Báo cáo từ Ngân hàng Shinhan dù thu nhập trung bình của mỗi hộ gia đình mắc nợ vào năm 2021 đã tăng 3,1% so với năm 2018, số nợ trung bình của họ lại tăng hơn 102 triệu won (40,2%).
Theo Chosun Ilbo, con số trên cho thấy mỗi hộ gia đình đang ôm khoản nợ lớn gấp 20 lần số tiền họ kiếm được. Tỷ lệ số hộ mắc nợ cũng tăng từ 57,2% lên 66,7% với cùng kỳ năm trước.
"Với tốc độ này, người dân sẽ ngày càng khó trả nợ", báo cáo lưu ý. Số liệu này đã được thu thập trên 10.000 người trong độ tuổi 20-64 trên cả nước từ tháng 9 và 10 năm 2021.
Đáng nói, 41,1% người ở độ tuổi 20-30 đã sở hữu bất động sản riêng với khoản chi phí trung bình là 364 triệu won, tăng 33,5 triệu won so với năm 2020. Điều này khiến khoản nợ của họ tăng 49,6 triệu won, chạm mốc 107 triệu won so với cùng kỳ.
Thực tế, 89,8% người dân trong độ tuổi này phải vay tiền để mua nhà riêng, cao hơn hẳn so với các nhóm tuổi khác. Số nợ trung bình mà người trẻ phải gánh là 167 triệu won, cao hơn 24 triệu won so với mặt bằng chung.
Ví dụ, nếu chi 800.000 won hàng tháng để trả nợ, họ vẫn phải tiếp tục làm vậy trong vòng 17 năm và 4 tháng mới có thể chấm dứt khoản vay.
Giá bất động sản tăng cao buộc nhiều người trẻ phải trì hoãn dự định mua nhà. Báo cáo trên chỉ ra 10,8% người trẻ xứ kim chi có ý định mua nhà trong vòng 2 năm tới.
Áp lực tài chính, không thể sở hữu nơi ở riêng cũng khiến người dân Hàn Quốc ngại kết hôn. 55% người tham gia khảo sát cho biết họ đã kết hôn vào năm 2021 song lại chưa thể mua nhà vì phải chi 169 triệu won, một số tiền lớn, để tổ chức đám cưới.
Kim Su-yeong (36 tuổi) đã từ bỏ hy vọng có nhà và sinh con, theo The Hankyoreh.
"Có vẻ như tôi không thể có con và nuôi dạy chúng. Khi giá nhà đất tăng cao so với lương bổng, tôi không thể tìm được một chỗ ở tại Seoul".
Kim làm việc tại một thư viện. Mỗi tháng vợ chồng anh kiếm được 4 triệu won. Căn hộ họ sống hiện tại rộng 26 m2 và có 2 phòng.
Khó mua nhà, áp lực tài chính khiến nhiều người Hàn Quốc phải trì hoãn kế hoạch sở hữu bất động sản, kết hôn, sinh con. Ảnh: Baek So-ah/The Hankyoreh. |
Để thuê căn hộ dài hạn, họ mất phí đặt cọc 170 triệu won. Hơn một nửa số tiền này cả hai phải vay mượn.
"Tôi lo lắng khi hợp đồng thuê nhà sẽ kết thúc vào năm sau, chúng tôi sẽ tốn thêm 100 triệu won cho những nơi khá hơn một chút, trong khi những căn hộ bình dân cũng đã tăng 40-50 triệu won", Kim nói.
Ngoài ra, sự chênh lệch về mức thu nhập trung bình ở các ngành nghề cũng trở nên rõ rệt.
Nhóm lao động kiếm được 7 triệu won/tháng nói thu nhập của họ tăng 5,9%, còn với nhóm thuộc 20% thấp nhất của bậc lương thì lại bị giảm 1,1-1,6% mức lương.
Sự chênh lệch giữa nhóm thu nhập thứ năm và thứ nhất đã tăng lên 5,23 lần. Ngân hàng Shinhan cho biết "điều kiện việc làm không ổn định" trong bối cảnh đại dịch là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Theo Zing