Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, hơn 4 năm trước, bệnh viện tiếp nhận tạng hiến từ một người đàn ông ở Đồng Nai. 

“Anh ấy bị tai nạn và không qua khỏi. Gia đình đã tình nguyện hiến tạng, cứu sống được nhiều bệnh nhân suy tạng khác. Đó là sự hy sinh chúng tôi luôn ghi nhớ”. 

Thế nhưng, vợ của người hiến, cũng là người nén đau thương, đặt bút ký đồng ý hiến tạng cứu người, lại đối mặt với khoảng thời gian khủng hoảng sau đó. Chị rơi vào trầm cảm kéo dài, vì nỗi đau mất chồng và chịu đựng những chỉ trỏ, nghi ngờ của người thân. Họ cho rằng chị đã bán tạng của chồng. 

Một ca ghép tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Trong năm đó, anh Hiển cùng các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã xuống gia đình chị tại Đồng Nai, không chỉ một lần mà khá nhiều lần. Cùng với kỷ niệm chương của Bộ Y tế, bệnh viện khẳng định rằng, chị và chồng đã cứu người bằng nghĩa cử hiến tạng và lòng nhân đạo. "Chúng tôi đã cố gắng để giúp người vợ được minh oan".

Thạc sĩ Hiển cho hay, anh và đồng nghiệp đối mặt thường xuyên với những câu hỏi từ phía gia đình người hiến tạng chết não, rằng: “Làm sao chúng tôi biết gan/thận/tim của người thân không bị bệnh viện bán?”. Do đó, trách nhiệm của các bác sĩ trong hệ thống điều phối là phải minh bạch, công khai.

Từ thực tế trên, Bệnh viện Chợ Rẫy đã phối hợp cùng Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM thực hiện đề án mạng lưới điều phối liên viện về hiến và ghép thận nhân đạo. Trong đó, phần mềm tiếp nhận, quản lý, tuyển chọn, điều phối tạng hiến chính thức được công bố vào sáng nay, 23/6. 

Đây là công trình được ấp ủ ý tưởng hơn 10 năm trước, tham khảo nhiều quốc gia như Mỹ, Newzealand, Úc… và xây dựng hệ thống riêng phù hợp với tình hình của Việt Nam.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị Điều phối hiến mô tạng, các bộ phận cơ thể người, mục tiêu chính của phần mềm là minh bạch hoàn toàn việc tiếp nhận, tuyển chọn, điều phối ghép tạng... Nhờ đó, hoạt động ghép tạng chuyên nghiệp và khoa học hơn.

Dựa trên thang điểm về độ thuận hợp, tương thích (các xét nghiệm); thời gian chờ đợi ghép, độ tuổi, khoảng cách địa lý, tình trạng bệnh lý…. phần mềm sẽ chọn ra người nhận tạng phù hợp nhất với người hiến. “Máy móc sẽ đảm bảo khách quan, chúng tôi không thể tác động để ưu tiên hay gian dối trong việc điều phối, lựa chọn”, TS Thu khẳng định.

Theo đó, người bệnh ở các nơi có thể biết, tìm hiểu, tiếp cận để đăng ký vào danh sách chờ ghép trên website http://dieuphoigheptangtphochiminh.vn/. Song song đó, một trang web có tính chuyên môn hơn sẽ ghi nhận những người chờ ghép và người hiến đủ điều kiện, thông tin được mã hóa, đảm bảo tính bảo mật. Các thông số chuyên môn được hệ thống chi tiết, chấm điểm theo từng hạng mục...

Người bệnh có thể tìm hiểu, đăng ký chờ ghép trên website.

Theo TS Dư Thị Ngọc Thu, đề án phần mềm thực hiện bởi 130 nhân sự của  Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Thống Nhất, tổng chi phí gần 1,4 tỷ đồng. Trong đó, chi phí riêng cho phần mềm khoảng 950 triệu đồng. 

“Chúng tôi hoàn toàn không nghĩ đến tiền công, chi phí khi thực hiện, ngay cả nếu làm không công cũng rất vui lòng. Bởi đây là tâm huyết và mong mỏi của những người làm ghép tạng, xây dựng hệ thống điều phối chuyên nghiệp, khoa học, minh bạch nhất!”.

BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết, trước nay, ghép tạng ở Bệnh viện Nhi đồng 2 đều là từ người cho sống cùng huyết thống, vấn đề thứ tự ưu tiên chưa phát sinh. 

Tuy nhiên, trẻ bị teo đường mật bẩm sinh, trẻ suy thận chờ ghép rất nhiều nên nguồn hiến từ người cho chết não là hướng mở trong tương lai gần. Khi đó, việc áp dụng phần mềm để đảm bảo tính minh bạch là cần thiết.

Đại diện Bệnh viện Thống Nhất đồng thuận và chia sẻ, việc hiến và ghép tạng càng công khai, rõ ràng, tính lan tỏa sẽ càng cao hơn. Từ đó, mở rộng cơ hội sống cho bệnh nhân suy tạng với nguồn tạng từ người cho chết não.

Linh Giao

Trầm cảm, mẹ cùng con 3 tháng tuổi uống thuốc diệt cỏ tự tửSinh con 3 tháng, chị D. có nhiều dấu hiệu trầm cảm, thay đổi tính cách và không nói chuyện với mọi người. Trong lúc gia đình không chú ý, chị đã cùng con nhỏ 3 tháng tuổi uống thuốc diệt cỏ, diệt nấm.
Trầm cảm, tự tử gia tăng sau dịch, gọi ai để được hỗ trợ?Trong năm đầu tiên của đại dịch Covid-19, tỷ lệ người dân mắc chứng lo âu và trầm cảm trên toàn cầu đã tăng lên 25%. Tại TP.HCM, chăm sóc sức khỏe tâm thần đang rất được quan tâm sau đại dịch.