Cách đây 8 năm, anh Alshebl rời quê hương As Suwayda ở Syria tới Đức. Anh đã ra tranh cử chức Thị trưởng Ostelsheim của bang Baden-Württemberg, tây nam nước Đức với tư cách độc lập. Trong cuộc bỏ phiếu hôm 2/4, anh Alshebl đã giành được 55,41% phiếu bầu, đánh bại hai ứng cử viên người Đức là Marco Strauss và Mathias Fey.
Theo kênh truyền hình SWR của Đức, người dân thành phố Ostelsheim đã chúc mừng chàng trai 29 tuổi với chiến thắng mà anh mô tả là "giật gân".
“Ngày hôm nay, thành phố Ostelsheim đã trở thành tấm gương về tư duy cởi mở và chủ nghĩa quốc tế trên toàn nước Đức. Đây không phải là điều hiển nhiên ở một khu vực nông thôn còn có tư tưởng bảo thủ”, anh Alshebl nói với đài truyền hình công cộng ZDF của Đức.
Người đầu tiên mà anh Alshebl gọi điện để báo tin chiến thắng là người mẹ vẫn đang ở Syria.
Hiệp hội các đô thị của bang Baden-Württemberg cho biết, anh Alshebl là người đàn ông gốc Syria đầu tiên tranh cử, và giành được chức Thị trưởng. Anh ấy sẽ bắt đầu đảm nhận trọng trách vào tháng Sáu tới.
“Câu chuyện cổ tích đã trở thành sự thật, và người phù hợp đã trở thành Thị trưởng của chúng tôi”, Annette Keck, một cư dân ở Ostelsheim nói với SWR.
Ông Strauss, một trong những đối thủ cạnh tranh cũng đã gửi lời chúc mừng tới anh Alshebl. “Tôi chúc anh may mắn, và kêu gọi sự ủng hộ dành cho Alshebl, cho Ostelsheim của chúng ta”, ông Strauss viết trên Facebook.
Bộ trưởng Hội nhập của bang Baden-Württemberg là ông Manne Lucha nói rằng, “Tôi sẽ rất vui nếu chiến thắng bầu cử của Ryyan Alshebl có thể khuyến khích thêm nhiều người có lịch sử di cư tham gia tranh cử vào các chức vụ chính trị”.
Trên thực tế, không phải ai cũng nồng nhiệt chào đón Alshebl. Anh cho hay bản thân đã phải nhận không ít bình luận thù địch trên con đường tranh cử chỉ vì mình là người gốc Syria.
"Đầu tư cho tương lai"
Sinh trưởng trong gia đình làm nghề giáo viên và kỹ sư nông nghiệp ở Syria, anh Alshebl mô tả cuộc sống của mình vô lo vô nghĩ cho đến năm 20 tuổi.
Khi cuộc biểu tình chống chính phủ Syria bắt đầu xuất hiện hồi năm 2011 và sau đó là sự trỗi dậy của nhóm khủng bố IS, 10,6 triệu người Syria đã phải rời bỏ nhà cửa vào cuối năm 2015. Lúc này, anh Alshebl phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan là nhập ngũ hoặc rời khỏi đất nước.
Khi mới 21 tuổi, anh Alshebl quyết định mạo hiểm vượt biển từ Thổ Nhĩ Kỳ đến đảo Lesbos của Hy Lạp trên một chiếc xuồng cao su.
Vào năm 2015, Thủ tướng Đức lúc bấy giời là bà Angela Merkel đã thực hiện chính sách mở cửa biên giới để tiếp nhận khoảng 1,2 triệu người xin tị nạn trong đó có anh Alshebl.
Khi ở Đức, anh Alshebl sống gần thành phố Ostelsheim. Vào thời điểm đó, anh cảm thấy “chỉ có một điều bạn có thể làm: nhanh chóng đứng dậy, và bắt đầu đầu tư vào tương lai”.
Trong 7 năm sau đó, anh Alshebl làm việc trong ban quản lý của tòa thị chính Althengstett, một thị trấn gần Ostelsheim. Quãng thời gian làm việc giúp anh tích lũy kinh nghiệm đáng quý để sau này vạch ra chương trình nghị sự cho chiến dịch tranh cử. Theo đó, Alshebl coi việc truy cập kỹ thuật số vào các dịch vụ hành chính công là một trong những ưu tiên, bên cạnh vấn đề chăm sóc trẻ em và bảo vệ khí hậu.
Anh Alshebl, đang là thành viên của Đảng Xanh và đã có quốc tịch Đức, cam kết trong chiến dịch tranh cử rằng một khi được bầu làm Thị trưởng, anh sẽ chuyển đến Ostelsheim.
IS dùng hơn 700 bé trai 'làm lá chắn sống' để phá vây nhà tù Syria
Các tay súng thuộc mạng lưới khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã sử dụng hàng trăm bé trai tại một nhà tù ở phía bắc Syria làm lá chắn sống khi bị lực lượng an ninh người Kurd vây hãm.
Trẻ em Syria thu lượm vỏ tên lửa, bom chưa nổ mưu sinh qua ngày
Pháo cối, đạn súng máy hạng nặng, tên lửa, bom bi, lựu đạn cỡ nhỏ, bom chùm… từng cướp đi không biết bao mạng sống người dân Syria, nhưng giờ đây, chúng lại giúp nhiều trẻ nhỏ mưu sinh.