Ngoài ca bệnh có địa chỉ ở Thanh Oai (Hà Nội) nhiễm liên cầu lợn sau bữa lòng lợn, tiết canh như VietNamNet đưa tin sáng nay, chiều 19/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết vừa ghi nhận thêm 1 ca bệnh nhiễm liên cầu khuẩn lợn.
Như vậy, từ đầu năm đến ngày 16/9, thành phố Hà Nội ghi nhận 3 ca mắc liên cầu khuẩn lợn, tăng 2 ca so với cùng kỳ năm 2021, chưa có ca tử vong.
Bệnh nhân mới phát hiện là ông N.T.M, làm ruộng, địa chỉ ở xã Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ. Chỉ hơn 1 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng sốt cao, đau đầu, đau mỏi toàn thân, người đàn ông 60 tuổi đã rơi vào tình trạng kích động, khó tiếp xúc, cứng gáy.
Ngay sau đó, bệnh nhân được gia đình đưa tới Bệnh viện Quân y 103. Kết quả xét nghiệm cho thấy, ông M. dương tính với Streptococcus suis (liên cầu lợn).
Trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát bệnh, ông M. không ăn lòng lợn, tiết canh, không tham gia giết mổ lợn, gia đình cũng không chăn nuôi lợn. Ông là người thường xuyên nấu ăn trong gia đình.
Bộ Y tế cho biết liên cầu khuẩn lợn là bệnh lây truyền từ động vật sang người, chưa có bằng chứng bệnh lây từ người sang người. Hầu hết các ca bệnh đều có liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các món đồ chưa nấu chín như nem chạo, nem chua…
Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp bệnh nhân không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc bệnh. Nguyên nhân là do ăn thịt lợn nhiễm bệnh nhưng chế biến còn tái sống, tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da khi chế biến thực phẩm.
Vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn hoàn toàn bị tiêu diệt khi thực phẩm được nấu chín kỹ. Vì thế, để phòng bệnh, người dân không nên giết mổ lợn ốm chết, không xử lý thịt lợn sống bằng tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay, nên đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống; rửa tay sạch sau khi chế biến thịt.
Mắc liên cầu lợn, bệnh nhân có thể gặp biểu hiện, bệnh cảnh viêm màng não như: Sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác… xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể.
Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tiêu hoá: sốt, đi cầu nhiều lần, phân lỏng, cơ thể lạnh, run... trước khi có biểu hiệu của viêm màng não.
Trường hợp nặng, bệnh nhân bị sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng... hôn mê và tử vong.