Chiều 10/8, trong nội dung chương trình Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng đã lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội các vấn đề liên quan đến lĩnh vực ngành quản lý. Trong hơn 2 tiếng, đã có 19 đại biểu phát biểu và 7 lượt đại biểu tranh luận tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTTDL. Một trong những nhóm vấn đề được các đại biểu dành sự quan tâm, đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTTDL là công tác quản lý, bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử quốc gia, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay hiện cả nước có trên 40.000 di tích, những di tích này đang được kiểm đếm, rà soát để có phương án bảo tồn, phát triển. Gần 3.600 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và 123 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di sản văn hóa, thiên nhiên được UNESCO ghi danh và nhiều di sản được cấp tỉnh quản lý, xếp loại.
Thừa nhận tình trạng di tích xuống cấp ở nhiều nơi, Bộ trưởng nói nguyên nhân do nguồn lực ở địa phương không nhiều, đầu tư cho di tích còn khó khăn. Nhiệm kỳ trước đây, Quốc hội có chương trình mục tiêu về phát triển văn hóa, trong đó nguồn kinh phí khoảng 245 tỷ đồng phục vụ bảo tồn, trùng tu di tích. Bộ VHTTDL đã điều tiết số tiền này cho khoảng 400 di tích. Tuy nhiên, nguồn ngân sách cũng chưa đủ sức để khắc phục tình trạng này.
Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai nêu vấn đề, di sản văn hóa Việt Nam, các di tích lịch sử quốc gia, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng nói riêng là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đóng góp vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Thực tế hiện nay tình trạng di tích bị biến dạng, trẻ hóa sau trùng tu, tôn tạo ngày càng trở nên phổ biến tại nhiều địa phương trong cả nước. Bên cạnh đó, nhiều di tích lịch sử văn hóa không được bảo vệ, quan tâm đúng mức nên bị xuống cấp nghiêm trọng. Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho biết giải pháp nhằm khắc phục trước mắt và định hướng lâu dài để giải quyết vấn đề này.
Trả lời đại biểu Dương Khắc Mai, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, vấn đề tôn tạo, phát huy các giá trị di tích, đầu tư cho di tích đã được phân cấp cho chính quyền địa phương sở tại làm chủ đầu tư. Các dự án này đều xuất phát từ địa phương và địa phương lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bộ chỉ thẩm định về tính xâm hại di tích. Bên cạnh đó tùy quy mô mà còn có sự tham gia của nhiều cơ quan thẩm định như lĩnh vực xây dựng, kiến trúc. Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì trách nhiệm chính thuộc về cấp lãnh đạo cấp quyết định đầu tư phải tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện.
Khi phát hiện sai phạm Bộ VHTTDL đã có chấn chỉnh như cử đoàn công tác của Cục Di sản kiểm tra thực địa. Qua kiểm tra, làm việc với chủ đầu tư phát hiện, uốn nắn, sửa chữa nếu như sai phạm nhỏ, nếu sai phạm lớn thì kiến nghị cấp có thẩm quyền để có xử lý và yêu cầu phải cam kết khắc phục trở lại đúng nguyên trạng. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, trách nhiệm chính là của cấp ra quyết định đầu tư tôn tạo, sửa chữa. Tuy nhiên Bộ cũng sẽ tăng cường hơn nữa trách nhiệm giám sát và cam kết nếu những địa phương làm sai sẽ xử lý theo quy định.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi nêu ý kiến hiện nay nhiều di tích đã bị xuống cấp cần được trùng tu, tôn tạo, mở rộng để tương xứng với ý nghĩa và giá trị. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng có giải pháp thu hút nguồn lực cho nhiệm vụ này cũng như các giải pháp nhằm phát huy giá trị của di tích. Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho biết nguồn lực đầu tư cho tu bổ, giữ gìn di sản văn hóa còn hạn chế. Những năm qua, ngân sách Nhà nước hàng năm đều cấp cho mục tiêu bảo tồn, chống xuống cấp di tích nhưng còn thấp so với nhu cầu thực tế.
Nhiều di tích quốc gia bị hư hỏng qua thời gian nhưng chưa được cấp kinh phí tu bổ. Việc triển khai lồng ghép các chương trình ở một số địa bàn tỉnh, thành phố còn thiếu tính đồng bộ, còn tâm lý trông chờ ỷ lại nguồn vốn đầu tư từ ngân sách. Sắp tới Bộ VHTTDL sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cùng với đó, Bộ VHTTDL tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của di sản văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước, tuân thủ và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật để bảo vệ nghiêm ngặt các yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Điểu Huỳnh Sang về cơ chế thu hút cho đầu tư vào tôn tạo di tích, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, có những di tích văn hóa được doanh nghiệp quan tâm và tự tìm đến đầu tư khi họ thấy được lợi ích. Tuy nhiên doanh nghiệp chưa mặn mà với những di tích như di tích lịch sử cách mạng. Vì vậy Bộ sẽ tiếp tục trao đổi để xem xét và sẽ sử dụng các nguồn lực khác thay vì nguồn lực nhà nước như nguồn lực từ vận động tài trợ để làm.
Về các giải pháp, Bộ trưởng cho biết, Bộ VHTTDL đã tham mưu Chính phủ ban hành Quyết định số 1230/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025. Bộ cũng tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, hỗ trợ nguồn lực của Trung ương và địa phương để chống xuống cấp các di tích. Các địa phương đề xuất phải trên 5.000 tỷ đồng để thực hiện công việc này nhưng nguồn lực của Trung ương là không đủ. Hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình cấp có thẩm quyền phân bổ 1.428 tỷ đồng để chống xuống cấp di tích. Khi nhận được nguồn lực này, Bộ sẽ chuyển cho các địa phương trùng tu, tôn tạo.
Văn Thường, Hồng Hạnh, Văn Công