
Quy mô thị trường ô tô Việt Nam dự kiến sẽ đạt khoảng 1,5 triệu xe vào năm 2030
Trong Báo cáo Điểm lại và cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam mới nhất do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố với chủ đề “Hành trình bứt phá chuyển đổi sang xe điện tại Việt Nam”, các chuyên gia tiếp tục nhấn mạnh rằng thúc đẩy chuyển đổi sang xe điện là bước quan trọng để xây dựng một ngành giao thông xanh hơn, đồng thời góp phần giảm ô nhiễm không khí tại các đô thị.
Theo báo cáo, nhằm đáp ứng các yêu cầu cấp bách về phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu về điện khí hóa giao thông, bao gồm phát triển phương tiện xe điện, hạ tầng sạc và sản xuất phương tiện, hướng đến năm 2050.

Cụ thể, Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 đã đặt ra các mục tiêu chuyển đổi sang xe điện trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Theo đó, đến năm 2030, 50% phương tiện giao thông đô thị và 100% xe buýt, taxi nội đô sẽ sử dụng xe điện. Đến năm 2050, toàn bộ phương tiện giao thông đường bộ sẽ chuyển sang sử dụng xe điện hoặc các loại xe chạy bằng năng lượng xanh. Bên cạnh đó, quyết định này cũng đề ra mục tiêu phát triển mạng lưới hạ tầng sạc, sản xuất và lắp ráp xe điện.
Theo bà Chiara Rogate, chuyên gia năng lượng cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB), để đạt được mục tiêu này, doanh số ô tô tại Việt Nam cần tăng mạnh, từ khoảng 500.000 xe mỗi năm hiện nay lên 1,5 triệu xe vào năm 2030, 2 triệu xe vào năm 2035 và đạt 7,3 triệu xe vào năm 2050.
Dựa trên quy mô tăng trưởng này, bà Chiara Rogate dự báo nhu cầu sử dụng xe điện (bao gồm cả ô tô và xe máy) tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 7 triệu chiếc trong giai đoạn 2024-2030 và tăng gấp 10 lần, lên 71 triệu chiếc trong giai đoạn 2031-2050.

Dự báo đến năm 2035, lượng ô tô bán ra tại Việt Nam sẽ tương đương với xe máy
Theo thống kê, trong năm 2022, Việt Nam có 72,16 triệu xe hai bánh gắn động cơ được đăng ký, chiếm 94% tổng số phương tiện, tương đương 518 xe hai bánh trên 1.000 dân. Tỷ lệ này vượt xa so với ô tô, khi số lượng xe hơi chỉ đạt 22 xe trên 1.000 dân.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), trong giai đoạn 2024-2035, xu hướng tiêu dùng sẽ thay đổi khi người dân mua nhiều ô tô hơn và ít xe máy hơn. Dự báo, đến năm 2035, doanh số xe hai bánh và bốn bánh sẽ cân bằng ở mức khoảng 2 triệu chiếc mỗi loại. Sau mốc này, số lượng ô tô tại Việt Nam dự kiến tăng mạnh lên 54 triệu chiếc, đạt tỷ lệ 312 xe ô tô trên 1.000 dân vào năm 2050, một bước nhảy vọt so với 22 xe trên 1.000 dân của năm 2022.

Các chuyên gia WB đưa ra dự báo này dựa trên mức GDP bình quân đầu người của Việt Nam ngày càng tăng. Từ hơn 1.300 USD vào năm 2010, con số này đã vượt 4.100 USD vào năm 2022 và hiện được dự báo xấp xỉ 5.000 USD. Với mức thu nhập ngày càng cao, Việt Nam đã bước vào nhóm thu nhập trung bình khá, giúp người dân có khả năng chuyển từ xe máy sang ô tô.
Dự báo đến năm 2035, ô tô điện (EV) sẽ chiếm khoảng 25-30% tổng lượng xe bán ra. Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể thay đổi đáng kể tùy thuộc vào các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và sự tham gia của các hãng xe vào thị trường. Trong khi đó, tỷ lệ điện khí hóa đối với xe máy được dự báo sẽ cao hơn, đạt 56% vào năm 2035.
Bạn có góc nhìn nào về bài viết trên? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận. Mời bạn đọc chia sẻ video, thông tin tới Báo VietNamNet theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
