Đập phá ô tô vì đỗ xe chướng mắt
Mới đây, hình ảnh chiếc Toyota Fortuner màu đen đỗ ở đầu ngõ bị một người đàn ông cầm thanh gỗ đập phá không thương tiếc đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người và lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội.
Hình ảnh ghi lại cho thấy, chiếc xe SUV đỗ trong một con ngõ khá rộng nhưng vẫn bị một người đàn ông mặc áo vàng đi từ trong nhà ra, cầm theo thanh gỗ rồi đập liên tục vào đuôi xe khiến toàn bộ kính sau vỡ vụn.
Chưa dừng lại ở đó, người đàn ông này còn tiếp tục "tấn công" cặp gương chiếu hậu và khu vực sườn xe, vừa đập phá vừa nói "không nên đậu ở nhà tao, nhớ chưa".
(Nguồn video: Anh Đinh)
Ngay sau khi đoạn video này được đăng tải trên mạng, Công an TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) đã xác minh và ra lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Huỳnh Phước Th. (41 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) để điều tra về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản người khác.
Theo Công an TP. Thủ Đức, vào khoảng 12h trưa ngày 31/7, anh N.T.L. (quê Bình Dương) đã đỗ ô tô hiệu Toyota Fortuner trong hẻm 14, đường số 22, phường Linh Đông, TP. Thủ Đức để dự đám giỗ gần đó. Khi trở lại, anh L. đã thấy ô tô của mình bị hư hỏng rất nặng nên đã đến trình báo.
Qua trích xuất camera, công an đã xác định được Th. chính là thủ phạm đập phá xe của anh L. nên mời lên trụ sở làm việc.
Tại đây, Th. đã khai nhận vào khoảng 15h chiều 31/7, khi đi nhậu say về thấy chiếc xe đỗ cạnh cổng nhà mình chướng mắt nên đã vào nhà lấy thanh gỗ đập phá xe.
Hậu quả là chiếc Fortuner đã bị vỡ kính chắn gió, cần gạt nước phía sau, vỡ kính chiếu hậu hai bên, vỡ đèn xi nhan bên phải, móp méo, trầy xước đuôi sau xe bên phải, móp phía trên vè bánh xe bên trái,...
Dù chưa rõ chiếc xe đỗ ở vị trí đó có vi phạm quy định hay không và đối tượng Th. sẽ bị xử lý như thế nào, nhưng có thể thấy, hành động cố tình phá hoại tài sản của người khác như trên là rất thiếu văn minh và đáng bị lên án.
Dễ vướng vào vòng lao lý
Thời gian gần đây, khá nhiều trường hợp xe ô tô bị huỷ hoại, đập phá, tạt sơn,... được ghi nhận. Phần nhiều xuất phát từ việc những chiếc ô tô này đỗ chắn cửa nhà hoặc lối ra vào của nhiều phương tiện, gây bức xúc cho những người ở gần đó.
Tuy nhiên thay vì gọi điện, nói chuyện trực tiếp với chủ xe hoặc nhờ cơ quan chức năng can thiệp, nhiều người lại không kiềm chế được cơn giận, tự ý "xử" những chiếc xe vô tội giống như trường hợp nêu ở trên.
Trao đổi với VietNamNet về vấn đề này, luật sư Dương Đức Thắng - Phó giám đốc Công ty Luật Myway (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, chưa cần xét tới phương tiện có dừng đỗ sai quy định hoặc có mâu thuẫn gì trước đó hay không, nhưng việc người dân cố tình có những hành vi như phá huỷ ô tô, tạt sơn, cào xước xe,... đều là vi phạm pháp luật, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phạt tù đến 20 năm.
"Theo Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 về huỷ hoại và cố ý làm hư hỏng tài sản: Nếu thiệt hại gây ra từ 2 triệu đến dưới 200 triệu đồng hoặc vi phạm có tổ chức thì có thể bị xử phạt đến 7 năm tù; Trường hợp gây hậu quả thiệt hại từ 200 triệu trở lên có thể bị phạt tù đến 10 năm và “kịch khung” có thể đến 20 năm nếu thiệt hại từ 500 triệu trở lên", vị luật sư này viện dẫn.
Còn trong trường hợp thiệt hại chưa đến 2 triệu đồng và không thuộc các trường hợp tại khoản 1 Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 2-5 triệu đồng về hành vi “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác”.
Luật sư Dương Đức Thắng nhận định: “Việc xác định mức độ thiệt hại cần chờ kết quả định giá về thiệt hại chính thức của cơ quan công an. Tuy nhiên, với trường hợp cụ thể là một xe ô tô bị đập phá, ném vỡ kính hay tạt sơn như thời gian vừa qua ghi nhận được thì chắc chắn thiệt hại là không hề nhỏ (trên 2 triệu đồng - PV). Do vậy, đối tượng làm hư hỏng tài sản của người khác hoàn toàn có thể bị khởi tố hình sự".
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, thay vì ứng xử một cách nóng vội, người dân hoàn toàn có thể bình tĩnh tìm số điện thoại của lái xe (thường để trên kính lái), đề nghị đỗ xe vào chỗ phù hợp hơn; hoặc gọi cho các lực lượng chức năng nhờ can thiệp nếu chiếc xe đó đang dừng đỗ trái phép, ảnh hưởng đến sinh hoạt và an toàn giao thông. Tránh tuyệt đối việc phá hoại tài sản của người khác.
Còn với các lái xe khi đỗ phương tiện của mình trên đường cũng rất cần nâng cao văn hoá giao thông, tuân thủ đúng quy định về dừng đỗ xe; đồng thời "nhìn trước nhìn sau" để việc đỗ xe của mình ít ảnh hưởng nhất đến việc đi lại, sinh hoạt của người khác. Đó cũng là cách hữu hiệu để bảo vệ chiếc xe của mình.
Hoàng Hiệp
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy - báo VietNamNet theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!