Quãng thời gian đen tối... 

Nhìn cách Nguyễn Phương (SN 1984, quê Hải Dương) tỏa sáng trên các cung đường marathon, ít ai biết chị từng trải qua 2 năm chiến đấu với bạo bệnh, từng có lúc héo mòn, rệu rã khi cơ thể bị các tế bào ung thư cùng những đợt xạ trị, hóa trị hành hạ.

Với Phương, đó là quãng thời gian u ám nhưng những trải nghiệm có được lại không hoàn toàn đen tối. Ngược lại, nhờ những năm tháng ấy, chị đã tìm được phiên bản rạng rỡ nhất của chính mình.

Phương làm quản lý y khoa cho một trung tâm tiêm chủng. Chị có bố mẹ tâm lý và 3 đứa con xinh.

Đầu năm 2021, chị bỗng thấy cơ thể bất thường với những cơn đau phía sau đốt sống ngực. Chị đi khám 3 lần ở 3 bệnh viện và đều được chẩn đoán viêm gân cơ. 

Uống thuốc ròng rã 3 tháng liền, Phương thấy cơn đau không thuyên giảm. Chị đi khám lại một lần nữa và được kết luận mắc đa u tủy. “Tôi suy sụp nhưng không nói với ai vì chưa biết phải giải quyết thế nào.

Mỗi ngày, sau giờ làm việc, tôi lại vào nhà vệ sinh khóc đến sưng mắt. Đêm về, tôi tìm tài liệu liên quan đến bệnh, liên hệ với một vài bác sĩ chuyên khoa để có hướng đi tốt nhất. Kết quả là tôi phải tiếp nhận hóa trị và ghép tủy”, chị Phương kể.

cô gái 2.jpg
Chị vật vã chiến đấu với bệnh tật suốt 2 năm 

Tiếp nhận hóa trị, Phương phải đối mặt với cả nỗi đau thể chất lẫn sự dằn vặt tâm lý. Chị thường xuyên bị nôn ói, không thể ăn uống được gì. Khi tóc bị rụng 1/3, chị càng căng thẳng hơn.

Cảnh tượng chỉ cần đưa tay lên vuốt nhẹ cũng sẽ rụng một nắm tóc khiến chị bị ám ảnh.

“Nhìn bản thân trong gương, thấy da sẻ đen sạm, mặt mũi phờ phạc, mái tóc lưa thưa... tâm lý của tôi tuột dốc không phanh.

Tôi thậm chí còn bài xích toàn bộ những lời động viên của người thân, bạn bè, khóa mọi tài khoản mạng xã hội, điện thoại luôn để chế độ im lặng... Trong giai đoạn đó, không dưới 10 lần, tôi nghĩ đến cái chết”, chị kể.

Sau khoảng 2 tháng điều trị, Phương tĩnh tâm lại. Chị xác định “phải bật lại căn bệnh này”. Chị học cách chăm sóc bản thân, trang điểm mỗi khi ra ngoài để trông tươi tắn hơn... Bất cứ việc gì khiến bản thân thoải mái, chị đều làm.

Dần dần, chị bắt đầu tìm thấy ánh sáng le lói.

Thời gian sau đó, chị vẫn triền miên trong các đợt hóa trị, xạ trị... nhưng ý chí đã mạnh mẽ hơn. Hành trình chiến đấu với căn bệnh có đủ cung bậc cảm xúc, khi đau đớn, tuyệt vọng, khi hoang mang, sợ hãi nhưng có lúc ngập tràn niềm tin, hy vọng. 

“Trong ngày ghép tủy, tôi bị bao phủ bởi nỗi sợ. Nhưng đến bước này rồi, tôi phải vững lòng vượt qua để còn về nhà nuôi con”, Phương nói.

Chị thấy may mắn khi trong suốt hành trình chữa bệnh luôn có người thân, bạn bè đồng hành, giúp đỡ. Bố mẹ và các con chị luôn động viên, đồng cảm, tâm sự để chị hiểu rằng, chị đang làm rất tốt, cần thêm chút thời gian để thích nghi và vượt qua chính mình.

cô gái 3.jpg
Chị quyết tâm "chữa lành" bản thân sau cơn bạo bệnh

Sau hơn 2 năm chiến đấu với bạo bệnh, những đợt vào thuốc đầy đau đớn, những lần “lên bờ xuống ruộng” vì truyền tiểu cầu không đáp ứng, những nắm thuốc thay cơm... chị Phương nhận tin lành đã chiến thắng căn bệnh nan y.

Và chị bắt đầu bước vào hành trình phục hồi, “chữa lành” cho bản thân, với niềm đam mê chạy bộ.

Chạy bộ để “chữa lành” bản thân

Khi sắp xuất viện, bác sĩ khuyên Phương nên tìm một môn thể thao phù hợp để rèn luyện. Chị nghĩ ngay đến chạy bộ. 

Thời gian đầu, chị gặp nhiều khó khăn vì sức khỏe chưa ổn định. Chị lê từng bước chân, mất rất nhiều thời gian để đi bộ hết một vòng công viên với quãng đường 400m. Mỏi mệt, khó thở, có lúc chị tưởng như bỏ cuộc. 

cô gái 4.jpg
Phương tỏa sáng trên các cung đường chạy bộ 

“Lúc ấy, tôi vẫn chưa có động lực nào cả. Mọi thứ đều chán nản, rệu rã. Tôi gần như mất kết nối với mọi người vì chẳng muốn nói chuyện hay tiếp xúc với ai.

Cho đến một lần nhìn thấy ba ngồi lặng lẽ ngoài hiên lúc nửa đêm, tôi chợt nghĩ không thể sống thế này được. Tôi còn bố mẹ và các con. Kể từ giây phút đó, tôi thay đổi suy nghĩ, dám đối diện với mọi chuyện”, Phương tâm sự

Chị thay đổi lối sống, chế độ ăn uống, sinh hoạt... mọi thứ quy củ và lành mạnh hơn. Mỗi ngày, chị kiên trì đi bộ ở công viên 1-2 vòng. Khi đi bộ được 3 vòng, chị bắt đầu chạy.

Giai đoạn chạy cũng được chị thực hiện từng bước để phù hợp với tình trạng sức khỏe. Sau 6 tháng, chạy bộ đã trở thành thói quen khó bỏ của chị và cơ thể được “hưởng lợi” rất nhiều từ thói quen này.

Chị không bị ốm vặt hay mắc các bệnh lý viêm nhiễm nhiều như trước đây. 

“Lần đầu hoàn thành được 5km mà không phải dừng lại giữa chừng vì khó thở, nước mắt tôi đã rơi. Đó là khoảnh khắc tôi hiểu rằng, chạy bộ không chỉ là bài tập thể chất mà còn là cách khẳng định bản thân còn sống, còn đủ mạnh mẽ để tiến về phía trước”, Phương chia sẻ.

Chị tham gia các giải chạy marathon để được gặp gỡ, giao lưu với mọi người. Cung đường dài nhất chị từng chạy có cự ly 57km trong 16 tiếng đồng hồ. 

Đêm đó, một mình chị lang thang trong rừng, một bên là đường mòn nhỏ hẹp, một bên là vực sâu hun hút. Ánh sáng le lói từ chiếc đèn pin càng khiến chị thấy cô đơn. Chị tự hỏi liệu mình có vượt qua được không?

“57km đầy gian nan ấy thật đáng trân quý. Nó không chỉ là trải nghiệm mà còn giúp tôi nhận ra, mỗi đau đớn, mỗi nỗi sợ đã trở thành một phần quý giá trong hành trình trưởng thành của tôi, là cơ hội để tôi học được cách chiến thắng giới hạn của bản thân”, Phương chia sẻ.

anh trong bai.jpg
Chị Phương lạc quan, tin yêu cuộc đời hơn sau bạo bệnh

Gần 2 năm qua, chị Phương đã tham gia gần 50 giải chạy. Và chị vẫn chạy mỗi ngày. 

Chạy bộ đã giúp chị thay đổi toàn diện, thể chất được cải thiện, các triệu chứng bệnh giảm đáng kể. Nhưng đáng quý hơn cả là chị học được cách trân trọng cơ thể, yêu thương bản thân, giữ tinh thần lạc quan, sẵn sàng chinh phục những giới hạn.

“Nếu quay lại thời điểm bắt đầu, tôi sẽ tin vào bản thân nhiều hơn và bắt đầu chạy sớm hơn. Mọi người thấy ở tôi một con người hoàn toàn khác, tích cực và lạc quan hơn nhiều”, Phương nói. 

Ảnh: NVCC