Bà Nguyễn Thị Thúy * (60 tuổi, Hà Nội) được đưa tới khám tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 với các triệu chứng điển hình của bệnh trầm cảm. Bệnh nhân buồn rầu, chán nản, bi quan, không muốn gặp gỡ, giao tiếp với bất cứ ai, thậm chí có ý định tự sát. Gia đình bà Thúy chia sẻ, bà đã ở trong tình trạng này khoảng 2 năm trở lại đây.
Bác sĩ Phạm Bích Hạnh, Khoa 3, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết, sau khi thăm khám, khai thác tâm lý, các bác sĩ xác định bệnh nhân mắc trầm cảm nặng, cần nhập viện điều trị nội trú.
Bà Thúy tâm sự, nguyên nhân khiến bà rầu rĩ, chán chường tới sinh bệnh là do cả 3 người con không chịu lập gia đình, trong khi theo bà, các con đều đã “quá tuổi”.
Anh con trai lớn năm nay 35 tuổi, 2 con gái người 32, người 30. Mỗi lần mẹ giục nên thử tìm hiểu ai đó rồi kết hôn, cả 3 đều nói “con không muốn”.
“Tôi không biết mình có tội gì. Hay do tôi đã làm điều gì sai trái nên bị trừng phạt? Tại sao mọi người đều có con cháu đề huề rồi, tôi ở tuổi này vẫn không được hưởng hạnh phúc ấy?”, bà Thúy chia sẻ.
Ban đầu, bà Thúy mất ngủ nhiều ngày liên tiếp, kèm mệt mỏi, chán ăn. Sau này, các triệu chứng nặng dần, người phụ nữ nhiều lần có suy nghĩ tìm tới cái chết để giải thoát.
Bác sĩ Hạnh trò chuyện cùng một bệnh nhân để khai thác tâm lý |
Tại bệnh viện, người bệnh được cho sử dụng thuốc chống trầm cảm, kết hợp cùng liệu pháp trị liệu tâm lý. Sau khoảng 1 tháng điều trị nội trú, bà Thúy đã ổn định hơn, dần vui vẻ trở lại.
Tuy nhiên, bác sĩ Hạnh chia sẻ, trường hợp này sau khi xuất viện liên tục tái phát bệnh. “Khi về nhà, bệnh nhân bỏ thuốc. Kết hơp với việc mỗi lần có người đến mời cưới hoặc thấy gia đình khác có cháu chắt bế bồng, bệnh nhân lại buồn rầu, suy nghĩ nên tái bệnh. Đến nay, bà vẫn chưa khỏi hẳn, đang được điều trị ngoại trú”, bác sĩ Hạnh cho hay.
Bệnh trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần khá phổ biến trong xã hội hiện đại. Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, có khoảng 20% dân số mắc trầm cảm dưới các dạng khác nhau. Trong đó, 5% thuộc nhóm trầm cảm điển hình, tức là có những triệu chứng rõ rệt của bệnh. 15% còn lại thuộc nhóm không điển hình, dễ nhầm với các chuyên khoa khác.
Có 10 triệu chứng điển hình của trầm cảm, bao gồm:
- Cảm giác buồn chán, trống rỗng
- Khó tập trung suy nghĩ, hay quên
- Luôn cảm giác mệt mỏi, không muốn làm việc gì
- Cảm giác mình có tội lỗi, vô dụng, không xứng đáng
- Mất ngủ, hoặc ngủ quá nhiều
- Hay cáu gắt, giận dữ
- Giảm thích thú trong các hoạt động hoặc sở thích hàng ngày
- Giảm cảm giác ngon miệng, sụt cân hoặc ăn quá nhiều
- Nghĩ về cái chết, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát
Ngoài ra, bệnh nhân trầm cảm có thể gặp các triệu chứng cơ thể khác như đau đầu, đau tức ngực, các rối loạn tiêu hóa, rối loạn kinh nguyệt, giảm ham muốn, đau khớp,…
Bác sĩ Phạm Bích Hạnh phân tích, cách để phân biệt trầm cảm với các lo âu thông thường là người mắc trầm cảm ủ rũ, chán chường ở mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh, trong suốt khoảng thời gian dài. Người bình thường chỉ buồn bã khi có người nhắc đến căn nguyên hoặc trong thời gian ngắn.
Bệnh trầm cảm do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể bởi yếu tố nội sinh hay do người bệnh gặp căng thẳng, sang chấn tâm lý trong cuộc sống, học tập, trong quan hệ gia đình, xã hội,…
Những người mắc trầm cảm nội sinh khó điều trị dứt điểm, trong khi đó trầm cảm do căn nguyên xác định có cơ hội chữa khỏi nếu tuân thủ đúng phác đồ điều trị và giải tỏa được căn nguyên tâm lý.
Như trường hợp bệnh nhân Thúy nói trên, bác sĩ Hạnh cho biết, nếu bà uống thuốc đầy đủ và một trong số các con ổn định cuộc sống gia đình, bệnh có thể cải thiện.
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Nguyễn Liên
Tưởng chồng ghen nhiều vì yêu, vợ tá hóa khi gặp bác sĩ
Từng cảm động vì nghĩ rằng chồng quá yêu mình mà sinh ghen tuông vô lý, tuy nhiên người vợ ngày càng mệt mỏi, khổ sở vì bị kiểm soát quá mức. Đến một ngày, chị bất ngờ khi biết chồng mắc chứng hoang tưởng ghen tuông.