Chỉ còn khoảng một tuần nữa The Rice Trader - đơn vị tổ chức cuộc thi "Gạo ngon nhất thế giới" sẽ công bố danh sách các nước đưa gạo tham gia cuộc thi năm nay.
Tuy nhiên, gạo thơm Việt Nam có nguy cơ mất cơ hội dự thi "Gạo ngon nhất thế giới" năm 2021 vì các vấn đề về bản quyền đối với thương hiệu.
Trước đó, trong thông cáo báo chí hồi tháng 5/2021, The Rice Trader cho biết, nhiều công ty Việt Nam sử dụng biểu tượng thương hiệu "Gạo ngon nhất thế giới" - thuộc bản quyền của The Rice Trader, trên các bao bì gạo đang được kinh doanh trên thị trường.
Thông cáo của The Rice Trader khẳng định đây là hành vi sử dụng bất hợp pháp quyền sở hữu trí tuệ và các quy định của biểu trưng giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới”. Thời điểm đó, tổ chức này tuyên bố sẽ cân nhắc đến việc quốc gia có thể mất quyền tham gia cuộc thi này trong những năm tiếp theo.
Trao đổi trên báo chí, kỹ sư Hồ Quang Cua - "cha đẻ" của gạo ST25 - loại gạo được vinh danh gạo ngon nhất thế giới trong cuộc thi của The Rice Trader vào năm 2019 cũng bày tỏ lo lắng về nguy cơ gạo Việt mất cơ hội tham dự cuộc thi nói trên.
Về vấn đề này, chia sẻ với Đất Việt, chuyên gia nông nghiệp - PGS.TS Dương Văn Chín, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng ghi nhận tình trạng "bát nháo" trong sử dụng logo thương hiệu "Gạo ngon nhất thế giới" của The Rice Trader của nhiều công ty kinh doanh lương thực tại Việt Nam trên bao bì, tài liệu quảng bá. Ông khẳng định, logo thương hiệu rất quan trọng, các công ty muốn sử dụng logo thương hiệu của The Rice Trader thì bắt buộc phải xin phép tổ chức này.
"Khi chưa được sự đồng ý của The Rice Trader mà các công ty đã sử dụng logo biểu tượng của tổ chức thì bây giờ phải bỏ các bao bì, tài liệu quảng bá cũ, in bao bì, tài liệu mới mà không đưa logo của The Rice Trader vào", PGS.TS Dương Văn Chín nói.
Riêng với vấn đề trong ruột bao bì có đúng gạo ST25 hay không lại là chuyện khác.
Theo PGS Chín, khi ông Hồ Quang Cua không đăng ký trên thị trường quốc tế nhãn hiệu gạo ST25, không nhượng quyền cho các công ty giống trong nước, các công ty kinh doanh lương thực có quyền mua hạt giống của Doanh nghiệp Tư nhân Hồ Quang Trí, làm vùng nguyên liệu hàng ngàn ha, trồng giống ST25, thu hoạch, chà và bán gạo ST25. Gạo hàng hóa đó là của doanh nghiệp, họ có quyền đóng bao bán ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
Khi nhiều doanh nghiệp trồng giống ST25, chất lượng gạo sẽ khác nhau, tùy kỹ thuật trồng, vùng trồng, đất đai.
"Giả sử công ty A trồng giống ST25 ở vùng lúa tôm sẽ cho gạo ngon hơn, công ty B trồng ở Đồng bằng sông Hồng không phù hợp, chất lượng thấp hơn, không thể nói ST25 ngon nhất thế giới, rồi ăn ngon hơn tất cả các loại gạo khác", nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nhấn mạnh.
Kỹ sư Hồ Quang Cua- cha đẻ của gạo ST25. Ảnh: Dân trí |
Vị chuyên gia cho rằng không cần trăn trở quá nhiều về việc năm nay gạo thơm Việt có được tham dự cuộc thi "Gạo ngon nhất thế giới" của The Rice Trader hay không, vấn đề quan trọng hơn là cần xây dựng thương hiệu gạo thơm cao cấp Việt Nam, đem lại giá trị cao.
Trước hết, với cuộc thi của The Rice Trader, PGS.TS Dương Văn Chín bày tỏ quan điểm rằng, tổ chức này cần xem lại cách tổ chức thi của mình. Năm nào The Rice Trader cũng tổ chức thi, trong đó có loại gạo thơm tham gia hết năm này đến năm khác, có khác chăng là thứ hạng mỗi năm thay đổi. Như gạo thơm Hom Mali của Thái Lan đã 3-4 lần đạt giải nhất, gạo Phka Romdoul của Campuchia cũng 2-3 lần đạt giải nhất. Năm 2020, gạo Capuchia xuống hạng 3. Gạo ST25 năm 2019 đạt giải nhất, năm sau xuống hạng 2.
"Năm nào cũng Hom Mali, năm nào cũng Phka Romdoul, cũng ST 25 để làm gì?", PGS.TS Dương Văn Chín đặt câu hỏi.
Phân tích kỹ hơn, vị chuyên gia cho biết, cách đây hàng chục năm, gạo Hom Mali của Thái Lan đạt giải là lúa mùa quang cảm, chỉ trồng được 1 vụ trong năm. Còn vài ba năm gần đây, ngay cả năm 2020 gạo Thái Lan đạt giải nhất cũng gọi là Hom Mali nhưng gạo đó hoàn toàn là một giống khác. Hom Mali bây giờ là giống lúa cao sản không quang cảm. Người Thái lấy lúa mùa địa phương trước đây lai với những giống hiện đại, nhưng cố gắng giữ lại đặc tính ngon cơm của giống Hom Mali lúa mùa. Cho nên, về nguyên tắc, đáng lẽ Thái Lan không được quyền lấy cái tên Hom Mali để đi thi vì đó là giống khác, nhưng rốt cục họ vẫn sử dụng cái tên này.
"Đạt giải nhất nhiều lần như vậy để làm gì? Trong khi gạo đó vẫn bán với giá chỉ 700-800 USD/tấn, còn Basmati của Ấn Độ chưa một lần đạt giải của The Rice Trader nhưng bán lúc nào cũng 1.000-1.200 USD/tấn trên thị trường thế giới. Hay gạo Calrose của Mỹ chỉ có 1-2 lần đạt giải của The Rice Trader nhưng lúc nào cũng bán 900-1.000 USD/tấn.
Việt Nam cần học tập cách làm của gạo Basmati Ấn Độ và Calrose của Mỹ hơn là học cách của Hom Mali Thái Lan. Đạt thật nhiều giải thưởng đi chăng nữa nhưng giá bán trên thị trường thế giới chỉ có 700-800 USD/tấn thì không có nhiều ý nghĩa.
ST25 đạt giải nhất năm 2019 rất đáng hoan nghênh nhưng không nên năm nào cũng gửi đi thi. Bằng chứng là năm 2020 ST25 đã từ "Hoa hậu" xuống thành "Á hậu", PGS.TS Dương Văn Chín bày tỏ.
Vị chuyên gia nhận định, điều quan trọng là khi đạt giải nhất rồi phải tập trung hợp tác với các công ty nhân giống lớn, nhân giống lúa ST25 lên hàng vạn tấn bán cho nhiều công ty, nông dân trồng, lựa vùng trồng phù hợp, từ đó làm ra hàng triệu tấn gạo ST25 bán giá cả ngàn USD/tấn.
"Thi nhiều lần, luôn đạt giải nhưng mỗi năm chỉ sản xuất một vài ngàn tấn giống không đủ nhu cầu thị trường, mà chính bởi không đủ nhu cầu thị trường nên người dân mới lấy lúa thịt làm lúa giống, trồng tùm lum ở cả vùng đất phèn, vùng phù sa, Tây Nguyên, thậm chí một số người còn chạy theo phong trào đưa ra ngoài Bắc trồng không hề phù hợp vì nhiệt độ khác, sâu bệnh khác, cuối cùng thất bại. Như bây giờ, ST25 xuất khẩu dăm ba ngàn tấn thì không đáng kể, không có dấu ấn của gạo Việt Nam", nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nói.
Khi hợp tác với các công ty hạt giống lớn, PGS.TS Dương Văn Chín khẳng định, kỹ sư Hồ Quang Cua sẽ được lợi. Ông được nhận tiền tác quyền, có tiền để tiếp tục nghiên cứu các giống mới khác tốt hơn ST25, phục vụ được cho xã hội nhiều hơn.
Cũng theo vị chuyên gia, Việt Nam nên xây dựng thương hiệu với những nhãn hiệu hàng hóa đại diện cho nhóm gạo thơm cao cấp Việt Nam.
"Bộ NN-PTNT cần bảo hộ cho giống Lộc Trời 28, ST25 là những giống lúa đã đạt giải gạo ngon nhất thế giới, xây dựng thành thương hiệu gạo thơm cao cấp của Việt Nam bán 1.000 USD/tấn. Bộ phải đứng ra đăng ký trên khắp thế giới để khẳng định đây là giống lúa của Việt Nam. Cũng như Thái Lan đã thành công xây dựng thương hiệu cho Thai Hom Mali trở thành loại gạo ngon nhất thế giới, không ai có quyền lấy cái tên đó.
Khi đăng ký trên thế giới rồi, Bộ NN-PTNT mới cho phép các công ty kinh doanh lương thực nhân giống, trồng, xác định vùng trồng cho những giống này, trồng vùng nào là tối ưu cho gạo ngon nhất, làm ra hàng triệu tấn gạo mỗi năm, bán ra 1.000 USD/tấn mới có ý nghĩa", PGS.TS Dương Văn Chín nói.
"Cách đây vài năm, logo thương hiệu gạo quốc gia được công bố rồi... xong. Muốn gắn logo Vietnam Rice thì điều kiện phải như thế nào? Hạt gạo như thế nào mới được gắn logo đó? Doanh nghiệp nào muốn gắn logo Vietnam Rice thì phải đăng ký với Nhà nước, vùng trồng ở đâu, giống gì... Ví dụ, nếu Nhà nước quy định giống ST25, Lộc Trời 28 thì chỉ trồng 2 giống đó để làm gạo thơm trắng cao cấp. Doanh nghiệp phải đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, theo tiêu chuẩn nào... Tất cả phải có quy định cụ thể", vị chuyên gia nêu rõ.
(Theo Đất Việt)
Mẹo chọn mua gạo thơm ngon chất lượng, không lo bị tẩy trắng vì hóa chất
Gạo kém chất lượng trà trộn với gạo sạch khiến nhiều người hoang mang. Ngày hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách chọn gạo ngon, sạch ngay từ cái nhìn đầu tiên mà không cần nấu thử.