Một số tài xế cho biết, mặc dù tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn mới đưa vào vận hành hơn 1,5 tháng nay nhưng khi lưu thông trên đường này, nhiều chủ xe vẫn có cảm giác lo sợ mất an toàn. Đáng nói là thực trạng chủ đầu tư vừa khai thác, vừa hoàn thiện các hạng mục phụ trợ như đèn chiếu sáng, các nút giao dân sinh…
Đặc biệt, tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn hiện mới chỉ có 2 làn xe, mỗi làn rộng 3,7m và không có giải phân cách cứng, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Ghi nhận của VietNamNet những ngày qua cho thấy, sau một thời gian đưa vào sử dụng, mật độ phương tiện lưu thông qua cao tốc Cam Lộ - La Sơn tăng cao, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán vừa qua.
Suốt chiều dài hơn 98km của tuyến cao tốc, dù chủ đầu tư đã hoàn tất việc cắm các biển cảnh báo tốc độ, hướng dẫn, vạch đường… nhưng nhiều tài xế vẫn có thái độ chủ quan, vi phạm tốc độ, vượt làn.
Một lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị cũng cho biết, từ khi cao tốc Cam Lộ - La Sơn được thông tuyến, nguy cơ mất an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh này cũng gia tăng.
“Cụ thể, để tránh các trạm thu phí đặt trên tuyến QL1A đi qua địa bàn tỉnh này và TT-Huế, nhiều tài xế xe con, xe tải hạng nặng chọn cung đường từ ngã tư Sòng (xã Thanh An) lên nút giao QL9 – Cam Hiếu (huyện Cam Lộ) rồi vào cao tốc.
Đây là tuyến đường tỉnh lộ, qua nhiều khu đông dân cư và trường học nhưng lượng xe tấp nập khiến đường quá tải, nguy cơ gây mất an toàn giao thông rất cao”, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị chia sẻ.
Chủ đầu tư nói gì?
Ông Nguyễn Vũ Quý – Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (đại diện chủ đầu tư) cho biết, cao tốc Cam Lộ - La Sơn có chiều dài 98,3km, được đầu tư gần 7.700 tỷ đồng đi qua 2 địa phương TT-Huế và Quảng Trị.
Dự án được khánh thành, đưa vào sử dụng ngày 31/12/2022.
Theo ông Quý, việc xây dựng cao tốc Cam Lộ - La Sơn được đầu tư phân kỳ, giai đoạn 1 thiết kế 2 làn xe với vận tốc tối đa 80km/h đã được Chính phủ phê duyệt và đáp ứng quy chuẩn đường cao tốc.
“Phải thừa nhận, có nguy cơ mất an toàn giao thông trên tuyến nhưng cũng có tâm lý chủ quan của một bộ phận tài xế.
Cụ thể là nhiều tài xế thấy đường mới làm, thông thoáng nên không làm chủ tốc độ trong khi toàn tuyến, hệ thống bảng biển chỉ dẫn, cảnh báo đã hoàn chỉnh...”, ông Quý chia sẻ.
Cũng theo Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, để phòng tránh những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đơn vị kiến nghị Cục CSGT tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát, lắp đặt các camera giám sát tốc độ trên tuyến.
Một cán bộ Ban ATGT tỉnh TT-Huế chia sẻ, cao tốc Cam Lộ - La Sơn vận hành, đưa vào khai thác đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương miền Trung.
Tuy nhiên, khi dự án chưa thực sự hoàn chỉnh, đầu tư phân kỳ với việc đường hẹp, không có giải phân cách cứng nên nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông là không thể tránh khỏi nên cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh tay với các chủ phương tiện vi phạm...
Lý giải về thiết kế và xây dựng đường cao tốc như trên, vị lãnh đạo này cho biết, theo quy hoạch, đến năm 2030, Việt Nam có khoảng 5.000km đường cao tốc. Để đạt mục tiêu này, cần nguồn vốn khoảng 813 nghìn tỷ đồng.
Thực tế, tới năm 2020 mới bố trí được 395 nghìn tỷ đồng, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 bố trí được thêm khoảng 370 nghìn tỷ đồng.
“Do nguồn lực ngân sách còn hạn chế, để đầu tư đạt mục tiêu về làm đường cao tốc, cũng như phù hợp với lưu lượng phương tiện, nhu cầu của người dân ở nhiều vùng chưa cao, các dự án làm đường cao tốc cơ bản được phân kỳ đầu tư.
Sau này, khi nguồn lực tốt hơn, nhu cầu người dân tăng lên, sẽ đầu tư mở rộng, hoàn chỉnh theo đúng quy hoạch”, vị lãnh đạo này chia sẻ.