Ban Tuyên huấn Sư đoàn 

Tết Canh Tuất năm 1970, Sư đoàn 5 của chúng tôi đang đứng chân ở rừng Phước Long (nay là Bình Phước). Tết đến xuân về trong cái nóng của miền Đông Nam Bộ. Anh em chúng tôi đều nhớ nhà, nhớ mưa xuân trên đất Bắc. Tức cảnh tôi viết mấy vần thơ để đăng trên báo tường của đơn vị.

{keywords}
Chiến sĩ trẻ Lê Doãn Hợp (đứng thứ hai, từ phải qua) cùng cán bộ, nhân viên đội Tuyên truyền, Ban Tuyên huấn Sư đoàn 5, mùa mưa năm 1971

Sau tết, Trưởng Ban Tuyên huấn (BTH) Sư đoàn, Thiếu tá Tạ Chấn, đến làm việc với Tiểu đoàn. Trong lúc chờ ăn trưa, thủ trưởng Tạ Chấn lướt qua tờ báo tường. Ông dừng lại khá lâu đọc hai bài thơ của tôi. Đầu giờ chiều, ông nói với chính trị viên Tiểu đoàn Lê Đình Hưng: “Gọi cậu Hợp lên mình gặp mấy phút”.

Nghe nói lên gặp thủ trưởng Sư đoàn, tôi vừa sợ, vừa lo. Sợ vì không biết có việc gì, lo vì không biết ăn nói thế nào. Đúng giờ hẹn, tôi thập thò trước cửa hầm. Thấy tôi, thủ trưởng gọi to “Cậu vào đi”. Tôi vào và ngồi đối diện với ông. Trước mặt tôi là một ông “quan sư đoàn” người nhỏ nhắn, da trắng, râu quai nón, mắt sáng long lanh. Thủ trưởng chủ động bắt tay tôi và hỏi tôi 3 câu.

“Câu quê tỉnh nào?”. Tôi trả lời: “Thưa thủ trưởng, em quê Nghệ An”. Ông nói ngay quê Bác Hồ và quê của Tướng Chu Huy Mân dày dạn trận mạc (sau này tôi mới biết một thời ông làm cán bộ dưới quyền Tướng Chu Huy Mân).

“Cậu học lớp mấy?”. Tôi xin thưa: “Em đang học dở cấp 3 thì xung phong đi bộ đội”. Thủ trưởng lại nói: “Thanh niên quê hương Xô Viết là thế”.

“Cha mẹ cậu làm gì?”. Tôi đáp: “Bố em làm Giám đốc nhà máy nước Vinh. Mẹ em làm phó chủ tịch Hội phụ nữ xã”. Thủ trưởng lại nói thêm “Gia đình cán bộ đảng viên”. Ông giở sổ tay ghi chép mấy chữ rồi gấp lại, chia tay tôi và dặn: “Chúc cậu rèn luyện khoẻ để chiến đấu và phục vụ chiến đấu tốt”.

Khoảng 3 tháng sau, chính trị viên Tiểu đoàn gọi tôi đến thông báo: “Hợp có quyết định điều động về công tác ở BTH Sư đoàn rồi. Anh chúc mừng Hợp. Nhớ làm việc tốt. Lên cao đừng quên anh em nhé”.

Thế là từ tháng 5/1970, tôi về công tác tại BTH, phòng Chính trị, Sư đoàn 5, Quân Giải phóng miền Đông Nam Bộ cho đến ngày thống nhất. 

Về Thành uỷ Vinh 

Tháng 8/1989, tôi đi học lớp Quản lý đô thị ở Liên Xô về nước. Sở Xây dựng Nghệ Tĩnh xin tôi, tôi cũng xin tỉnh cho trở về Sở Xây dựng, nơi tôi đã cống hiến hết mình sau 13 năm rời quân ngũ.

Một hôm, tôi được mời lên gặp Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Bá. Bí thư nghiêm nghị nói: “Căn cứ quá trình công tác và các kiến thức đã được đào tạo, đồng chí Hợp có thể đảm nhận một số công tác chuyên môn ở các sở ban ngành cấp tỉnh. Nhưng lúc này cần ưu tiên cho công tác Đảng. Đảng rất cần những cán bộ trẻ có tâm, có tầm, có tín nhiệm và thực tiễn để làm tròn vai trò lãnh đạo toàn diện.

Mặt khác, Ban thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành nghị quyết xây dựng TP Vinh thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá... của Nghệ Tĩnh và vùng Bắc Trung Bộ. Đồng chí Hợp vừa được đào tạo kiến thức quản lý đô thị ở Liên Xô về. Vì thế Ban thường vụ dự kiến phân công đồng chí về Vinh chuẩn bị cho ĐH 17 của Đảng bộ thành phố để làm Phó bí thư thường trực Thành uỷ”.

{keywords}
Ông Lê Doãn Hợp thăm công ty liên doanh mía đường khi ông làm Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An

Tại ĐH 17, tôi được bầu vào Ban thường vụ và làm Phó bí thư thường trực Thành uỷ Vinh.

Tôi đã ở vị trí này 5 năm từ 1989 - 1994, thời đó là tròn 2 nhiệm kỳ ĐH. Đó cũng là thời gian tôi đã cống hiến quyết liệt. Chức danh này cho tôi rất nhiều bài học và kinh nghiệm thực tiễn quý giá để tôi hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó sau này. 

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An

Đầu năm 1994, chuẩn bị cho ĐH giữa nhiệm kỳ Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh  Phạm Xuân Tùy mời tôi lên trao đổi:

“Hợp làm Phó bí thư Vinh 2 nhiệm kỳ rồi. Dấu ấn và kết quả đã rõ. Bây giờ ở tỉnh rất cần những cán bộ trẻ, được đào tạo cơ bản, kinh qua thực tiễn phong phú để tạo nguồn cán bộ cho tỉnh.

Tỉnh uỷ đang rất cần người làm Trưởng BTG. Chiếc ghế này hơi 'nóng' vì nếu có năng lực thì sẽ khẳng định rất nhanh, nhưng nếu chưa đủ tầm thì cũng sẽ bộc lộ cái yếu rất mau, nên nhiều người ngại. Anh thấy Hợp là người nói hay, viết tốt, năng lực khái quát tổng hợp nhanh, nếu làm Trưởng BTG sẽ có rất nhiều lợi thế. Mặt khác Hợp học kinh tế cả đại học và và trên đại học, lúc này làm công tác tư tưởng mà có kiến thức kinh tế là rất cần, cần cho Tỉnh uỷ và cả UBND Tỉnh nữa. Hãy tự tin nhận nhiệm vụ mới đi. Anh tin là Hợp sẽ hoàn thành tốt và có triển vọng phát triển cao hơn”.

Thấy Chủ tịch Phạm Xuân Tùy trao đổi chân chất và rất thật lòng như một người anh, tôi không biết nói gì thêm, ngoài việc nhận nhiệm vụ mới và quyết tâm phấn đấu để sớm khẳng định mình qua thực tiễn, đáp ứng đúng lòng mong đợi của các thế hệ đàn anh.

Tháng 4/1994, tại ĐH giữa nhiệm kỳ của Đảng bộ Nghệ An, tôi được bầu vào Ban Thường vụ để làm Trưởng BTG Tỉnh uỷ.

Tôi làm Trưởng BTG Tỉnh uỷ Nghệ An tròn 30 tháng, thời gian không dài nhưng đã để lại nhiều dấu ấn tốt về công tác tư tưởng phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội, tôn vinh văn hoá, khôi phục và phát huy các giá trị truyền thống của quê hương Xô Viết. 

Ra Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương 

Để chuẩn bị cho ĐH 10 của Đảng (tháng 1/2006), từ tháng 5/2005, anh Nguyễn Khoa Điềm - ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương (TTVH TƯ) 2 lần đi từ Hà Nội vào Vinh, thuyết phục tôi ra nhận nhiệm vụ Phó trưởng Ban. 

{keywords}
Ông Lê Doãn Hợp tặng nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cuốn sách "Ký ức người lính" 

Anh nhỏ nhẹ nói: “Anh Hợp làm việc tại Nghệ An đã khá lâu. Ban TTVH TƯ đang rất cần những người trải qua thực tiễn từ quân đội về địa phương, từ chiến tranh sang hoà bình, kinh qua địa phương dày dạn phong phú, có kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn để tham mưu về công tác TTVH cho TƯ trong tình hình mới. Hồi còn học ở Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, tôi biết anh Hợp là người nói và viết khá tốt, rất cần cho công tác tuyên giáo hiện nay. Mong anh Hợp nhận lời”.

Tôi tìm cách “câu giờ” chưa trả lời ngay, xin anh Điềm cho thêm thời gian suy ngẫm.

Lần thứ 3 anh Điềm lại vào Vinh. Thực tế tôi đang muốn ở lại Nghệ An. Tôi nhận thức rằng, làm ở địa phương với hai chức danh chủ chốt là Chủ tịch tỉnh và Bí thư Tỉnh uỷ nếu đang làm tốt, rất cần quỹ thời gian 2-3 nhiệm kỳ mới đủ thời gian cần thiết để làm được những gì mình mong, tạo dựng được những dấu ấn cần thiết và có thành quả đủ rõ cho sự phát triển của tỉnh nhà, trên 3 mặt quan trọng nhất là kinh tế, xây dựng Đảng và cải cách hành chính.

Nhưng để anh Nguyễn Khoa Điềm vào nhiều lần, tôi cũng nể trọng. Mặt khác, anh em trong Ban thường vụ Tỉnh uỷ đều biết TƯ đang xin, mà tôi chưa chịu đi cũng không tạo sớm chỗ trống cho nhiều anh em có cơ hội trưởng thành. Trước sức ép tế nhị và nhạy cảm từ hai phía đó, tôi nhận lời.

Ra Ban TTVH TƯ, tôi được Trưởng Ban Nguyễn Khoa Điềm giao nhiệm vụ Phó trưởng ban phụ trách 3 công việc chính: Phụ trách công tác truyền thông, báo cáo viên và tuyên truyền miệng toàn quốc; Thường trực của Ban về chuyên đề làm điểm: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Trước mắt tập trung chỉ đạo điểm ở tỉnh Khánh Hoà, chuẩn bị để nếu ĐH 10 thông qua, sẽ phát động phong trào lớn trong Đảng là “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Trong thời gian 4 tháng sau ĐH, khi đồng chí Nguyễn Khoa Điềm được nghỉ hưu, Ban Tổ chức phân công đồng chí Tô Huy Rứa về làm Trưởng Ban. Đồng chí và lãnh đạo Ban phân công tôi làm Phó trưởng Ban thường trực từ tháng 2-6/2006. 

Về Bộ Văn hóa Thông tin  

Tháng 4/2014, sau khi đã nghỉ hưu, nhân dịp vào TP.HCM công tác, tôi tranh thủ ghé thăm nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải ở Củ Chi. Ông gọi xe sân gôn chở tôi đi xem khu rừng tự trồng cạnh nhà, trong đó có 100 cây lát hoa mà Lâm nghiệp Nghệ An tặng Thủ tướng trồng từ khi cây còn nhỏ, giờ đã lên cao rất đẹp. Ông giữ tôi ở lại ăn cơm.

Sau bữa cơm thân mật, đột nhiên ông hỏi: “Hợp có biết ai giới thiệu Hợp làm Bộ trưởng VHTT không?”. Tôi thưa: “Làm sao em biết được”. 

Nguyên Thủ tướng chậm rãi kể: “Sau ĐH 10 của Đảng, ông Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) mời anh sang nhà riêng ở Sài Gòn tâm sự. Ông nói, trong BCH TƯ vừa bầu, có một người làm được Bộ trưởng VHTT, đó là đồng chí Lê Doãn Hợp.

Cậu này quê Nghệ An, có phông văn hoá và cách mạng rất quý. Có năng khiếu viết, nói khá tốt, biết làm thơ, lại là người đi vào chiến trường khá sớm, chiến đấu lăn lộn trên đất miền Đông và miền Tây Nam Bộ nhiều năm.

Cậu ấy tham gia nhiều chiến dịch lớn từ năm 1968, đến chiến dịch Hồ Chí Minh rồi làm quân quản Sài Gòn, nên rất am hiểu văn hoá Nam Bộ; Từng làm cán bộ Tuyên huấn Sư đoàn 5, Quân Giải phóng Miền nên được tiếp cận sâu và rộng với bộ đội người miền Bắc. Đó là người am hiểu văn hoá đủ cả 3 miền Bắc Trung Nam, nếu làm Bộ trưởng VHTT sẽ rất phù hợp. Tiếp thu ý kiến rất sâu sát của anh Sáu Dân, anh và Ban cán sự Đảng nhất trí chọn Hợp để trình Bộ Chính trị và Quốc hội đưa em về làm Bộ trưởng VHTT”.

Suốt quá trình công tác, nhiều lần ông Võ Văn Kiệt ra Hà Nội, mời tôi sang trò chuyện thời cuộc và công việc. Nhưng cố Thủ tướng chưa bao giờ nói với tôi rằng “Anh là người giới thiệu Hợp làm Bộ trưởng VHTT”. Mãi sau này tôi mới biết qua lời kể của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.

Tôi kể lại những chuyện này, nhằm chuyển đến các bạn đọc một thông điệp, trước đây các cụ tiến cử cán bộ vô tư, trong sáng, khách quan, trách nhiệm. Chỉ mong công tác cán bộ của Đảng ta kế thừa truyền thống của các thế hệ đi trước để chọn cán bộ đúng và chuẩn. Đó là mong muốn chính đáng, cần thiết của Đảng, nhân dân trong công tác cán bộ, vì sự nghiệp đổi mới đất nước thành công và hội nhập quốc tế thắng lợi.

Lê Doãn Hợp  

‘Trung tá’ rồi, nói ngược lại đi!

‘Trung tá’ rồi, nói ngược lại đi!

Đêm 26/6/1996, tôi nhận được được điện thoại của anh Đỗ Trung Tá: Trung tá rồi! Vợ tôi bảo, “trung tá” nói ngược lại là ta trúng, có khi ông ấy bảo anh trúng Trung ương…