Các DN tư nhân bán lẻ xăng dầu tại TP.HCM vừa tiếp tục có văn bản kiến nghị gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và UBND TP.HCM về vướng mắc đang gặp phải trong bán lẻ xăng dầu ra thị trường.
Theo các DN, họ vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều đơn vị khẳng định đang rơi vào khủng hoảng do hoạt động kinh doanh xăng dầu gặp khó khăn đỉnh điểm. Bằng chứng, DN cầm cự không nổi, buộc lòng treo bảng “hết hàng”, đóng cửa sớm hoặc chấp nhận tạm đóng cửa bất chấp việc nhà chức trách cử đoàn kiểm tra xuống tận nơi. Nếu tình trạng thua lỗ kéo dài, DN có nguy cơ phá sản. Từ đó, ít nhiều ảnh hưởng đến việc cung ứng xăng dầu ra thị trường.
Từ những lý do trên, các DN kiến nghị, đối với chính sách về hoa hồng (chiết khấu), các DN bán lẻ phải hưởng mức tối thiểu là 700 đồng/lít để đạt điểm hoà vốn; từ 1.000 đồng/lít để bù chi phí và trên 1.000 đồng/lít để có lợi nhuận. DN hiện đang chịu nhiều chi phí liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu như thuế, tiền thuê mặt bằng, tiền vận chuyển, chi phí hao hụt xăng dầu, lương thưởng nhân viên, các chế độ BHXH, công tác PCCC, khấu hao…
Ngoài ra, thời gian điều chỉnh giá cũng cần theo cơ chế thị trường và đúng thời điểm.
Trong cuộc họp với lãnh đạo các DN đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP vào sáng 15/9, ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM nhận định, tình hình biến động xăng dầu trên thế giới khiến thị trường bị ảnh hưởng không chỉ về sản lượng mà còn trong công tác điều hành giá. Theo ông Vũ, nhiều DN hiện thu không đủ chi, hoạt động khó khăn. Tuy nhiên, trách nhiệm cộng đồng, trách nhiệm vì sự ổn định của nền kinh tế, các cửa hàng bán lẻ vẫn tiếp tục duy trì đảm bảo nguồn cung, dù càng bán càng lỗ.
Trong quy định của nhà nước về mặt hàng xăng dầu, sự điều chỉnh về mặt chính sách thuộc liên bộ Bộ Tài chính – Công Thương. Các Sở địa phương chỉ có chức năng cấp một số giấy phép mang tính chất điều kiện cho DN hoạt động. Sở Công Thương TP.HCM sẽ phản ánh kiến nghị của DN xăng dầu lên cơ quan Trung ương. Bất cập trong quá trình điều hành giá cần có điều chỉnh phù hợp, nếu kéo dài, DN bán lẻ sẽ không đủ sức cầm cự.
Thống kê, trên địa bàn TP.HCM có 550 cửa hàng xăng dầu, 15 thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, 60 thương nhân phân phối, 1 tổng đại lý và 29 đại lý kinh doanh xăng dầu. Hiện, có 2/550 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đã ngưng hoạt động với lý do sửa chữa, thời hạn cho phép từ 15-30 ngày tùy mức độ sửa chữa. Với số hàng cửa còn lại đang hoạt động, nguồn cung xăng dầu tại địa phương vẫn được đảm bảo.
Trong khi đó, tại Đồng Tháp, có khoảng 10/549 cây xăng xin tạm đóng cửa, ngưng hoạt động; Vĩnh Long có 10/320 cây xăng xin tạm ngừng bán; Hậu Giang và Bến Tre cũng có một số cây xăng xin phép tạm dừng bán. Nhà chức trách tại các địa phương không chấp thuận việc xin ngừng bán của nhiều cây xăng lẻ bởi xăng dầu là mặt hàng chiến lược, bất kỳ DN nào kinh doanh đều phải chấp nhận rủi ro. Lúc lãi, lúc lỗ và các DN tự nguyện tham gia kinh doanh lĩnh vực có điều kiện này. Do đó, DN cần hiểu, chia sẻ để vượt qua khó khăn trước mắt.
Tuy nhiên, cũng có đại diện cơ quan quản lý nhà nước cho rằng, hoa hồng, chiết khấu bán hàng thấp khiến cây xăng rơi vào tâm lý chán nản. Bán hàng mà cứ lỗ thì đương nhiên DN sẽ không chịu. Cơ chế điều hành giá của liên Bộ Tài chính - Công Thương cần linh hoạt hơn, nên giao cho DN đầu mối được phép điều chỉnh giá trong biên độ cho phép để nếu sự có sự thay đổi về giá nhiên liệu có thể kịp thời cân đối chính sách hoa hồng cho các đại lý, cây xăng bán lẻ.