Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Cục quản lý đăng ký kinh doanh, mỗi năm Việt Nam có khoảng 100 học sinh đạt giải nhất trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, hơn 100 nghìn doanh nghiệp mới được thành lập với hàng vạn CEO và người đứng đầu. Với nhiều lợi thế từ xã hội hiện đại, người trẻ Việt đang không ngừng nỗ lực theo đuổi thành công. Thế nhưng, đằng sau vị trí đỉnh cao mà người người ao ước là những câu chuyện chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu.
Dưới “hào quang” của vị trí “người giỏi nhất”, các cá nhân đạt thành tích cao luôn nhận được ánh mắt ngưỡng mộ và sự công nhận của những người xung quanh. Tuy nhiên, chính ánh mắt đó lại tạo nên sự kỳ vọng của xã hội, tạo ra áp lực vô hình đặt lên vai những người trẻ tuổi.
Vượt qua hơn 600 thí sinh đến từ 84 trường đại học, học viện, cao đẳng trong cả nước, bạn Bùi Thành Đạt, sinh viên năm nhất trường Học viện Bưu chính viễn thông đã xuất sắc giành huy chương vàng trong cuộc thi Olympic Toán học toàn quốc lần thứ 29. Tuy nhiên, để đạt được tấm huy chương danh giá, Thành Đạt đã đánh đổi bằng thời gian và sức khỏe.
Trong quá trình ôn thi thì mình luôn luôn cảm thấy áp lực, mình luôn phải gồng mình, cố gắng học nhiều nhất có thể. Điều này về lâu dài ảnh hưởng đến cả tâm lý của mình trong lúc vào phòng thi. Trong đầu mình luôn có suy nghĩ rằng là mình nỗ lực chưa đủ. Khi đối diện với những áp lực mình thường hay cảm thấy chán nản và muốn buông bỏ mọi thứ, mình trở nên dễ nổi nóng với những người xung quanh, khiến mình bị mất động lực để tiếp tục công việc. Từ đó chất lượng công việc cũng đi xuống, tinh thần và sức khỏe của mình cũng bị giảm sút do áp lực.
Trái ngược với cảm giác vui mừng khi đứng trên bục chiến thắng, bạn Vương Thùy Linh - Quán quân cuộc thi tìm kiếm tài năng người dẫn chương trình Sparkling lại mang áp lực về danh hiệu bản thân đạt được.
Có rất nhiều người hỏi em là sau khi được quán quân thì cuộc sống của mày có thay đổi gì không? Nhưng mà thực sự thì em thấy là cuộc sống của em vẫn thế, chỉ có cái cảm giác lo lắng lại nhiều hơn. Bởi vì mình phải làm sao cho xứng đáng với danh hiệu đó và làm sao để không dậm chân tại chỗ. Ví dụ bây giờ em đã được quán quân và em đi thi một cái gì đấy mới. Mọi người xung quanh sẽ có cái sự đánh giá khắt khe hơn với em. Bởi vì em đã là người có danh hiệu trước đó rồi. Còn các bạn mà chưa có danh hiệu lại có thể đi casting trong tâm trạng để thử thì nó sẽ thoải mái hơn rất nhiều.
Ở độ tuổi 20, khi bạn bè đồng trang lứa đang vô tư tận hưởng tuổi học trò thì vì cái mác quán quân, Thùy Linh lại gánh trên vai áp lực công việc, hướng đi cho bản thân.
Thực ra em luôn luôn thấy quá tải. Nếu như mà vừa học vừa làm vừa đi dẫn thì em chắc chắn sẽ phải đánh đổi cái thời gian nghỉ ngơi của mình, đánh đổi thời gian dành cho gia đình. Chẳng hạn một tuần em sẽ không về quê nữa. Nếu như là còn là sinh viên năm nhất thì em về quê hàng tuần, nhưng mà khi năm hai và em bắt đầu đi dẫn nhiều hơn, đi làm nhiều hơn, khối lượng học tập nhiều hơn thì một tháng em chỉ được về một lần thôi. Chẳng hạn để dành những cái ngày cuối tuần đấy mình đi dẫn mình trau dồi kinh nghiệm hoặc là mình dành thời gian để học nhóm để làm bài tập nhóm cho xong những deadline trên trường thì em thấy là rất khó để cân bằng. Và em đã rất nhiều lần quá tải vì có quá nhiều việc cần phải hoàn thành trong một ngày.
Khi đạt được vị trí cao nhất, bản thân người trẻ hiểu rằng, mình đang sở hữu một thành tựu, nắm trong tay một đặc quyền mà ít ai có được. Tuy nhiên, vì tác động và sự soi xét của xã hội, nhiều bạn trẻ lại sợ hãi, tìm cách giấu đi những thành công mình có. Bạn Mai Đức Toàn, Thủ khoa xuất sắc đầu ra trường Đại học Kinh tế Quốc dân năm 2022 cũng là một trong những trường hợp đó.
Cái mác thủ khoa này đã gây co mình rất nhiều tiêu cực. Cái mác của một người người giỏi luôn luôn đè lên khiến chúng ta phải tìm được một công việc, một môi trường doanh nghiệp thật tốt, lương cao làm cái gì cũng phải thành công. Nhưng mà khi mà mình đi xin việc, cái danh hiệu này đã gây ra rất nhiều khó khăn. Thậm chí nhiều lúc trong CV, mình đã bỏ đi cái dòng chữ là thủ khoa và bỏ đi cái điểm số tốt nghiệp của mình. Bởi vì họ nghĩ rằng: một người giỏi lý thuyết thì trong công việc sẽ không được giỏi, sẽ không được như lúc đi học kiểu. Vậy nên, họ muốn tìm một bạn bình thường thôi. Ra trường bằng khá là một cái tấm chiếu mới và họ có thể đào tạo được thay vì là một người chuyên tâm quá nhiều vào học hành. Họ không thích một người như vậy.
Mặc dù biết “áp lực tạo kim cương”, song đôi khi áp lực lại trở thành gánh nặng mà những người trẻ không thể đảm đương. Khi người đứng đầu không thể gánh vác được áp lực, họ sẽ rất dễ bị nản chí. Từ đó, mặt trái của “hào quang” sẽ dẫn con người đến việc “ngủ quên trên chiến thắng”. Với tấm huy chương toán đã đạt được, Thành Đạt đã có lúc tự tin quá mức, sao nhãng việc học tập.
Sau khoảng một, hai tuần mà tớ thi xong ấy thì tớ khá là bỏ bê việc học tập kiểu tớ vẫn trong trạng thái ăn mừng chiến thắng. Trong khoảng thời gian ôn thi thì tớ thường phải bỏ một số môn ở trên trường. Đáng ra là sau khi thi xong thì tớ phải lấy lại gốc. Nhưng mà tớ lại quên.
Theo Hiệp hội tâm lý học Hoa Kỳ, hơn 3/4 người trưởng thành cho biết có các triệu chứng căng thẳng, bao gồm đau đầu, mệt mỏi hoặc khó ngủ. Đó đều là những biểu hiện của áp lực. Trước những khủng hoảng đó, nhiều người trẻ đôi khi không biết cách đối mặt, khiến đánh mất tương lai rộng mở. Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Thanh Tâm nhận định những hạn chế mà người trẻ phải đối mặt.
Áp lực có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân những người dẫn đầu và hiệu quả trong việc ra quyết định. Như thế thì rất dễ khiến mình bị kiệt sức rồi, không có thời gian chăm sóc bản thân, có thể dẫn đến việc các bạn thiếu ngủ này hoặc gặp gặp vấn đề về ăn uống, tâm trạng tiêu cực trong việc quản lý thì nếu không được lòng một ai đấy chẳng hạn thì các bạn ý cũng có thể bị cô lập nữa.
Có thể thấy, áp lực là một phần trong cuộc sống của bất kỳ ai. Nếu người trẻ không giữ cho mình tinh thần bình tĩnh sẽ dễ sa vào bẫy “khủng hoảng thành tích”. Đối diện với điều này, Thành Đạt, Thùy Linh và Đức Toàn luôn hy vọng bản thân và những người xung quanh giữ được tinh thần lạc quan, tích cực.
Đầu tiên, trước khi thi thì mình không nên đặt nặng vào quá nhiều. Không nên cố gắng tạo ra áp lực cho bản thân là phải đạt được thành tích này. Thứ hai là dù thi tốt hay không thì mình cũng nên bỏ nó ở quá khứ. Mình nên tiến tới những cuộc thi tiếp theo chứ không phải vì thành tích tốt mà mình lại bỏ bê học hành.
Em yêu thích, nhất là một câu nói bằng tiếng Anh, đó là “Always look on the bright side of life”, có nghĩa là luôn luôn nhìn mọi việc theo hướng tích cực của nó. Trước mọi vấn đề, em luôn luôn hy vọng là bản thân mình và mọi người xung quanh cũng sẽ luôn nhìn vào mặt tích cực, luôn luôn sáng suốt, tỉnh táo để có thể đưa ra cách giải quyết thông minh nhất.
Để đạt được những kỳ vọng của các bạn - những cái người dẫn đầu. Hãy cố gắng bước lên phía trước và đừng sợ hãi khi các bạn thất bại. Và cũng đừng buồn, cũng đừng sợ người ta chỉ trích. Bởi vì không có ai cũng mãi mãi đạt được thành công và cũng không có ai thất bại mãi mãi. Thế nên là cố gắng lên rồi các bạn sẽ nhận được những cái mà các bạn mong muốn.
Bên cạnh đó, Thạc sĩ, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thanh Tâm nhấn mạnh: Việc rèn luyện cho bản thân sức khỏe tốt, tinh thần thoải mái, tích cực gắn kết các mối quan hệ cũng là cách để người trẻ giảm căng thẳng tinh thần, tránh những quyết định sai lầm khi rơi vào áp lực nhanh chóng thành công.
Hãy ưu tiên chăm sóc bản thân. Việc tập thể dục giải trí, nói chuyện với bạn bè và gia đình, tập hít thở sâu, ngủ đủ duy trì chế độ ăn uống hợp lý là việc cần thực hiện và ưu tiên để có một tinh thần khỏe mạnh. Duy trì các nguồn lực, mối quan hệ đáng tin cậy và hỗ trợ, những người bạn tốt, an toàn luôn sẵn sàng giúp đỡ mình là điều bất cứ ai cũng cần để vượt qua các khó khăn. Và cuối cùng là các bạn hãy chúc mừng và ghi nhận những chiến thắng nhỏ cũng như là những chiến thắng lớn hơn của mình. Hãy công nhận và biết ơn những thứ thành công nhỏ nhất, nó sẽ tạo ra sự khác biệt.
Có thể nói, áp lực là điều không thể tránh khỏi ở bất cứ vị trí nào trong xã hội. Áp lực có thể tạo ra cơ hội và động lực để phát triển, nhưng đôi khi nó cũng có thể gây căng thẳng và ảnh hưởng đến tâm lý. Chính vì vậy, việc mỗi người trẻ cần làm là biết cách đối mặt và giải quyết những nó, để biến áp lực trở thành động lực. Và hy vọng rằng là tất cả các bạn thính giả đang nghe số Podcast này sẽ luôn mạnh khỏe, lạc quan và đứng vững trước mọi hoàn cảnh, bởi lẽ: Hành trình vạn dặm bắt đầu bằng một bước chân và sẽ luôn có một đích đến tốt lành chờ các bạn khám phá.
Phương Mai