Mới đây, một cô vợ đang có bầu đã phải viết một bức thư trong lúc hoảng loạn, gửi tới chuyên gia tâm lý Samantha Rodman của Huffington Post và phàn nàn về tình trạng chồng cô quá ham mê game, mà bỏ bê cuộc sống thực. Có thể thấy rằng, không chỉ riêng tại Việt Nam, mà tình trạng những anh chàng đã có gia đình nhưng không thể bỏ được game đang là vấn nạn không của riêng ai, không của riêng quốc gia nào:

 

"Tôi đang có bầu và đang rất lo lắng về tình trạng nghiện game của ông chồng mình. Tôi thực sự không tin vào việc có con rồi những ông chồng sẽ thay đổi đâu. Giờ đây anh ấy chơi game quá độ, toàn thức khuya mặc dù phải đi làm vào sáng sớm.

Năm đầu chúng tôi chuyển về ở với nhau, anh ấy không chơi game khi có vợ ở cạnh vì anh sợ vợ mình sẽ đánh giá không tốt. Hồi đó thật tuyệt. Nhưng rồi chồng tôi bắt đầu chơi game trở lại. Bất kỳ khi nào không phải làm việc hoặc đi ngủ, anh lại dán mắt vào màn hình máy tính. Thậm chí anh còn không nghĩ rằng mình chơi game nhiều nữa cơ. Tôi cũng định viết để anh ấy hiểu rằng anh chơi game nhiều cỡ nào, nhưng toàn quên khuấy mất.

Giờ đây anh ấy là nguồn thu nhập chính của cả gia đình, vì tôi chỉ làm việc bán thời gian. Chính vì thế nên khi về nhà chồng tôi chỉ chơi game chứ chẳng thèm làm việc nhà như quét dọn rửa bát. Mặc dù mỗi tuần tôi phải làm việc 40 tiếng, di chuyển 5 tiếng đồng hồ để đến chỗ làm, tôi vẫn phải nấu ăn và dọn dẹp nhà cửa. Giờ đây có vẻ như chồng đã hối lỗi, nhưng chỉ sau 5 10 phút giúp tôi việc nhà, anh ấy lại cắm đầu vào máy tính chơi game cả tiếng đồng hồ.

 

Tôi thấy việc anh ấy chơi game cứ như nghiện thuốc lá vậy, cứ một lúc lại phải ngồi chơi kẻo... không chịu nổi?!

Đối với anh, phàn nàn về chơi game là không thể chấp nhận, và không có chuyện anh ấy giảm thời gian chơi game. Cứ đề cập là anh lại dỗi: "Đã thế thì anh không chơi nữa". Bình thường anh thức đến 3h sáng chơi game dù rằng 7h sáng phải đi làm.

Anh ấy thức rất khuya nên sáng đi làm luôn mệt mỏi. Anh ấy đang nuôi sống cả gia đình, dù không làm việc nhà nhưng nếu không có anh thì chẳng ai trả hóa đơn điện nước và nhu yếu phẩm cả. Năm ngoái anh làm một công việc yêu cầu phải hoạt động 60 tiếng 1 tuần. Tiền kiếm cũng khá, nhưng chồng tôi trông thật thê thảm. Hồi đó tôi không dám phàn nàn vì anh chơi game vào ban đêm. Anh vẫn đến hôn lên má tôi, chúc ngủ ngon và chạy ra thẳng máy tính ngồi cho đến khi buồn ngủ. Tôi thì phải nấu bữa tối và đem đến tận bàn cho anh.

Trong mắt tôi, anh vẫn là một người đàn ông tốt, tôi có thể viết cả ngày về anh, nhưng game không phải một trong số đó. Sau khi có con không biết chuyện này sẽ tệ đến mức nào nữa."

 

Những người bình thường họ sẽ chỉ chơi game trong một khoảng thời gian nhất định là sẽ thôi hoặc sẽ nhanh chán. Thế nhưng, những người nghiện game luôn có thể chơi hàng giờ liên tục không nghỉ bên cạnh máy tính hay smartphone của mình. Người nghiện game sẽ không có khái niệm hay định hình được thời gian hay không gian khi chơi game.

Trong tâm trí người nghiện game luôn xuất hiện những hình ảnh của trò chơi nhảy múa trong đầu kể cả khi đang ngủ hay đang thức để rồi lại ảo tưởng về sức mạnh của mình . Nếu bạn biết một người nào đó mà ngày nào cũng phải vào game ít nhất 4, 5 lần và luôn miệng nhắc tới game mình đang chơi thì đấy thực sự là một game thủ nghiện game chính hiệu rồi đó. Điều này thật sự không đến mức là những biểu hiện của người nghiện game tiêu cực hay quá lố mà chỉ do họ có sự đam mê quá mạnh mẽ về những game mình chơi mà thôi.

Nguy hiểm hơn cả, họ không có khả năng kiểm soát được thời gian chơi game nên nhiều dự định chỉ là chơi game trong 15 - 20 phút hay chỉ vào xem một chút thôi rồi đi ra, nhưng họ không thể ngừng lại như dự kiến mà chơi game liên tục trong nhiều giờ. Nhiều game thủ đã chơi thâu đêm khiến cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi do đó bỏ bê những công việc quan trọng hay bỏ dở việc học hành của mình. Họ bỏ mặc các mối quan hệ bạn bè và gia đình, những người rất thân thiết với họ trước đây. Các trường hợp nghiện game nặng, đôi khi những game thủ bỏ qua cả việc vệ sinh cá nhân và không chịu tắm rửa đến cả tuần.

 

Theo Trí Thức Trẻ