Các thương gia trên Amazon tận dụng nhu cầu chi tiêu gia tăng của khách hàng nước ngoài trong đại dịch. (Ảnh: Nikkei) |
Tập trung vào Việt Nam là một phần trong chiến lược tiếp cận các nhà cung ứng châu Á của Amazon. Theo Nikkei, chiến lược bắt đầu cho quả ngọt. Amazon cho biết số lượng nhà cung ứng tại Việt Nam đạt doanh số xuất khẩu trên 1 triệu USD đã tăng gấp ba lần trong năm 2020. Nguyên nhân là khách hàng nước ngoài tăng cường mua sắm cho gia đình và làm mới tủ quần áo trong dịch Covid-19. Các mặt hàng có nhu cầu cao là công cụ, đồ làm bếp, đồ thủ công, đồ dùng gia đình và may mặc.
Gijae Seong, Giám đốc Amazon Global Selling tại Việt Nam, nhận xét các thương gia Việt Nam đã làm phong phú danh mục hàng hóa toàn cầu cho hãng.
Thương mại điện tử giúp nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể vận chuyển những hàng hóa như đèn, ghế… trực tiếp đến khách hàng nước ngoài, một xu hướng mà Amazon đang thúc đẩy. Amazon Global Selling mở một văn phòng tại Hà Nội để đào tạo các nhà cung ứng, bên cạnh chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ông Seong, các công ty có lợi thế cạnh tranh khi sản xuất tại Việt Nam. Khách hàng Mỹ trong thời gian phong tỏa đã đặt nhiều hàng hóa sản xuất tại Việt Nam để phục vụ nhu cầu làm việc, giải trí từ xa.
Amazon Global Selling đưa nhiều thương gia nước ngoài lên sàn Amazon, tương tự những gì Alibaba làm trước đó. Theo doanh nhân Hieu Dinh, đây là điều dễ hiểu vì nếu đưa được nhiều nhà cung ứng lên nền tảng, mức giá sẽ giảm và thu hút được nhiều khách hàng hơn. Nó tạo ra một “vòng tăng trưởng thuận”, khi nhiều người mua thu hút nhiều người bán và ngược lại.
Theo Amazon, Covid-19 giúp doanh nghiệp Việt cởi mở hơn với kinh doanh qua Internet. Nghiên cứu của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam chỉ ra 22% doanh nghiệp sử dụng các sàn thương mại điện tử trong năm 2020, tăng từ 13% năm 2015.
Amazon và Alibaba đều tổ chức các khóa đào tạo cho hàng trăm công ty trên cả nước, hướng dẫn họ từ cách niêm yết hàng hóa đến đăng ký nhãn hiệu, vận chuyển qua trung tâm fulfillment. Tại Việt Nam, Alibaba cạnh tranh với Shopee và Tiki thông qua công ty con Lazada.
Du Lam (Theo Nikkei)
Việt Nam là cỗ máy doanh thu lớn nhất Đông Nam Á của Facebook
Facebook tìm cách tiếp cận tăng trưởng mới tại khu vực nông thôn Việt Nam khi mảng kinh doanh quảng cáo trở nên khó khăn hơn trước.