Những "phụ huynh" của chó, mèo

Nguyễn Trường An (31 tuổi, Long Biên, Hà Nội) chưa có ý định kết hôn. Anh sống cùng 3 chú chó được 7 năm. Anh dành toàn bộ thời gian rảnh để chăm sóc “các con”. Đi chợ hàng ngày, nấu đồ ăn, đưa chúng đi dạo công viên, thay bỉm... cho 3 "đứa con" khiến anh bận rộn như một người cha thực sự.

Sở dĩ Trường An phải mặc bỉm cho chúng vì thói quen đi “vệ sinh đánh dấu lãnh thổ” của loài chó. “Nhiều lúc hàng xóm tưởng mình là bố đơn thân vì thấy mình quanh năm tay xách, nách mang hàng tá bỉm mà không thấy vợ đâu", Trường An cười nói.

thu-cung-1.png
Trường An bên cạnh 3 chú chó cưng. Ảnh: Đức Vũ

Dù gia đình liên tục “giục" kết hôn, nhưng An vẫn kiên định với việc ở một mình. “Mình chỉ muốn ở cùng với 3 đứa, vì tụi nó sẽ không phản bội mình. Giờ nghĩ đến việc tìm người hẹn hò, tán tỉnh nhau rồi ghen tuông, giận dỗi mình thấy rất nản”.

Anh chia sẻ, nếu kết hôn anh cũng phải cân nhắc rất kỹ về bạn đời của mình, liệu cô ấy có yêu thương động vật hay cùng mình chăm sóc 3 chú chó hay không.

“Nếu mình dành ít thời gian hơn cho chúng để đi hẹn hò và nhà có thêm một người, chúng nó sẽ rất buồn và hoang mang", anh nói thêm về lý do chưa muốn kết hôn. 

Hiện nay, nuôi thú cưng không chỉ là cho chúng ăn, mà còn phải chăm lo đến tâm lý và cảm xúc của chúng. Người nuôi cần biết khi nào chúng buồn bã hay thất vọng để kịp thời cải thiện hoặc thậm chí đưa đi bác sĩ thú y nếu chúng có biểu hiện khác thường.

Nhiều người đi du lịch, công tác còn đưa thú cưng của mình đến các khách sạn chó mèo xa xỉ hoặc đầu tư thiết bị camera đắt đỏ để theo dõi, trò chuyện từ xa.

Sống cùng nhau được hơn 2 năm, Ngọc Thắng (Đông Hưng, Thái Bình) cưng chú mèo của mình như một người thân trong gia đình.

Ngọc Thắng thường xuyên mua quần áo, phụ kiện và đưa chú mèo đi chơi. “Mình thương nó lắm nên không muốn nhốt nó trong 4 bức tường, mình muốn để cho nó khám phá thế giới và mình cũng như có thêm một người bạn đồng hành tin cậy” - Ngọc Thắng chia sẻ.

thu-cung-2.jpg

3 chú chó được anh Trường An đưa đi du lịch như người thân trong gia đình. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thậm chí, Ngọc Thắng còn phải chuẩn bị 2 bình lọc nước với giá không hề rẻ, khoảng 400 nghìn/bình chỉ để cho … mèo uống nước.

“Vì con mèo nhà mình đỏng đảnh lắm, ngoài uống nước kiểu bình thường nó còn thích uống từ vòi chảy ra nên phải sắm thêm một cái có chế độ phun nước 24/7 để đảm bảo mèo uống đủ lượng nước trong ngày" - Ngọc Thắng chia sẻ.

Thắng còn chuẩn bị sẵn 3-4 loại thức ăn như hạt khô, pate và thịt sấy để chiều lòng chú mèo khó tính. Súp thưởng, viên ngậm hay kem đánh răng cho mèo cũng là một khoản chi. Thắng phải dành dụm từ thu nhập của mình để chăm sóc “con trai". 

Đầu tư thời gian và tiền bạc cho thú cưng của mình, cả Trường An và Ngọc Thắng đều nhận lại những giây phút yên bình, “chữa lành" sau 8 tiếng làm việc nơi công sở. Họ coi những chú chó, chú mèo như những người bạn để tâm tình, giãi bày những nỗi niềm không thể kể cho ai.

thu-cung-3.png

Chú chó của Trường An trong một chuyến du lịch. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phong cách sống

Tiến sĩ Ciyong Lu, giáo sư dịch tễ học và khoa học y tế, đồng thời là Phó Trưởng khoa Y tế Công cộng tại Đại học Sun Yat-sen, Quảng Châu, Trung Quốc cho biết: “Những người từ 30 - 50 tuổi sống một mình có thể hạn chế sự suy giảm nhận thức bằng cách nuôi thú cưng trong nhà.

Việc vuốt ve một chú chó giúp tăng cường hoạt động ở vỏ não trước, bộ phận chịu trách nhiệm cho việc điều phối suy nghĩ và lập kế hoạch”.

Có thể thấy rằng cả An hay Thắng đều chọn cách sống một mình cùng thú cưng bởi nhiều lợi ích về mặt tinh thần mà chúng mang lại. Báo cáo của American Society for the Prevention of Cruelty to Animals chỉ ra rằng số lượng thú cưng được nuôi (đặc biệt tại các thành phố lớn) tăng đều qua mỗi năm từ 15-20%.

Tính riêng tại Trung Quốc, có hơn 70,43 triệu người nuôi thú cưng (chó, mèo) ở thành thị năm 2022 và dự kiến sẽ tăng lên 446 triệu vào cuối năm 2024 theo báo cáo từ công ty tư vấn Frost & Sullivan.

thu-cung-4.png
Bé mèo tên “Ti" và Ngọc Thắng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trần Quang Diệm (Tam Điệp, Ninh Bình) cho biết, hàng tháng anh đều để dành 3-5 triệu đồng để chăm sóc chú mèo của mình. Cuối tuần, anh thường đưa mèo đi tắm, spa, cắt tỉa lông và khoản thuốc bổ cũng tốn “kha khá".

“Mình đã nuôi nó thì phải chăm sóc cho chúng cẩn thận. Phải đảm bảo chúng có được môi trường tốt nhất, không bị stress, nên thậm chí chi phí chăm sóc cho chúng còn tốn hơn khoản tiền mình dành cho bản thân" - Diệm chia sẻ.

thu-cung-5.jpg
Chú mèo “Ti" sở hữu 2 chiếc bình lọc nước đắt tiền. Ảnh: Đức Vũ

Vì lên Hà Nội lập nghiệp, sống xa quê hương nên chú mèo là người bạn duy nhất an ủi anh mỗi khi buồn bã hay áp lực công việc. Mỗi khi về quê, anh luôn tự hào khoe rằng đây là “con trai" mình trước những lời hỏi thăm về việc lập gia đình, sinh con.

Có thể thấy rằng, hiện nay nhiều người trẻ chọn sống một mình với thú cưng như một lối sống “chữa lành". Họ đi làm và trở về nhà để được ôm ấp người bạn bốn chân của mình. Đối với họ, thú cưng không chỉ là bạn đồng hành, mà còn là một phần gia đình, như người thân trong nhà.