Khi du lịch Trung Quốc dần phục hồi sau Covid-19, các ngôi chùa Phật giáo và Đạo giáo tuyệt đẹp trên khắp cả nước đã chứng kiến đông đảo thanh niên tìm đến để tạm thời thoát khỏi những bộn bề lo lắng trong đời sống cá nhân cũng như công việc. Dữ liệu từ nền tảng du lịch trực tuyến Trip.com vào cuối tháng 2 cho thấy, lượng đặt chỗ cho các chuyến viếng thăm chùa chiền đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó những người trẻ chiếm một nửa số lượng đơn đặt chỗ.

Luo - cô gái 25 tuổi đến từ Thâm Quyến cho biết cô đã viếng thăm 6 ngôi chùa trong năm nay. Cô nói rằng việc đi chùa giúp cô thư giãn sau 10 tiếng làm việc ở văn phòng mỗi ngày.

Trên Douyin, phiên bản tiếng Trung của TikTok, lượt tìm kiếm các chuyến thăm chùa đã tăng 580% trong năm nay, theo Ocean Engine, một nhà cung cấp dịch vụ tiếp thị trực tuyến. Trên nền tảng phong cách sống Xiaohongshu, đã có hơn 820.000 bài đăng của những người đi chùa chia sẻ về mọi thứ, từ cách di chuyển cho đến các nghi thức thờ cúng. Họ coi việc đi chùa là “một trải nghiệm thanh lọc tâm hồn”.

Chùa Lama, một địa điểm thờ cúng Phật giáo ở Bắc Kinh, ghi nhận trung bình hơn 40.000 du khách ghé thăm mỗi ngày. Ngôi đền Wofo ở Bắc Kinh cũng trở nên nổi tiếng, chủ yếu là do cách phát âm tên chùa tương tự với từ “cung cấp”, thu hút người trẻ đổ xô đến cầu nguyện đỗ đạt và thăng tiến trong sự nghiệp. 

Tại tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc, những hình ảnh được đăng tải trên mạng vào đầu tháng 4 cho thấy du khách xếp hàng dài để vào chùa Lingyin từ sáng sớm. Sau đó, họ lại chen chúc ở cửa hàng lưu niệm để mua những chiếc vòng tay chuỗi hạt tượng trưng cho sự bình an và hạnh phúc. 

Song Yuqian, nhà bình luận về các vấn đề công cộng, cho rằng nhiều người trẻ có thể đang đi chùa theo phong trào, cũng có thể do áp lực cuộc sống ngày càng tăng. 

Một báo cáo vào năm 2021 về sức khỏe tâm thần cho thấy những người trong độ tuổi từ 16 đến 34 có mức độ lo lắng cao nhất. Trong khi đó, một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 6/2022 kết luận, 85% số người được hỏi phải đối mặt với một mức độ áp lực nhất định trong công việc.

“Đi chùa giúp người ta thư giãn và tạm thời giải toả căng thẳng. Vì sức mạnh thần bí từ thần thánh khiến người trẻ cảm thấy yên tâm, nhờ đó có khả năng chữa lành tinh thần”. 

“Quá trình tôn thờ Đức Phật không chỉ tạo ra một cuộc đối thoại với một ai đó khác, mà còn tạo ra một cuộc đối thoại với chính bản thân họ, giúp họ tìm kiếm niềm an ủi trong khi khám phá”.

Người trẻ thắp hương cầu khấn ở chùa Lama hôm 19/2/2023.

Tuy nhiên, một số chuyên gia nghiên cứu về tôn giáo đã phớt lờ sự quan tâm ngày càng tăng của những người trẻ tuổi với chùa chiền. Họ cho rằng việc thiếu niềm tin có thể khiến toàn bộ quá trình thực hành trở nên hão huyền.

Zhu Yiwen, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo và Văn hóa Thượng Hải, đã viết trong một bài bình luận trên tờ Sixth Tone như sau: “Bản thân họ không coi trọng các nghi lễ, cũng như không thấy cần thiết phải theo tôn giáo đó. Thay vào đó, họ chỉ đơn giản là hy vọng sẽ nhận được sự may mắn khi công đức một ít tiền và đọc một chút kinh Phật”.

Tuy nhiên, Luo nói rằng cô sẽ rất vui khi được sống vài tháng trong một ngôi chùa để có trải nghiệm tôn giáo chân thực hơn. Rất tiếc là cô không thể sắp xếp được thời gian cho việc đó.

“Việc những lời cầu nguyện có thành hiện thực hay không không quan trọng lắm”, Luo nói. “Điều quan trọng là khi khấn Phật, tôi cảm thấy mọi thứ an yên và chân thành như mình mong muốn”.