Dấu ấn ADMM+ và bài phát biểu dẫn đề của Thủ tướng
Đại sứ Phạm Quang Vinh (nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) chia sẻ: Vào năm 2010 khi Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN, một vấn đề đặt ra là liệu có mở rộng cấp cao Đông Á được hay không? Khi đó hàm ý mời Mỹ và Nga tham gia làm thành viên với mong muốn tại khu vực này, ASEAN này có thể làm việc được với tất cả các nước lớn.
Phía bên quốc phòng cũng có một quyết tâm khởi động được tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) gồm 10 nước ASEAN với 8 nước đối tác, trong đó có những nước lớn như Mỹ, Trung Quốc và Nga.
Nghe thì đơn giản, nhưng nếu nhớ lại 13 năm trước đây thì không hề dễ dàng, khi xuất hiện vấn đề cọ xát, cạnh tranh giữa các nước lớn.
“Với tư cách là người giúp việc cho lãnh đạo cấp cao ở hai kênh là đối ngoại của quốc phòng và đối ngoại của ngoại giao, chúng tôi chia sẻ với nhau. Anh Vịnh nói rằng: Ông làm về chính trị, đối ngoại của ông tại ASEAN chính là làm việc với cấp cao, nên phải tạo ra khuôn khổ chính trị thuận lợi, để có thể kết nối được các nước lớn vào khu vực này. Khi nước lớn cùng hợp tác với ASEAN thì vai trò của khối được tăng cường, thuận lợi hơn cho việc tạo dựng một môi trường hòa bình, ổn định và phát triển.
Mở rộng cũng kèm theo sự phức tạp là giữa các nước lớn có sự cạnh tranh nhau nên làm sao phải dung hòa được, vì thế cả kênh chính trị, kênh quốc phòng cần phối hợp. Anh Vịnh đã đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp có thẩm quyền làm sao để xây dựng trong cộng đồng ASEAN có sự hợp tác thống nhất giữa các lực lượng quốc phòng. Chính vì thế, Việt Nam đã có sáng kiến về thiết lập Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN - ADMM và ADMM+”, Đại sứ Phạm Quang Vinh kể lại.
Kết quả là, ASEAN 2010 là một ASEAN đột phá trong liên kết, hợp tác toàn cầu, với sự tham gia lần đầu tiên của các cường quốc trên thế giới.
Đặc biệt quan trọng khi sáng kiến ADMM+ đã đưa ra vài ba năm trước nhưng chưa được thông qua do không có được sự đồng thuận của các nước thì trong năm 2010, các bên đã nhất trí khởi động và triệu tập Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng với các nước đối tác (ADMM+) lần đầu tiên. ADMM+ trở thành cơ chế đối thoại chiến lược hàng đầu và thường xuyên của các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các đối tác chủ chốt về các vấn đề quốc phòng - an ninh, góp phần mở rộng hợp tác ASEAN với các đối tác (khi đó chủ yếu là chính trị và kinh tế).
“Câu chuyện thứ hai là vào năm 2013, khi Thủ tướng Việt Nam được mời phát biểu dẫn đề tại Đối thoại Shangri-La (diễn đàn an ninh, quốc phòng quan trọng bậc nhất khu vực châu Á). Đây có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử diễn đàn, một lãnh đạo Việt Nam có bài phát biểu quan trọng với tư cách là diễn giả chính.
Làm sao cả 2 kênh ngoại giao và quốc phòng phối hợp, để chuyển tải rõ ràng thông điệp của Việt Nam về về xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như chính sách quốc phòng của ta. Và 10 năm trước, bài phát biểu của Thủ tướng gây tiếng vang lớn. Trên cơ sở các kênh phối hợp với nhau thì vai trò của anh Vịnh là rất lớn”, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đánh giá.
Người cộng sự tâm huyết, thẳng thắn và chân tình
Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, quan hệ Việt - Mỹ đạt được bước tiến vượt bậc như hiện tại không thể không kể tới nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh.
“Và anh Vịnh là người cực kỳ tâm huyết. Tôi còn nhớ ở các cuộc trao đổi, anh nói rằng, khác biệt thì cũng phải chung tay và hợp tác với nhau. Đây là nhân đạo. Đây là vấn đề trách nhiệm lịch sử để lại. Khắc phục hậu quả chiến tranh là nhiệm vụ phải làm, làm đến cùng.
Tôi đã có dịp thăm Trung tâm của Cơ quan kiểm kê tù binh và người mất tích Bộ Quốc phòng Mỹ tại Hawaii. Các tướng lĩnh phụ trách Trung tâm này đều nói rằng sự hợp tác của Bộ Quốc phòng Việt Nam với Mỹ mẫu mực trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh. Anh Vịnh là người chỉ đạo quyết liệt việc này, ngay cả trong 3 năm dịch bệnh Covid vừa rồi, khi Mỹ không thể cử người sang Việt Nam phối hợp, thì chúng ta vẫn tiếp tục chương trình tìm kiếm hài cốt người Mỹ mất tích
Cho nên, suốt 50 năm qua, hoạt động tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh trở thành hình mẫu trong hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ, góp phần xây dựng biểu tượng về sự hòa giải giữa hai cựu thù”, Đại sứ cho biết.
Về phía Mỹ, làm sao để họ hỗ trợ Việt Nam trong vai trò vừa là nhân đạo, vừa là một phần trách nhiệm? Đại sứ Phạm Quang Vinh kể:
“Tôi nhớ anh Vịnh có câu nói rất hay. Anh nói: ‘Mỹ cứ giúp chúng ta là được, còn đặt tên thế nào, là nhân đạo hay giúp Việt Nam phát triển, thì quan trọng nhất vẫn là đóng góp trong nỗ lực xử lý và khắc phục hậu quả chiến tranh Mỹ gây ra ở Việt Nam’. Những dự án lớn về rà phá, tháo gỡ bom mìn, giúp đỡ nạn nhân chiến tranh và đặc biệt là hai dự án tẩy độc sân bay Biên Hòa, sân bay Đà Nẵng không thể thiếu dấu ấn của anh Vịnh.
Trong câu chuyện khắc phục hậu quả chiến tranh, những nhân vật chủ chốt tại Mỹ mà tôi gặp, họ đánh giá rất cao những cống hiến, đóng góp và cách tiếp cận thẳng thắn nhưng rất chân tình của Chí Vịnh.
Đơn cử như Thượng nghị sĩ Patrick Leahy – người từng đảm nhận vai trò Chủ tịch Thường trực Thượng viện. Ông có công rất lớn trong tạo lập quỹ và thúc đẩy các dự án về khắc phục hậu quả chiến tranh Việt Nam, trong đó có tẩy độc ở hai sân bay. Tướng Vịnh đã trở thành người bạn thân thiết của vợ chồng ông.
Thượng nghị sĩ Patrick Leahy coi anh Vịnh là người cộng sự không thể thiếu trong nỗ lực chung nhằm giải quyết hậu quả chiến tranh để lại ở Việt Nam. Năm 2019, tới Mỹ công tác, anh Vịnh và Thượng nghị sĩ Patrick Leahy cũng đã chủ trì hội nghị lớn về Việt-Mỹ khắc phục hậu quả chiến tranh. Trước đó, tướng Vịnh cũng đã tặng ông Leahy món quà đặc biệt - hộp đất lấy từ sân bay Đà Nẵng sau dự án tẩy độc dioxin – khiến ông xúc động.
Thứ hai là với Thượng nghị sĩ John McCain. Tôi nhớ lúc đó đang là Đại sứ Việt Nam tại Washington DC. Tôi đón anh Vịnh vào tháng 10/2017. Tướng Vịnh có cầm theo một bộ hồ sơ tài liệu tìm ở các nguồn lưu trữ khác nhau, liên quan đến thời kỳ ông John McCain còn là tù binh chiến tranh ở Việt Nam.
Anh Vịnh đã trao kỷ vật đặc biệt này cho Thượng nghị sĩ McCain, ông nhận lấy, xúc động, run run và bật khóc khi nhìn thấy những lá thư viết tay ông gửi cho gia đình, hay dòng nhật ký khi là tù binh chiến tranh ở Việt Nam...
Tấm chân tình của anh Vịnh đã chinh phục được cảm tình của những người cùng làm việc”.
Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, về tầm nhìn của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh có mấy điểm đáng chú ý:
Luôn luôn lấy lợi ích của Việt Nam làm trung tâm cho cách nhìn của mình trong những vấn đề xảy ra trong khu vực và trên thế giới.
Luôn lấy trọng tâm trong chiến lược của mình là hòa bình, bảo đảm môi trường hòa bình cho Việt Nam.
Là người cực kỳ kiên quyết trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và biển đảo.
“Chúng tôi là đồng lứa, từng làm việc nhiều với nhau, từ công việc mà có mối quan hệ cá nhân gần gũi. Anh Vịnh là một người tài, người sắc sảo, một người thiết tha yêu Việt Nam.
Tiễn anh hôm nay, vẫn đậm sâu trong tôi một Tướng Vịnh - Đậm chất chiến lược và chất lính”, Đại sứ Phạm Quang Vinh xúc động bày tỏ.