Thu nhập của Koo Young-gyu là 620.000 won/ tháng (gần 12 triệu đồng) nhưng vì có 4 chiếc thẻ tín dụng nên anh được phép chi tiêu gấp 60 lần số tiền đó.
Suốt 18 tháng, anh sống trong thiên đường nhờ những chiếc thẻ thần kỳ. Koo đặt một chuyến du lịch tới đảo Jeju và vung tiền vào những thứ như giày dép, máy quay phim.
‘Tôi đã nghĩ rằng ‘hãy sống một năm thật thoải mái’’ - anh chia sẻ. ‘Tôi cảm thấy không thoải mái khi chi tiêu như vậy. Nhưng thật khó để dừng lại’.
Kết quả là anh đang nợ thẻ tín dụng 87 triệu won (hơn 1,6 tỷ đồng) khi chưa tròn 30 tuổi. Và anh không biết làm thế nào để giải quyết được số nợ đó. Gần 1 năm qua, anh khổ sở vì các trát đòi nợ.
Koo Young-gyu |
‘Năm 2016, khi gia đình biết về khoản nợ, tôi đã nghĩ đến việc tự tử vì xấu hổ’.
Việc cố tự tử vì nợ nần như Koo không phải là trường hợp hiếm hoi ở Hàn Quốc. Từ năm 2014 đến năm 2018, hơn 800 người đã cố tự sát bằng cách nhảy xuống từ cây cầu Mapo ở Seoul.
Chính vì thế, cây cầu này còn được gọi là ‘Cầu tử thần’ - một trong những địa điểm được chọn để tự tử nhiều nhất ở Hàn Quốc. Lý do phổ biến nhất là do nợ nần.
Trong khi Hàn Quốc là một cường quốc kinh tế đứng thứ 4 châu Á sau Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, thì nước này cũng đứng đầu châu Á về tỷ lệ nợ của hộ gia đình so với GDP.
Cây câu Mapo (Seoul) - nơi nhiều người Hàn Quốc tìm đến để tự tử. |
Năm nay, theo thống kê, các hộ gia đình Hàn Quốc nợ ngân hàng và các tổ chức tài chính lên tới 1,611 nghìn tỷ won. Theo ông Anwita, người đứng đầu cơ quan nghiên cứu rủi ro của các quốc gia châu Á tại Fitch Solutions, khoản nợ này đang tăng với tốc độ nhanh hơn nhiều so với thu nhập hộ gia đình.
Nợ hộ gia đình bao gồm các khoản vay sinh viên, mua ô tô, thế chấp nhà, vay làm ăn nhỏ và nợ thẻ tín dụng.
Một nguyên nhân chủ yếu khiến người dân nước này lâm vào tình trạng nợ nần nhiều như vậy là vì sự phụ thuộc vào chi tiêu bằng thẻ tín dụng. Chi tiêu bằng thẻ tín dụng chiếm 40% GDP của đất nước - so với 18% của người Mỹ.
Trong những năm qua, số lượng các công ty phát hành thẻ tăng lên, đồng thời họ cũng nới lỏng các ràng buộc để lôi kéo các chủ thẻ chi tiêu nhiều hơn.
Koo kể lại rằng, khi anh mất việc vì bị bệnh, anh đã nói dối các công ty thẻ tín dụng về việc này.
Theo các công ty thẻ tín dụng, năm ngoái, số người không trả được nợ tăng lên vì thị trường việc làm khắc nghiệt.
Khoảng 134.000 người ở Hàn Quốc đã tuyên bố phá sản vào năm 2018. Và nhóm duy nhất có tỷ lệ phá sản tăng vọt là nhóm người ở độ tuổi 20, trong đó có nhiều người không kiếm được việc làm.
Nhiều người Hàn Quốc nộp đơn xin phá sản để thoát khỏi nợ nần. |
Giáo sư Kinh tế của ĐH Hansung, ông Kim Sang-bong chỉ ra rằng, một số người trẻ vẫn sẽ tiếp tục tiêu tiền trong 1-2 năm nữa trong khi đang đi kiếm việc làm, vì thế họ vẫn sẽ tiếp tục nợ tiền.
Tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm người trẻ từ 15-24 tuổi của Hàn Quốc là 10,5% vào năm 2018 - theo OECD. Con số này cao hơn tỷ lệ thất nghiệp của người trẻ ở những quốc gia có GDP xếp sau Hàn Quốc như Mexico (6,9%) và Cộng hoà Séc (6,7%).
Một số nhà quan sát đổ lỗi cho luật lương tối thiếu khiến các doanh nghiệp nhỏ không muốn thuê người trẻ thiếu kinh nghiệm.
Kwon Do Hyeon - người đang phải làm 2 công việc bán thời gian để trả nợ. |
Kwon Do Hyeon là một trong số những người đang nỗ lực tìm việc làm toàn thời gian. Suốt năm qua, kể từ khi chuyển đến sống cùng chị gái, cậu đã tìm được 2 việc làm bán thời gian với mức thu nhập tổng là 23,5 triệu đồng/ tháng.
Với mức thu nhập này, cậu không thể tiết kiệm tiền vì còn phải trả khoản nợ sinh viên, sinh hoạt phí và số tiền cậu vẫn đang còn nợ mẹ mình. ‘Chẳng còn lại gì để tiết kiệm’ - Kwon nói.
Lý do chính khiến Kwon mắc nợ mẹ là do nghiện cờ bạc - một tật xấu mà nhiều thanh niên Hàn Quốc mắc phải.
Số thanh niên được điều trị bệnh nghiện cờ bạc đã tăng gấp 6 lần - từ 168 ca vào năm 2015 lên 1.027 ca vào năm 2018, trong đó phần lớn là đánh bạc trên các website bất hợp pháp.
Bắt đầu lao vào cờ bạc từ những năm sinh viên, Kwon từng gặp may khi thắng tới 41 triệu won. Nhưng sau đó may mắn không còn đến với cậu nữa. Số tiền thắng được cũng tiêu tan hết.
Nhưng cơn nghiện của Kwon thì chưa dứt. Trong vòng 10 ngày, cậu đánh thua mất gần 15 triệu won bằng khoản tiền vay dành cho người có thu nhập thấp.
Bố mẹ cậu bắt đầu can thiệp bằng cách trả nợ cho con trai, nhưng cậu bị đuổi ra khỏi nhà.
‘Thật khó khăn. Tôi không được tắm rửa… Tôi luôn mệt mỏi và không có tiền. Cơn đói liên tục ập đến’ - Kwon chia sẻ.
Cảnh mua sắm ở một cửa hàng Hàn Quốc |
Chuyên gia về các khoản nợ Kim Min-chul cho biết, hiện có nhiều nền tảng như các diễn đàn online, ứng dụng tin nhắn đã được những kẻ cho vay nặng lãi sử dụng, nhằm mục tiêu vào những người trẻ như Kwon với lãi suất cao chót vót.
Khoảng hơn 400.000 người Hàn Quốc được biết là đang vay nặng lãi. Ước tính số tiền vay vào năm 2018 lên tới 7,1 nghìn tỷ won.
Một nhóm khác lâm vào cảnh nợ nần là các chủ doanh nghiệp tự thân - chiếm khoảng ¼ lực lượng lao động Hàn Quốc. Nhiều người thiếu tiền mặt nhưng không thể vay ngân hàng vì điểm tín dụng kém. Cuối cùng, họ phải vay nặng lãi.
Đã nhiều người tuyên bố phá sản giống như Koo để bắt đầu một cuộc sống mới. Khoản nợ của anh biến mất, nhưng hồ sơ phá sản đồng nghĩa với việc trong vòng 5 năm, anh sẽ không thể vay bất cứ khoản tiền nào hợp pháp.
Koo tìm được công việc bán thời gian ở một cửa hàng tiện lợi. Nhưng giống như nhiều doanh nghiệp nhỏ khác, cửa hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 khiến anh không có việc làm vào tháng trước.
Chính phủ Hàn Quốc cam kết sẽ tập trung vào việc kích thích tăng trưởng và ngăn đất nước rơi vào tình trạng suy thoái kéo dài, thay vì đẩy mạnh các chính sách thắt chặt thẻ tín dụng hay thắt chặt các khoản vay đang hữu ích với các hộ gia đình.
Vụ án 'nô lệ tình dục' trên mạng gây rúng động dư luận Hàn Quốc
Một vụ án lạm dụng tình dục trẻ em trên không gian mạng mới đây đã bị phanh phui, khiến dư luận Hàn Quốc dậy sóng.
Nguyễn Thảo (Theo Channel News Asia)