Lần đầu nông sản xuất khẩu sang châu Âu qua sàn TMĐT của Việt Nam
Theo thông tin mới được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương chia sẻ, cơ quan này vừa phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT, Bộ TT&TT để hỗ trợ Tổng Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) tổ chức xuất khẩu lô hàng 3 tấn vải thiều Bắc Giang đầu tiên sang Đức bằng phương thức thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới, thông qua sàn Vỏ Sò.
Qua gian hàng quốc tế Vỏ Sò Global trên sàn thương mại điện tử này, người tiêu dùng tại châu Âu đã có thể đặt mua vải thiều Bắc Giang (Ảnh minh họa) |
Giai đoạn trước, việc xuất khẩu các lô hàng trái cây, nông sản sang các nước châu Á và châu Âu cũng đã được nhiều cơ quan, đơn vị tại Việt Nam thực hiện. Đơn cử như, ngay mùa vải năm nay, 2 doanh nghiệp bưu chính Viettel Post, Vietnam Post đã hỗ trợ vận chuyển và làm thủ tục hải quan cho các đối tác xuất khẩu vài chục tấn vải thiều Bắc Giang sang Nhật, Đức... Một số lô hàng trái cây, nông sản của Việt Nam cũng đã được xuất khẩu qua các nền tảng TMĐT quốc tế như Amazon, Alibaba…
Tuy nhiên, với lô hàng 3 tấn vải thiều vừa được xuất khẩu sang Đức, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số nhấn mạnh: Đây là lần đầu tiên nông sản Việt xuất khẩu sang châu Âu qua mô hình TMĐT xuyên biên giới trên nền tảng số của chính Việt Nam.
“Chúng tôi đánh giá rằng đây là một bước tiến đáng ghi nhận với ngành TMĐT nước ta trong việc đưa các sản phẩm nông sản tươi chất lượng cao sang thị trường nước ngoài có nhiều tiêu chuẩn khắt khe như châu Âu. Sự kiện này có thể là tiền đề cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, doanh nghiệp TMĐT nghiên cứu và từng bước ứng dụng một cách phù hợp để tạo thêm một kênh xuất khẩu mới ra thị trường các nước”, ông Đặng Hoàng Hải nhận định.
Người Việt tại Đức ngồi nhà đặt trực tuyến vải tươi qua Vỏ Sò
Theo đại diện Viettel Post, để có thể vận hành luồng hàng TMĐT xuyên biên giới, từ tháng 3, sàn Vỏ Sò đã bắt tay vào việc xây dựng gian hàng quốc tế Vỏ Sò Global. Gian hàng này là nơi người tiêu dùng tại nước ngoài, đặc biệt là kiều bào Việt Nam có thể tìm mua các sản phẩm chất lượng có xuất xứ Việt Nam.
Vải thiều của Bắc Giang là nông sản Việt đầu tiên được đưa lên gian hàng quốc tế Vỏ Sò Global, tạo điều kiện cho người Việt đang sống ở châu Âu có thể thưởng thức đặc sản vải thiều quê nhà đạt chuẩn xuất khẩu một cách thuận tiện hơn.
Sau khi người tiêu dùng đặt hàng qua Vỏ Sò Global, vải thiều Bắc Giang được thu hoạch và vận chuyển đến cảng hàng không Nội Bài trước khi thực hiện thủ tục xuất khẩu sang Đức. |
Sau khi người tiêu dùng đặt hàng trên Vỏ Sò Global, đội ngũ Viettel Post thực hiện gom đơn, tiếp đó vải thiều được tổ chức doanh nghiệp này cùng bà con nông dân Bắc Giang thu hoạch và vận chuyển bằng đường hàng không sang Đức. Các đối tác của Viettel Post tại Đức sẽ đảm trách việc vận chuyển, giao các đơn vải thiều đến tận nhà người tiêu dùng ở châu Âu.
Lô 3 tấn vải thiều Bắc Giang được sàn Vỏ Sò chuyển tới cảng hàng không Nội Bài ngày 19/6 để kịp xuất khẩu, đến tay người tiêu dùng tại Đức. |
Trao đổi với ICTnews sáng nay, đại diện Viettel Post cho biết, ngày 22/6, 3 tấn vải thiều Bắc Giang đã được phát đến bà con kiều bào Việt Nam sống tại châu Âu.
Hình thức mua hàng qua các sàn TMĐT đã rất phổ biến tại nhiều nước. Dẫu vậy, nhiều người Việt tại các nước châu Âu đã khá hào hứng khi được đặt mua đặc sản quê nhà qua sàn TMĐT của Việt Nam.
Theo chia sẻ của chị Lan Anh hiện đang sống tại Berlin, Đức, trước đây, để mua vải tươi, chị thường tìm tới các siêu thị bán hàng hóa châu Á. Những trái vải được bán ở siêu thị thường bị khô, không đúng hương vị vải thiều tươi mà chị từng được thưởng thức khi ở trong nước.
“Hiện giờ tôi đã có thể đặt hàng trên sàn TMĐT của Việt Nam và nhận được hộp vải tươi tại nhà chỉ sau 4 - 5 ngày với giá tương đối hợp lý, không còn phải mất công tìm đến các siêu thị châu Á”, chị Lan Anh chia sẻ.
Quả vải Việt Nam đến tay người tiêu dùng Đức là loại vải đạt chuẩn GlobalGAP, đã được sơ chế loại bỏ quả sâu hỏng, đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật và kiểm định chất lượng tại Việt Nam và châu Âu, được truy xuất nguồn gốc tới tận vườn trồng qua ứng dụng được cung cấp bởi iCheck.
Để thông luồng xuất khẩu TMĐT xuyên biên giới, Cục TMĐT và Kinh tế số đã chủ trì, phối hợp cùng sàn Vỏ Sò và một số đơn vị liên quan để hoàn tất các thủ tục xuất nhập khẩu, thủ tục kiểm dịch và kiểm định chất lượng hàng hóa.
Ngoài việc tổ chức đối tác phát tận nhà cho người tiêu dùng đã đặt mua qua Vỏ Sò Global, vải thiều Bắc Giang hiện còn có tại một số siêu thị châu Á như siêu thị Á Châu ở Hamburg, Đức. |
Bên cạnh đó, việc vải thiều còn loại đặc sản có tính chất mùa vụ, thời gian thu hoạch và tiêu dùng rất ngắn, khó vận chuyển và bảo quản cũng là bài toán khó cho chuỗi logistics quốc tế của doanh nghiệp.
Bởi lẽ, chỉ cần chậm trễ trong một khâu là sẽ ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Doanh nghiệp bưu chính Việt đã giải quyết vấn đề này bằng việc tận dụng hệ thống logistics thông minh của đơn vị mình để đưa ra phương án tối ưu về thủ tục, thời gian di chuyển và chi phí.
Tổng giám đốc Viettel Post Trần Trung Hưng cho hay, việc tham gia TMĐT xuyên biên giới đã được Vỏ Sò lên kế hoạch từ lâu và hiện tại chính là thời điểm ra mắt thuận lợi. “Ra đời từ năm 2019 với sứ mệnh trở thành sàn đặc sản hàng đầu Việt Nam, thời gian tới sàn Vỏ Sò sẽ tiếp tục đưa thêm nhiều nông sản Việt chất lượng cao lên. Không chỉ giới hạn phục vụ người tiêu dùng trong nước, mà sẽ góp phần để người Việt ở nước ngoài cũng được thưởng thức các đặc sản quê nhà”, ông Trần Trung Hưng chia sẻ.
Đại diện Viettel Post cũng cho biết thêm ,dự kiến thời gian tới sàn Vỏ Sò sẽ tiếp tục xuất khẩu nhiều mặt hàng khác ra thị trường quốc tế, với mục tiêu không chỉ là nông sản địa phương mà còn là các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh như thủ công mỹ nghệ, nông thủy sản khác.
Vân Anh
Nhà mạng tiếp tục nhắn tin kêu gọi người dân cả nước mua trực tuyến vải Bắc Giang
Hôm nay (22/6), các doanh nghiệp viễn thông di động đã tiếp tục nhắn tin đến các thuê bao trên cả nước để vận động, kêu gọi mọi người mua đặc sản vải thiều Bắc Giang trực tuyến, chung tay cùng Bắc Giang vượt qua đại dịch Covid-19.