Ô tô điện sẽ không đắt hơn xe động cơ đốt trong sau năm 2026
Hội thảo “Phát triển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh” do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam vừa được tổ chức sáng nay 20/10 ở Hà Nội.
Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước đã đưa ra những nghiên cứu, phương hướng liên quan đến việc từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, mô tô, xe gắn máy dùng nhiên liệu hóa thạch giai đoạn từ nay đến 2050 theo Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Một trong những vấn đề được quan tâm nhất là các giải pháp liên quan đến chính sách, hạ tầng, thị trường,… của xe điện. Trong đó, nổi cộm là làm thế nào để người dân và doanh nghiệp sẵn sàng chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng động cơ đốt trong sang xe điện và năng lượng sạch trong khoảng 20 năm tới.
Các kết quả nghiên cứu được đưa ra tại hội thảo cho thấy, ngành GTVT thế giới nói chung đang tiêu thụ trên 55% lượng nhiên liệu dầu mỏ và phát thải ra khoảng 25% tổng lượng CO2 toàn cầu. Trong đó, tỷ lệ này từ các phương tiện giao thông đường bộ chiếm tới 17%. Do vậy, việc chuyển dịch sang xe điện là tất yếu nhằm giảm lượng khí thải có hại ra môi trường.
Thực tế, thị trường xe điện thế giới trong nhiều năm qua đã có những bước nhảy vọt. Thống kê trong năm 2021, số lượng xe ô tô điện đang là 17 triệu xe, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2019.
Còn theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến tháng 8/2022, cả nước có khoảng 3.000 ô tô điện được sản xuất lắp ráp, nhập khẩu, tăng gấp hơn 20 lần so với lượng ô tô điện của năm 2019. Hiện nay, Việt Nam cũng đã có gần 1,8 triệu mô tô - xe máy điện đang hoạt động.
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) Nguyễn Thị Phương Hiền cho rằng, Việt Nam có những thuận lợi nhất định khi chuyển đổi sang xe điện. Về công nghệ về chế tạo xe điện, chúng ta đã khá sẵn sàng. Do đó, việc chuyển đổi sang sản xuất xe điện có thể đáp ứng được, nhất là các dòng xe con, xe buýt và xe tải nhỏ.
“Với sự tiến bộ của KHCN, giá xe điện sẽ ngày càng rẻ. Theo chúng tôi thì vào giai đoạn khoảng 2026-2030, giá ô tô điện sẽ ngang bằng với xe sử dụng nhiên liệu hoá thạch. Ngoài ra, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đang có doanh nghiệp sản xuất xe điện, đó chính là thuận lợi lớn để chúng ta thực hiện được đúng theo đúng lộ trình đặt ra”, bà Hiền nhận định.
Xe điện đang được Chính phủ khuyến khích sử dụng
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, bà Trần Thị Bích Ngọc - Trưởng phòng Chính sách thuế xuất nhập khẩu (Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính) cho biết, ô tô "xanh" có rất nhiều loại và mỗi loại sẽ có những chính sách ưu đãi riêng. Gần đây, Nghị định 57/2020/NĐ-CP được ban hành để hỗ trợ phát triển ngành ô tô, bao gồm cả xe điện.
Trong đó quy định, các doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình ưu đãi thuế đáp ứng điều kiện có dây chuyền sản xuất lắp ráp xe điện và đáp ứng một sản lượng nhất định (thấp hơn so với xe xăng) sẽ được nhập khẩu linh kiện với mức thuế 0% (áp dụng với linh kiện trong nước chưa sản xuất được).
"Cơ bản trong bộ linh kiện của xe điện nhập khẩu về đều được áp mức thuế 0%, trong khi, nếu ô tô xăng nhập khẩu nguyên chiếc, mức thuế áp dụng thông thường là 70%. Như vậy, sản xuất, lắp ráp xe điện trong nước đang được khuyến khích rất nhiều", bà Ngọc phân tích.
Còn đối với xe xăng kết hợp năng lượng điện hoặc năng lượng sinh học và trong đó tỷ trọng xăng sử dụng trong tổng năng lượng tiêu thụ chiếm không quá 70% sẽ được áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) bằng 70% mức thuế áp dụng cho xe chạy xăng, dầu.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, từ 1/3/2022 – 28/2/2027, thuế suất thuế TTĐB đối với xe chạy pin, tuỳ theo chỗ ngồi sẽ là 1 - 2 - 3% và từ năm 2027 trở đi sẽ là 4 - 7 - 11%, tương ứng với số chỗ ngồi khác nhau. Trong khi đó, xe xăng đang được áp 15-150%, cao hơn rất nhiều. Ngoài ra, ô tô chạy pin cũng đang được giảm 100% lệ phí trước bạ trong vòng 3 năm đầu và giảm 50% trong 2 năm tiếp theo.
"Với những chính sách trên, tôi tin rằng sẽ góp phần lớn khuyến khích người dân chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện vì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều về chính sách thuế, phí", bà Trần Thị Bích Ngọc đưa ra nhận định.
Ông Đào Công Quyết - Đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) đưa ra con số dự báo đến năm 2030, các xe điện hoá (bao gồm xe thuần điện, xe hybrid, xe chạy pin nhiên liệu) sẽ chiếm tới khoảng 59% lượng xe bán ra trên toàn thế giới, xe sử dụng năng lượng hoá thạch chỉ còn 41%. Trong đó, xe thuần điện (BEV) và xe hybrid sạc ngoài (PHEV) sẽ chiếm tới 30,4%.
Theo đại diện VAMA, để đón đầu và thực hiện tốt các lộ trình đã đặt ra, Chính phủ cần sớm ban hành những chính sách tác động đến phát triển ngành công nghiệp ô tô gồm: Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô & phụ trợ; hạ tầng cho xe điện; chính sách thuế, phí; chính sách bảo vệ môi trường gồm tái chế sản phẩm thải bỏ, thuế môi trường đặc biệt từ thời điểm dừng bán xe phát thải CO2; thử nghiệm và chứng nhận xe điện; các tiêu chuẩn, quy chuẩn xe điện và trạm sạc.
Hoàng Hiệp
Bạn có góc nhìn nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn