Các chuyên gia cho rằng, giải pháp của Việt Nam có thể thay thế được một phần các giải pháp nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực có yêu cầu cao về an ninh quốc gia.
Tấn công mạng vào hệ thống VNDIRECT ngày 24/3 đã được xác định là cuộc tấn công mã độc mã hóa dữ liệu - ransomware. Loại tấn công này là một mối lo ngại lớn của các doanh nghiệp, tổ chức trong kỷ nguyên số. Để độc giả biết thêm về tấn công ransomware, mức độ nguy hiểm cùng cách phòng chống và ứng phó, VietNamNet thực hiện tuyến bài 'Mối nguy hiện hữu từ tấn công mã hóa dữ liệu'.
Theo thống kê, hiện nay Việt Nam đáp ứng trên 90% các giải pháp phục vụ đảm bảo an toàn an ninh mạng trong nước. Việt Nam cũng là một trong số không nhiều quốc gia có thể tự chủ được các giải pháp về an toàn an ninh mạng. Việt Nam cũng đã có khá đầy đủ những sản phẩm, giải pháp an ninh mạng như bảo vệ đường truyền, tường lửa, giám sát, phát hiện tấn công và chống tấn công…
Nhận định về vấn đề giải pháp an ninh mạng Make in Vietnam, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc NCS cho rằng, về số lượng chủng loại giải pháp, doanh nghiệp Việt Nam tương đối đủ, nhưng tuổi đời còn non trẻ so với các sản phẩm của thế giới. Các sản phẩm này cần phải trải qua quá trình người dùng sử dụng, phát sinh tình huống trong thực tế. Sau đó, doanh nghiệp cải tiến nâng cấp rồi phát hành phiên bản mới có chất lượng.
“Đối với các tổ chức lớn như ngân hàng, đòi hỏi mức độ trưởng thành của sản phẩm cao nên thường chọn sản phẩm nước ngoài đã có va chạm trên thực tế vì họ triển khai ở nhiều quốc gia khác nhau, đối mặt với các thách thức khác nhau. Lợi thế của giải pháp Việt Nam là giá thành rẻ, có những giải pháp chỉ bằng 1/3 nước ngoài. Với doanh nghiệp vừa và nhỏ, đây là cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam và là điều kiện để phát triển sản phẩm an ninh mạng Make in Vietnam”, ông Vũ Ngọc Sơn nói.
“Chính phủ chủ trương người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Trong lĩnh vực CNTT, đã có những quyết định yêu cầu ưu tiên mua sắm của Việt Nam, trong đó có cả an ninh mạng. Tuy nhiên, trên thực tế, quy định đó mới dừng ở khuyến cáo, lựa chọn là ở doanh nghiệp, tổ chức. Với những sản phẩm mang tính truyền thống, các cơ quan trong nước cần tuân thủ khuyến cáo người VIệt Nam dùng hàng Việt Nam tốt hơn. Bản thân các hệ thống CNTT sử dụng giải pháp Việt Nam có mức độ tin tưởng cao hơn so với nước ngoài. Nó cũng giúp doanh nghiệp có nguồn thu, từ đó phát triển được nguồn lực, sản phẩm. Nếu Chính phủ dừng ở mức khuyến khích, tính bắt buộc không cao. Chính phủ có thể đưa ra một số sản phẩm cơ bản, bắt buộc dùng hàng Việt Nam trong một số lĩnh vực không yêu cầu quá chặt chẽ”, ông Sơn nói.
Với góc nhìn của mình, ông Nguyễn Minh Đức, Công ty CyRadar cho rằng, các giải pháp an ninh mạng của Việt Nam đã từng bước được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực quan trọng như Chính phủ điện tử, ngân hàng, viễn thông, y tế, giáo dục… Các giải pháp của Việt Nam có thể thay thế được một phần các giải pháp nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực có yêu cầu cao về an ninh quốc gia, bảo mật thông tin, hoặc có tính đặc thù của Việt Nam.
Tuy nhiên, các giải pháp an ninh mạng của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với các giải pháp nước ngoài, như thiếu nguồn lực nhân sự, thiếu vốn đầu tư, thiếu sự hỗ trợ của Chính phủ, thiếu sự tin tưởng của khách hàng… Do đó, cần có sự đồng bộ, phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế để nâng cao chất lượng và hiệu quả của các giải pháp an ninh mạng của Việt Nam. Đặc biệt, cần sự nỗ lực của các doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển các giải pháp Made in Vietnam.
Giải pháp Make in Vietnam tìm đường ra thế giới
Tuy việc đưa sản phẩm anh ninh mạng Make in Vietnam ra nước ngoài là bài toán khó, nhưng cũng đã có doanh nghiệp Việt bước đi trên con đường này. Trước đó, ngày 28/7/2023, Công ty An ninh mạng thông minh SCS đã bắt tay Tập đoàn công nghệ Accton để cung cấp dịch vụ quản lý, an toàn Internet Make in Vietnam ra thị trường quốc tế.
Ông Ngô Tuấn Anh, Chủ tịch SCS cho hay, việc hợp tác giữa hai bên giúp phát triển và cung cấp ra thị trường toàn cầu dịch vụ quản lý, an toàn Internet cho các khách hàng của Accton. Hai bên cùng thống nhất hợp tác để tích hợp và cung cấp ra thị trường dịch vụ an ninh mạng theo mô hình Security as Service mới nhất trên thế giới. Trong giai đoạn đầu, SafeGate và Accton hợp tác để cung cấp giải pháp quản lý và Internet an toàn cho gia đình với các khách hàng đang sử dụng các thiết bị mạng của Accton trên toàn cầu. Hợp tác giữa SafeGate và Accton có thể sớm đưa giải pháp an ninh mạng Make in Vietnam “tham chiến” vào thị trường này trên toàn cầu.
Ông Nguyễn Sơn Hải, Giám đốc Công ty An ninh mạng Viettel cho biết, Viettel cũng có hướng đưa các sản phẩm an ninh mạng ra nước ngoài. Tuy nhiên, việc ra nước ngoài bằng con đường dịch vụ, sản phẩm hay model nào khác thì cần phải nghiên cứu thị trường. Sản phẩm đi ra toàn cầu sẽ khó hơn vì thông thường, lĩnh vực an toàn thông tin họ hay mua theo tham chiếu, đặc biệt là tham chiếu Gartner. Tham chiếu Gartner không thuần túy về chất lượng sản phẩm mà còn quy mô kinh doanh, doanh thu, tính năng có được các nhà cố vấn đánh giá đi theo đúng xu hướng không…
Tuy nhiên, cũng có nhiều thị trường đang phát triển có lựa chọn khác, họ thiếu nhất là yếu tố nhân sự. Khi mua sản phẩm, họ sẽ mua sản phẩm và cách thức nào đấy để tạo ra giá trị chung. Thứ hai, nhiều doanh nghiệp ở các nước cũng có nhu cầu tìm sản phẩm đủ tốt. Sản phẩm Việt Nam đủ tốt, chất lượng nhân sự đủ cao, chi phí hợp lý khi ra quốc tế sẽ có nhiều cơ hội.
“Khi ra nước ngoài, câu chuyện đầu tiên là tìm đối tác, giống như tìm một cánh cửa để mở ra cánh cửa đó. An ninh mạng thực ra là một chuỗi tin tưởng. Viettel có độ tin tưởng mà họ nhìn thấy là đội ngũ chất lượng, được bên thứ ba chứng minh rõ ràng. Nếu sản phẩm Viettel khi ra thế giới sẽ phải tuân theo chuẩn thế giới”, ông Hải nói.
VNDirect bị tấn công: Ransomware nguy hiểm như thế nào?Vụ tấn công vào VNDirect không phải là cá biệt. Ransomware, loại phần mềm độc hại mã hóa dữ liệu trên hệ thống nạn nhân và đòi tiền chuộc để giải mã, đã trở thành một trong những mối đe dọa an ninh mạng nguy hiểm nhất thế giới hiện nay.