Momo và Chen ở Thâm Quyến, Quảng Đông (Trung Quốc) là mối tình đầu của nhau. Tuy nhiên, sau 2 năm ở bên nhau, họ giống như người quen hơn là đôi lứa yêu nhau. Hai người sống ở 2 nơi khác nhau, chỉ hẹn hò 1 hoặc 2 lần mỗi tuần. Trong các buổi hẹn, họ chia đôi tiền hoá đơn.
Tin nhắn giữa 2 người chỉ đơn thuần là chuyện thông thường, không có những câu nói mùi mẫn, lãng mạn. Họ hiếm khi nồng nhiệt với mối quan hệ của mình và cũng hiếm khi tranh cãi. Momo cho biết, cô thích ở bên Chen nhưng coi trọng sự độc lập và tự do của bản thân mình.
Ở Trung Quốc, mối quan hệ như vậy được gọi là "tình yêu độc thân". Những người trong mối quan hệ kiểu này cho rằng, thay vì hy sinh mọi thứ cho người yêu, họ nên đặt cảm xúc bản thân lên hàng đầu.
Với Momo, những người tin vào câu nói "cho đến chết chúng ta cũng không chia tay" là những kẻ khờ khạo.
Một xu hướng khác trong giới trẻ xứ Trung là không hẹn hò, không nỗ lực để duy trì mối quan hệ, ngay cả khi có tình cảm với ai đó. Họ có khao khát về tình yêu lãng mạn, nhưng nhất quyết chọn cách sống độc thân.
Dù có nảy sinh tình cảm với bất kỳ ai, họ cũng không nỗ lực sánh đôi hay duy trì quan hệ tình cảm, theo SCMP.
Trong tưởng tượng, họ có thể hình dung vô số khoảnh khắc yêu đương, các kịch bản lãng mạn. Nhưng mọi thứ chỉ dừng lại trong đầu, họ không làm gì để biến chúng thành hiện thực.
"Còn gì vui hơn việc chơi với điện thoại của tôi?", một người trẻ cho biết.
Trang web về tâm lý học Jiandanxinli giải thích rằng, do căng thẳng trong công việc, một số người trẻ đã cạn kiệt ham muốn về các mối quan hệ. Họ lo sợ một mối quan hệ thất bại sẽ gây tổn hại đến sức khỏe tinh thần. Do đó, họ thích ở trong vùng an toàn của mình.
Xã hội ngày càng phát triển, quan điểm của giới trẻ về công việc, chuyện hẹn hò và các mối quan hệ cũng dần thay đổi. Nhiều người trẻ cho rằng, sự độc lập về tinh thần và tài chính quan trọng hơn, thiết thực hơn việc lãng phí thời gian vào yêu đương theo kiểu truyền thống.