Vừa qua, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã kích hoạt quy trình báo động đột quỵ để cấp cứu cho bệnh nhân P.H (46 tuổi, ngụ TP.HCM). Khai thác bệnh sử cho thấy anh H. đang được theo dõi điều trị rung nhĩ và uống thuốc kháng đông để dự phòng đột quỵ. Tuy nhiên, do công việc bận rộn, anh bỏ tái khám và ngưng uống thuốc khoảng 5 ngày.
Khi đang làm việc, anh H. đột ngột bị liệt tay trái, méo miệng. Người thân lập tức đưa anh đến cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.
Bệnh nhân được chẩn đoán đột quỵ thiếu máu não do tắc mạch máu lớn nội sọ do huyết khối. Bác sĩ chỉ định can thiệp lấy huyết khối cơ học tái thông mạch máu kịp thời. Theo các bác sĩ, việc chủ quan bỏ thuốc kháng đông khi đang điều trị dự phòng có thể là nguyên nhân dẫn đến biến chứng đột quỵ. Đây là một trong những biến chứng đáng sợ nhất của bệnh rung nhĩ.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Thế Dũng, Trưởng khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, rung nhĩ là dạng rối loạn nhịp tim phổ biến nhất ở người trưởng thành (chiếm khoảng 2%) và tăng dần theo thời gian. Bệnh rung nhĩ có thể chiếm hơn 10% ở người trên 65 tuổi.
Rung nhĩ có thể gây ra các hậu quả nặng nề như suy tim và đột quỵ. Đột quỵ xảy ra khi máu ứ trong tâm nhĩ lâu dài tạo thành cục máu đông, máu đông đẩy ra trôi theo dòng máu và gây tắc mạch ở não. Cục máu đông cũng có thể gây tắc mạch tại các vị trí khác.
Thạc sĩ, bác sĩ Lương Cao Sơn, Phó trưởng khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết hiện nay đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 trên thế giới và nguyên nhân hàng đầu ở Việt Nam. Khoảng 30-50% bệnh nhân đột quỵ không thể độc lập về chức năng và 15-30% bị khiếm khuyết vĩnh viễn.
“Bệnh nhân rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ tăng gấp 5 lần so với người không bị rung nhĩ. Khoảng 20-30% bệnh nhân đột quỵ thiếu máu cục bộ liên quan đến rung nhĩ”, bác sĩ Sơn cảnh báo.
Để phòng ngừa đột quỵ, bác sĩ cho hay người bệnh rung nhĩ phải kiểm soát và điều trị yếu tố nguy cơ như huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường. Đồng thời, sử dụng thuốc các loại thuốc kháng đông là một trong những biện pháp phòng đột quỵ tốt nhất cho người bệnh rung nhĩ.
Những bệnh nhân rung nhĩ có thêm một trong các yếu tố như từng bị đột quỵ hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua, người trên 65 tuổi, bị suy tim hay tăng huyết áp, đái tháo đường sẽ có nguy cơ đột quỵ tăng cao.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), việc tiếp nhận một bệnh nhân đột quỵ liên quan đến nguyên nhân rung nhĩ luôn gây ra rất nhiều thách thức. Khoảng 70% trong đó là huyết khối gây thuyên tắc động mạch não lớn quan trọng, gây ra những khiếm khuyết chức năng thần kinh nặng.
“Bệnh nhân gần như sẽ tử vong hoặc tàn phế nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời trong thời gian vàng”, bác sĩ Thắng chia sẻ. Theo một nghiên cứu ở bệnh nhân đột quỵ liên quan đến rung nhĩ tại Bệnh viện Nhân dân 115, khoảng 60% tử vong hoặc tàn phế nặng. Tỷ lệ bệnh nhân phục hồi hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn chỉ khoảng 23%.
“Điều đó có nghĩa là nếu rung nhĩ gây ra đột quỵ, bệnh nhân chỉ có 1/5 cơ hội quay trở lại cuộc sống bình thường trước đây”, bác sĩ Thắng nói. Ông phân tích nếu đảm bảo tất cả bệnh nhân rung nhĩ đều được sử dụng thuốc kháng đông khi có chỉ định sẽ tránh được nguy cơ đột quỵ.
Việc dự phòng này có hiệu quả và ý nghĩa hơn rất nhiều so với khi xảy ra đột quỵ, người bệnh phải sử dụng thuốc tiêu sợi huyết hoặc lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo người bệnh rung nhĩ cần tuân thủ điều trị, dùng thuốc theo đúng chỉ định và tái khám đầy đủ để được theo dõi, điều chỉnh thích hợp. Đồng thời, cần xây dựng và duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học, thói quen sinh hoạt lành mạnh để hạn chế tối đa các biến chứng.