Trước năm 2008, sữa Việt còn chưa có tên trên bản đồ thế giới, TH đã tạo ra cuộc cách mạng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp với Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa trị giá 1,2 tỷ USD. Chỉ sau 5 năm, Tập đoàn TH đã ghi dấu ấn với trang trại chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao lớn nhất châu Á.
TH đã làm cuộc cách mạng 4.0 từ hơn 10 năm trước
TH cho biết, tại Việt Nam có những vùng nuôi bò sữa tốt nhất là Đà Lạt, Mộc Châu và Ba Vì vì ở đây thời tiết mát mẻ, có cánh đồng rộng lý tưởng cho chăn nuôi bò sữa. Vì vậy, hơn 10 năm trước, việc nuôi bò sữa ở miền núi Nghệ An có lẽ là chuyện… động trời, thậm chí là điên rồ. Lúc đó, cựu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Cao Đức Phát đã phát biểu: “Nếu bà Thái Hương mà đúng thì mọi lý thuyết được học tại Mỹ của chúng tôi là sai. Và nếu TH đúng, tức là công nghệ chế ngự được các vấn đề của lợi thế cạnh tranh, thì bộ mặt của nông nghiệp Việt Nam sẽ thay đổi!”. Lý thuyết mà vị cựu Bộ trưởng nói tới là của Michael Porter – người đứng đầu trong danh sách 50 “bộ óc” quản trị có ảnh hưởng nhất thế giới. Ông là một trong những giáo sư lỗi lạc nhất trong lịch sử của Harvard. Những tác phẩm kinh điển của ông như Chiến lược cạnh tranh, Lợi thế cạnh tranh và Lợi thế cạnh tranh quốc gia được xem như sách gối đầu giường của giới quản trị kinh doanh và các nhà hoạch định chính sách vĩ mô trên khắp thế giới trong suốt 3 thập kỷ qua. Xét về lợi thế cạnh tranh theo quan điểm Michael Porter – tức là quan điểm thế giới, Nghệ An không phải là nơi để đặt dự án chăn nuôi bò sữa khổng lồ tới 1,2 triệu USD như TH đã làm.
Kết quả, TH đã thành công và bộ mặt của nông nghiệp Việt Nam đã thay đổi. Sự thay đổi đó đi từ phát hiện của bà Thái Hương - Chủ tịch của TH về 2 nguyên nhân khiến ngành chăn nuôi bò sữa trước đó ở đất nước hình chữ S chưa thành công: Thiếu quy trình và thiếu sự tuân thủ.
Ông Phạm Vinh Sơn, Giám đốc Bộ phận bảo trì của TH kể rằng, Nghệ An là một địa phương có khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng, khô hạn vào mùa hè và giá rét, buốt lạnh vào mùa đông, không hoàn toàn phù hợp với ngành chăn nuôi bò sữa. TH đã ứng dụng công nghệ cao và thành tựu khoa học nào vào việc khắc chế lại khí hậu khắc nghiệt tại đây. TH đã tham khảo nhiều mô hình trên tế giới sau đó chốt lại mô hình mà Israel – một quốc gia có khí hậu khắc nghiệt đã làm để đảm bảo những con bò nuôi trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt vẫn được làm mát, cho chất lượng và năng suất tốt nhất.
Ngay từ những ngày đầu xây dựng trang trại, để khắc chế lại điều kiện tự nhiên tại Nghệ An, TH đã quyết tâm triển khai 3 hệ thống khoa học công nghệ hiện đại: Hệ thống thông gió chuồng nuôi, Hệ thống quạt phun sương và Thiết kế chuồng trại. Các hệ thống này đều được nhập khẩu từ Ý, Mỹ, Israel – những nơi có nền nông nghiệp hiện đại, phát triển. Đây là Hệ thống rất quan trọng vì ngoài việc làm mát cho bò, chúng còn giúp kích thích khẩu vị và tiêu hóa cho các cô bò. Bò không bị stress sẽ ăn ngon hơn, nhiều hơn và hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn. Đi kèm với các hệ thống tiên tiến, hiện đại là thiết kế chuồng trại. Dĩ nhiên, thiết kế chuồng trại cũng được nhập khẩu và tuân thủ theo chuẩn quốc tế nghiêm ngặt. Nhờ đó mà TH tối ưu được hướng gió, giúp lưu thông không khí tự nhiên. Đặc biệt, trong mùa đông, những cô bò được đảm bảo ấm áp; trong mùa hè, đảm bảo mát mẻ. Cái hay của việc theo chuẩn quốc tế là họ có kinh nghiệm và tính toán rất tỉ mỉ, tới cả những vấn đề nhỏ nhất. Ví dụ như mái chuồng nuôi được thiết kế bằng loại vật liệu vừa giúp giảm tiếng ồn, vừa hạn chế bức xạ nhiệt vào mùa hè.
“Thời điểm đó, thứ tôi ấn tượng nhất không phải là các thành tựu công nghệ cao từ các nước hiện đại nhất thế giới tụ họp tại TH, mà ấn tượng nhất chính là quyết định của bà Thái Hương làm đồng bộ, nhập khẩu những công nghệ tốt nhất theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Bên cạnh các công nghệ liên quan tới chuồng trại, TH còn nhập khẩu cả công nghệ về sản xuất nông nghiệp và chế biến thức ăn, công nghệ về vắt sữa, công nghệ về quản lý đàn bò dựa trên số liệu với quy mô lớn, công nghệ chăm sóc thú y hiện đại, công nghệ về chăm sóc và tiện ích chuồng nuôi… Tất cả đều được tính toán kỹ lưỡng, triển khai bài bản, nhất quán và kiên định. Tôi cho rằng đó là một cách làm khác biệt của TH. Bởi đến tận bây giờ, ở các doanh nghiệp khác, thuộc bất kỳ lĩnh vực nào, thông thường, họ đầu tư công nghệ theo hướng nhỏ giọt, tức là làm đến đâu thì đầu tư đến đó. Cách làm này có thể giúp hạn chế chi phí đầu tư, tối đa hóa dòng tiền nhưng về lâu dài, cả bộ máy sẽ thiếu sự đồng bộ, bị manh mún, rời rạc và khó linh hoạt trong việc tích hợp thêm các công nghệ khác trong tương lai. TH đã đi một con đường riêng, sẵn sàng đứng trên vai những người khổng lồ, mạnh tay xây dựng cả một chuỗi Hệ thống hiện đại nhất quán, quy mô công nghiệp” ông Phạm Vinh Sơn nói.
Lúc đó, bà Thái Hương còn đưa ra quyết định không chỉ là việc “nhập khẩu” công nghệ, TH cũng “nhập khẩu” cả những chuyên gia hàng đầu thế giới. Những chuyên gia đó đều là những người có rất nhiều kinh nghiệm về ngành chăn nuôi bò sữa, thiết kế trang trại bò sữa như ông Gilad Efrat, ông Michael David, ông Tal Cohen từ Israel; ông Jake Martin III từ Mỹ. Họ đã có những đóng góp rất quan trọng, mang tính quyết định đối với thành công của TH. Bên cạnh đó là sự tiếp nhận, vận hành và phát triển của Tập đoàn TH.
“Tôi vẫn nhớ, sau 6 năm xây dựng dự án, trải qua rất nhiều buổi đào tạo, huấn luyện vận hành, vào ngày 15/5/2015, đợt chuyển giao toàn diện nhất về vận hành, quản lý trang trại, chế độ dinh dưỡng và quản lý đàn bò đã được tổ chức thành công giữa các chuyên gia người Israel, Mỹ, New Zealand và đội ngũ người Việt Nam. Phải nói rằng, nếu TH chỉ đơn thuần nhập khẩu công nghệ hàng đầu thế giới và phó mặc cho các chuyên gia nước ngoài thì rất khó để thành công như ngày hôm nay. Công nghệ chỉ là công cụ để giúp tối ưu hóa công việc mà chúng ta đang làm. Nếu không hiểu về công nghệ, chúng ta sẽ hoạt động như máy móc, không thể làm chủ và bị phụ thuộc vào chúng. Nếu có sự cố xảy ra, TH sẽ tốn rất nhiều chi phí, thời gian để chờ đợi đối tác nước ngoài tới “cứu viện”; hoặc không linh động cho phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam. Vì thế, việc chuyển giao công nghệ giữa các chuyên gia nước ngoài và người Việt Nam là bước đi tất yếu”, ông Sơn chia sẻ.
Ông Sơn kể rằng, từ hơn 10 năm trước, khái niệm đeo chip cho bò gần như rất ít người hiểu và tưởng tượng ra. Chip được đeo ở chân bò, thu thập được rất nhiều thông tin về tình trạng sức khỏe như số bước chân, thân nhiệt, tổng thời gian vận động… Điều đó cực kì mới mẻ. Nó tương tự như chúng ta sử dụng smart watch (đồng hồ thông minh) bây giờ. Đến bây giờ smart watch vẫn chưa phải là phổ thông, trong khi 10 năm trước, toàn bộ đàn bò của TH đã được áp dụng công nghệ đó. Chỉ có điều, 10 năm trước, chúng ta chưa biết để gọi tên nó là công nghệ của Cách mạng 4.0 mà thôi.
TH nhân rộng mô hình chăn nuôi bò 4.0
Sau khi triển khai thành công tại Nghệ An, TH tiếp tục nhân rộng những thành tựu chăn nuôi bò sữa trang trại, chăn nuôi tập trung công nghệ cao trên toàn quốc và Thanh Hóa, Đà Lạt với thương hiệu Dalatmilk là điểm đến tiếp theo của Tập đoàn này.
Với mô hình chăn nuôi bò sữa ứng dụng khoa học công nghệ và khoa học quản trị 4.0, nông trường Yên Mỹ ở Thanh Hóa “lột xác” thành cụm trang trại bò sữa tự chủ hoàn toàn nguồn nguyên liệu tươi sạch và chế biến sữa theo chuỗi khép kín, được kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu. Ở trang trại TH, các cô bò được chăm bẵm, tắm mát, nghe nhạc cổ điển để tiết ra dòng sữa ngọt ngào. Theo lý giải của những người chăm sóc, bò sữa vốn dĩ rất nhạy cảm, chỉ cần một tác động nặng lời, hoảng sợ, lo âu là ảnh hưởng tới chất và lượng sữa. Thức ăn gồm 15-16 loại ủ chua đa dạng như ngô, cao lương, hoa hướng dương. Nước uống phải là nước tinh khiết.
Những cô bò được làm mát bằng hệ thống chuồng trại chuyên biệt, hệ thống quạt phun sương công nghệ cao... để khắc chế ảnh hưởng của thời tiết. Đặc biệt, bò được gắn chip điện tử để người chăm sóc có thể theo dõi tình hình sức khỏe, thú y, động dục của vật nuôi qua máy tính, smartphone. Nhờ con chip này, bệnh viêm vú ở đàn bò được phát hiện từ sớm (trước 4 – 7 ngày) để cách ly. Hệ thống chuồng trại tại đây được thiết kế khoa học, đồng bộ từ quy trình chống sốc nhiệt mùa hè, chế ngự cái nắng nóng của gió Lào, giữ ấm mùa đông. Nền chuồng đúng tiêu chuẩn êm, sạch chống bệnh viêm móng và tạo sự thoải mái cho các cô bò sữa. Bộ máy trong quy trình sản xuất cũng hướng tới 4.0, như ứng dụng thông minh đo độ ẩm trên những cánh đồng. Với cánh tay tưới vươn xa 450m, hệ thống hoàn toàn tự động điều chỉnh nhịp độ cung cấp nước, điều phối toàn bộ hệ thống trang trại rộng lớn. Điều này có thể chế ngự thiên nhiên khắc nghiệt của vùng nhiệt đới, phát huy lợi thế, tiềm năng thiên nhiên.
Nông dân chăn nuôi bò sữa thời 4.0 nói gì?
Ông Bùi Đăng Sơn, thành viên Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Đơn Dương - Lâm Đồng cho biết, Dalatmilk hỗ trợ triển khai ứng dụng công nghệ cao, đeo chip cho đàn bò nhà ông. Nhờ con chip này, mọi thông số, tình trạng của bò đều được truyền tải qua một hệ thống thu phát, truyền về trung tâm công nghệ của Dalatmilk.
“Không chỉ phía Dalatmilk, mà ngay cả chúng tôi cũng biết rõ tình trạng của từng con bò thông qua điện thoại thông minh. Sau 20 năm gắn bó với con bò sữa, tôi và vợ, con, bây giờ mới thấy áp dụng khoa học công nghệ mang lại kết quả khác biệt rõ ràng như thế nào. Từ xưa tới nay, thường thì chỉ khi vắt sữa từ con bò ra, chúng tôi mới có thể biết tình trạng chất lượng sữa hôm đó như thế nào, qua đó mới biết tình hình sức khỏe của con bò. Từ khi Dalatmilk triển khai lắp con chip để theo dõi đàn bò, tôi biết trước các vấn đề sức khoẻ, qua đó giảm đáng kể công giám sát, và biết được thời điểm nào tốt nhất để có thể phối giống, thụ tinh. Hơn thế, tôi có thể phát hiện được những bệnh cơ bản của bò sữa như viêm vú tiềm ẩn, bò đau móng, bò ốm. Bò sữa hết sức nhạy cảm. Mỗi khi chất lượng sữa gặp phải vấn đề như giảm độ béo, giảm hàm lượng vật chất thô trong sữa... nhân viên kỹ thuật khuyến nông của Dalatmilk ngay lập tức sẽ nhận được thông tin từ hệ thống quản lý và sẽ xuống hộ dân để kiểm tra nguyên nhân và đưa ra biện pháp khắc phục. Nhờ thế, chất lượng sữa rất ổn định và luôn đạt chuẩn để thu mua”, ông Bùi Đăng Sơn nói.
TH cho biết, để có được mô hình như ngày hôm nay chìa khóa chính là đi thẳng vào công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa. Giờ đây, con đường tiên phong ứng dụng công nghệ cao sẽ tiếp tục được áp dụng đối với tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp khác của TH như rau củ quả sạch, gạo, nước uống tinh khiết, thảo dược,... Bà Thái Hương cho hay, TH muốn nhân rộng mô hình chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao để thay đổi ngành sữa và nông nghiệp Việt Nam. Đó là con đường dài và nhiều gian truân nhưng TH muốn vươn đến đó.