Chả cá vốn là món ăn quen thuộc trong bữa cơm gia đình của người Việt và được bán ở khá nhiều nơi trên thị trường. Tuy nhiên, để tăng lợi nhuận, rất nhiều cơ sở chế biến đã sử dụng nguyên liệu đông lạnh, ươn thối, rẻ tiền, pha trộn thêm các loại phụ gia độc hại. Người tiêu dùng cần thận trọng, học cách phân biệt chả cá đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) với chả cá “bẩn”.
Của rẻ là của ôi
Chả cá được khá nhiều người yêu thích vì hương vị thơm ngon, có thể chế biến được nhiều món khác nhau. Nhưng trên thực tế, không phải hàng chả cá nào cũng đảm bảo ATVSTP.
Gia đình bà Vân ở quận Đống Đa, Hà Nội đã bị ngộ độc thực phẩm khi người con dâu mua chả cá không đảm bảo chất lượng. Bình thường, gia đình bà thường mua thực phẩm tại hàng quen, nhưng vì nể lời mời của người quen nên con dâu bà mua chả cá không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Miếng chả cá vàng ươm khá bắt mắt, nhưng khi ăn, mọi người đều cảm nhận miếng chả bị bở và bên trong có mùi khó chịu. Mặc dù đã dừng lại, nhưng mấy người trong gia đình trót ăn vài miếng, nên vẫn bị tiêu chảy.
Bún cá là món ăn mà gia đình chị Hương, quận Hoàng Mai, Hà Nội khá yêu thích. Trong bát bún, ngoài cá chiên giòn, chị thường cho thêm mấy miếng chả cá dai dai khiến các con ăn khá thích thú. Chị thường mua chả cá ở một hàng quen gần nhà.
Một lần, em chồng chị đến chơi, tặng chị hộp giấy nghệ thử hàn the. Khi chị Hương đặt giấy thử vào miếng chả cá, lập tức miếng giấy chuyển từ màu vàng sang màu đỏ. Em chồng chị khẳng định, hàng chả cá này đã cho lượng hàn the vượt mức cho phép.
Trên thị trường hiện nay, chả cá đang được bán qua nhiều kênh khác nhau. Từ ở chợ đến siêu thị, bán hàng online... các sản phẩm đều được đăng bán, chào hàng nhan nhản. Tuy nhiên, để hạ giá thành sản phẩm, khá nhiều cơ sở sản xuất đã nhập nguyên liệu ươn thối, kém phẩm chất, xay nhuyễn ra. Để át mùi ôi, họ cho các loại phụ gia độc hại để đánh lừa “thượng đế”.
Bởi bán trên nhiều kênh nên giá của chả cá biến động từ vài chục nghìn đồng/kg cho đến hàng trăm nghìn/1kg. Nhiều người tiêu dùng ham của rẻ và không biết cách phân biệt chả cá đảm bảo ATVSTP và chả cá “bẩn” đã rước đồ ôi thiu về cho gia đình thưởng thức.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia công nghệ thực phẩm cho biết, việc dùng cá ươn, chết làm chả cá sẽ làm mất hết những giá trị dinh dưỡng vốn có của cá. Với dầu ăn, bản thân nó là thực phẩm dễ bị ôxy hóa, phân hủy các chất trong dầu khi nấu ở nhiệt độ cao nhiều lần.
Nếu đun ở nhiệt độ cao nhiều lần sẽ xảy ra các phản ứng tạo ra những chất như phospho, lưu huỳnh và chất acorolein… sẽ rất độc hại khi chúng ta ăn phải. Việc sử dụng dầu đã chiên qua nhiều lần còn tác hại lên men tiêu hóa ở đường ruột, dễ làm rối loạn tiêu hóa.
Cách phân biệt chả cá sạch và chả cá bẩn
Trên thị trường, nhiều tiểu thương đã “phù phép” để các nguyên liệu ươn thối trở thành những miếng chả cá màu sắc đẹp, bắt mắt, mùi vị thơm nức. Theo các chuyên gia về sức khỏe, việc sử dụng cá ươn, dùng dầu cũ rán đi rán lại và các phụ gia độc hại làm chả cá sẽ dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Người tiêu dùng cần trang bị những kiến thức về ATVSTP để phân biệt chả cá sạch và chả cá bẩn.
Chả cá ngon được làm từ thịt cá tươi nguyên chất và thường có hương thơm đặc trưng của thịt cá xay, ớt, nước mắm... mà không có mùi hóa chất thơm nồng. Miếng chả có màu vàng nhạt và có độ kết dính vừa phải khi cắt. Khi ăn, chả cá có vị dai và ngọt tự nhiên của thịt cá chứ không phải từ phụ gia.
Nhiều cơ sở chế biến đã cho hàn the vượt mức cho phép, gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Bạn có thể nhận biết qua màu sắc, hương vị. Chả được trộn hàn the sẽ có màu vàng sẫm khá bắt mắt. Đây là màu của một loại hóa chất rẻ tiền không rõ nguồn gốc được bán trôi nổi trên thị trường. Ngoài cách nhận biết bằng cảm quan, bạn có thể dùng giấy nghệ để thử hàn the cũng rất hữu hiệu.
Để tăng lợi nhuận, nhiều cơ sở lạm dụng việc pha bột vào chả cá. Cách nhận biết cũng không khó. Chả cá pha bột thường có bề mặt mịn chứ không có các lỗ nhỏ như chả cá nguyên chất. Đó là do bột sau khi trộn sẽ lấp đầy các lỗ thông khí khiến miếng chả cá mướt mịn.
Chúng ta có thể thấy, vì mờ mắt trước lợi nhuận, các tiểu thương đã cho các loại phụ gia độc hại vào chả cá. Bên cạnh đó, khá nhiều cơ sở chế biến xác định sản phẩm chả cá sạch chính là tiêu chí quan trọng quyết định sự tồn tại của họ. Người tiêu dùng cũng không nên ham rẻ mà mua chả cá của những nơi không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Hãy xác định, không có món hàng nào chất lượng cao mà giá rẻ.
Người tiêu dùng hãy lựa chọn những cơ sở chế biến chả cá uy tín, có nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm rõ ràng. Sản phẩm có nhãn hiệu, bao bì có tên Cty hoặc cơ sở trực thuộc. Có đầy đủ thông tin về cơ sở sản xuất như website, số điện thoại, địa chỉ sản xuất. Hãy lựa chọn thương hiệu được nhiều người tiêu dùng đánh giá tốt.
Theo Kinh tế Đô thị