã yêu cầu nhà trai phải trả 680.000 tệ (gần 2,3 tỷ đồng) mới chịu gả con gái. 

Lý do nhà gái đưa ra là vì con gái họ xinh đẹp, giỏi giang. Hơn nữa, với số tiền đó, nhà trai sẽ chứng minh được thiện chí với gia đình nhà gái, cũng nâng tầm giá trị của cô gái lên. 

Bạn trai cô Tô khi đó từng bàn bạc với cô rằng số tiền 680.000 tệ quá lớn. Thực tế nhiều gia đình gả con gái chỉ nhận về 10.000 hoặc 200.000 tệ. Anh cho rằng gia đình nhà gái nên hạ số tiền sính lễ xuống còn 280.000 tệ (gần 1 tỷ đồng) thì hợp lý hơn.

Cô Tô bàn bạc với mẹ nhưng bà lại nói: "Con đừng để cậu ta dỗ ngọt. Số tiền đó là chứng minh tình yêu của cậu ta dành cho con. Nếu người đó thực sự yêu con, họ sẽ không tiếc bỏ ra số tiền sính lễ đó để cưới được con làm vợ. Và anh ta sẽ có cách kiếm đủ số tiền". 

Nghe mẹ nói vậy, cô Tô cũng không nói gì thêm, yêu cầu nhà trai phải lo đủ tiền sính lễ. 

Hai bên tranh luận và cuối cùng nhà trai cũng phải chấp nhận số tiền đó. Nhà gái cảm thấy rất vui vẻ vì cho rằng mình đã thắng. Trước đám cưới, chàng rể tương lai đã đưa cho gia đình nhà gái đủ số tiền sính lễ. 

Hàng xóm láng giềng biết chuyện vô cùng ngưỡng mộ gia đình cô Tô vì số tiền sính lễ đó là một con số khủng, hiếm gia đình nào có được khi gả con gái. Họ cho rằng cô thực sự lấy được người chồng tốt, giàu có. 

"Cú lừa" của bố mẹ đẻ

Theo phong tục, nhà gái phải đưa cho cô dâu phần lớn số tiền sính lễ này trong ngày cưới. Nếu không, con gái của họ sẽ bị mất mặt với nhà chồng. 

Tuy nhiên, cha mẹ của cô dâu không làm vậy. Họ giữ lại toàn bộ số tiền và nói sẽ giữ hộ con gái. Nếu sau này con rể đối xử tệ với con gái thì họ sẽ có cách xử lý. 

Người chồng vô cùng thất vọng khi biết vợ không mang theo bất cứ đồng tiền sính lễ nào. Anh thừa nhận phần lớn số tiền đó là do anh đi vay mà có. Và vì cô không mang theo của hồi môn nên cô phải cùng anh làm việc kiếm tiền trả nợ. 

tiensinhle1.jpeg
Bây giờ cô Tô sống trong nợ nần còn em trai lại sống sung túc bằng tiền sính lễ của cô. Ảnh minh họa. Nguồn: Sohu

Cô Tô không nghĩ nhiều, đồng ý trả nợ cùng chồng. Cô muốn thử lòng tốt của chồng. Bởi cô cho rằng nếu chồng thực sự chân tình với mình thì vài năm sau, cô có thể quay lại lấy tiền sính lễ từ chỗ bố mẹ để giúp anh. 

Ban đầu, hai người sống một cuộc sống đàng hoàng. Chồng cô Tô có thể xoay xở được số tiền nợ mỗi năm. Tuy nhiên, khi công việc kinh doanh sa sút, tiền của anh ngày một eo hẹp. Anh phải đi vay lãi. 

Cuộc sống gia đình cô Tô cũng vì vậy mà trở nên khó khăn. Cô sống tiết kiệm để lo cho chồng. Cảm thấy chồng thực sự chân tình với mình, cô Tô quyết định quay về nhà mẹ đẻ để xin lại số tiền sính lễ năm xưa. 

Khi quay lại nhà bố mẹ, cô rất tự tin. Những năm đi lấy chồng cô luôn quan tâm, chăm sóc, mua quà và thuốc bổ biếu bố mẹ. Cô cho rằng chuyện tiền bạc không thành vấn đề. Thế nhưng khi cô vừa mở miệng nhắc đến số tiền sính lễ thì tin "sét đánh ngang tai". 

Bố mẹ cô nói đã đưa phần lớn số tiền đó cho em trai cô xây nhà chuẩn bị cưới vợ. Số còn lại họ đã tiêu hết. Bố mẹ cô Tô cho rằng đó chính là số tiền cô phải báo hiếu họ suốt nhiều năm qua. 

Nghe vậy, cô Tô rất tức giận, lập tức đến tìm em trai. Cô khóc lóc nói với em rằng mình cần số tiền đó để xóa nợ và mong em đưa lại cho mình một ít. Bố mẹ không hiểu con gái, còn trách ngược cô không biết điều làm ảnh hưởng tới tình cảm gia đình, tình cảm vợ chồng của em trai. 

Trên đường về nhà, cô Tô òa khóc nức nở. 

Nghĩ đến chuyện em trai được ở trong căn nhà lớn, nội thất hoành tráng còn cô đang phải đi vay lãi trả nợ, lòng cô đau như cắt. Cuối cùng cô nhận ra, bố mẹ thực sự chỉ quý trọng em trai. Ngày trước mẹ cô ra giá tiền sính lễ cao như vậy và lấy cớ giữ lại cũng là vì muốn cho em trai của cô được sống thoải mái. Vậy cô chỉ là công cụ kiếm tiền cho họ?

Câu chuyện sau khi chia sẻ lên mạng xã hội nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Đa số cho rằng bố mẹ cô Tô quá tham lam, không có tình người nên mới để con gái khổ mà làm ngơ. Số ít phê bình cô chuyện năm xưa, nghe lời mẹ tham tiền sính lễ nên giờ mới ra cơ sự này. 

Sau 8 năm kết hôn, cô Tô nhận ra mình chẳng có gì trong tay. Thật may cô vẫn còn người chồng tốt bụng, thực sự yêu thương mình.

"Nếu hai người cố gắng cùng nhau chung tay làm ăn, tiết kiệm, tôi tin các bạn sẽ có ngày khởi sắc. Hãy chuộc lại lỗi lầm năm xưa bằng việc làm thật chăm chỉ nhé. Chuyện này không thể trách chú rể mà phải trách gia đình nhà gái, trách bạn nghe lời bố mẹ. Nên bây giờ bạn phải cùng chồng gánh vác", một người bình luận.

Thực tế, câu chuyện tiền sính lễ ở một số vùng nông thôn Trung Quốc đã gây ra nhiều hệ lụy trong hôn nhân. Có người không thể cưới vì tiền sính lễ không đủ, có người đến nhà chồng còn quay xe hoa vì không được nhận tiền xuống xe... Tình yêu không thể dựa trên tiền bạc. Vì vậy các cặp đôi yêu nhau hãy tìm hiểu thật kĩ, bàn bạc kĩ càng trước khi quyết định tiến tới hôn nhân.