Cơ duyên đến với vai trò giám đốc âm nhạc
- Cơ duyên nào đưa anh đến với vai trò giám đốc âm nhạc?
Khoảng 2015 - 2016, khi làm trong êkíp phối khí của Giai điệu tự hào, tôi được anh Cao Trung Hiếu - đạo diễn sân khấu của chương trình nhờ phối khí một bài. Sau khi ca khúc ra mắt khán giả, tôi mới biết đó là “Tái bút” của Hà Anh Tuấn. Từ mối duyên ấy tôi được anh Tuấn mời làm tiếp bài “Người con gái ta thương” và sau đó là “Lạc”.
Khi nhìn lại, tôi mới nhận ra 3 bài có 3 phong cách âm nhạc khác nhau và giống như bài test để Hà Anh Tuấn tin tưởng tôi giao cho vai trò giám đốc âm nhạc.
Giám đốc âm nhạc là người chịu trách nhiệm âm nhạc cho cả một show diễn, sản phẩm hoặc định hướng âm nhạc cho một ca sĩ. Con đường bình thường sẽ đi từ phối khí từng bài, chịu trách nhiệm các show hoặc sự kiện nhỏ rồi mới làm show lớn. Thế nhưng, tôi đã nhận làm giám đốc âm nhạc cho liveshow Fragile của Hà Anh Tuấn ngay khi khởi đầu. Thời điểm nhận lời, tôi không biết chương trình hot đến thế. Khi thấy vé hết sạch sau 5 phút mở bán, tôi bắt đầu lo và áp lực hơn khi biết có nhiều người trong giới chuyên môn, nhà báo cũng tham dự. Tôi tự nhủ phải làm thật hay.
Sau liveshow đó, tôi được Hà Anh Tuấn khen và thường xuyên mời làm giám đốc âm nhạc cho các liveshow của anh ấy.
- Vài năm gần đây, Nguyễn Hữu Vượng trở thành cái tên hot trong giới âm nhạc, thường đảm nhận các show lớn. Anh nghĩ điều gì giúp mình trở nên khác biệt so với các nhà sản xuất âm nhạc khác?
Tôi không biết nhưng người khác lại nhận ra điều đó. Đội band hay nói rằng chỉ cần nghe là biết nhạc tôi làm chứ không phải chờ xem credit. Tôi chỉ biết làm và luôn cố gắng làm hay nhất có thể chứ bảo khác biệt cũng chẳng biết thế nào vì còn nhiều người giỏi lắm.
Tôi hay học hỏi từ các nhà sản xuất nước ngoài và một số nhà sản xuất trong nước như anh Hoài Sa, anh Đức Trí. Dù không theo học một ngày nào nhưng có thể nói nhạc sĩ Hoài Sa là một trong những người có ảnh hưởng lớn với tôi. Tôi vẫn hay xem những show của anh ấy làm để học hỏi.
Tôi là người học nhạc Jazz nên sẽ rất để ý đến phần hòa thanh và trong tất cả các show tôi làm đều có ít nhất một bài nhạc Jazz. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất khi làm giám đốc âm nhạc là phải để ý thế mạnh, màu sắc của nghệ sĩ mình đang hợp tác để làm nổi bật điều đó trong show diễn. Mình có cái tôi riêng, không thỏa hiệp với những điều không hợp lý nhưng không có nghĩa là có quyền áp đặt mọi thứ.
Cảm hứng mới khi hợp tác cùng Tùng Dương
- Tùng Dương nổi tiếng là người cá tính, thích những điều khác biệt. Anh làm thế nào để thuyết phục anh ấy nghe theo ý mình mỗi lần hợp tác chung?
Cả anh Tùng Dương và tôi đều là những người rất cá tính. Khi làm nhạc, tôi luôn bảo vệ quan điểm của mình, nếu thấy không hợp lý thì không làm. Hai con người cá tính khi kết hợp với nhau tất nhiên sẽ có những khó khăn, thậm chí tranh cãi.
Có lần tôi làm bài xong nhưng anh ấy không nghe theo và tôi muốn dừng lại, không làm nữa. Tuy nhiên, tất cả những trở ngại đó chỉ xảy ra ở giai đoạn đầu, khi chúng tôi mới hợp tác làm album Human. Từ khi hai anh em hiểu được cách làm việc của nhau, mọi thứ diễn ra trơn tru và thành quả của quá trình đó thể hiện rõ ràng ở sản phầm.
Sau album Con người và liveshow Human, Tùng Dương dường như tin tưởng hơn và từ đó để tôi thoải mái sáng tạo với vai trò giám đốc sản xuất trong các sản phẩm âm nhạc của mình.
- Tùng Dương có gì đặc biệt so với những ca sĩ anh từng hợp tác?
So với các ca sĩ khác, Tùng Dương đề cao sự sáng tạo, thậm chí muốn làm cách mạng. Anh ấy luôn mong muốn mang đến điều gì mới mẻ cho âm nhạc Việt Nam, sẵn sàng trở thành người tiên phong. Bên cạnh đó, giọng hát của anh ấy cũng rất đặc biệt. Tùng Dương là người có thể hát xuất sắc nhiều thể loại khác nhau. Tôi cũng là người rất thích làm mới các ca khúc cũ hoặc làm những sản phẩm mới mang đậm tính thời đại nên rất hứng khởi khi được làm việc với anh ấy.
- Anh nghĩ sao khi được gọi là người đứng sau thành công của Hà Anh Tuấn, Hương Tràm, Tùng Dương?
Khi nghe như vậy, tôi rất vui nhưng không dám nhận. Nếu nói tôi đứng sau thành công về âm nhạc của họ thì đúng chứ thành công nói chung lại không hẳn vì thành công của một ca sĩ còn dựa trên nhiều yếu tố và âm nhạc chỉ là một khâu mà thôi.
- Đâu là lý do khiến anh từ bỏ hào quang của một nghệ sĩ biểu diễn với vai trò thành viên ban nhạc Ngũ Cung, nghệ sĩ Nhà hát Thăng Long để theo đuổi con đường trở thành giám đốc âm nhạc - một người đứng sau hào quang của các ca sĩ?
Tôi không thích gò bó trong những khuôn khổ nhất định, không được thể hiện cá tính âm nhạc của mình. Vì thế, tôi quyết định rời nhà hát để ra ngoài và tự đứng trên đôi chân của mình. Thời điểm đó, tôi từ bỏ tất cả, trong đó có nguồn thu nhập nhất định từ nhà hát, band Ngũ Cung, việc chơi nhạc ở các quán bar, khách sạn để tập trung cho việc phối khí. Tôi nghĩ nếu mình cứ loanh quanh kiểu có việc thì làm, ai nhờ lao vào phối khí kiếm tiền thì sẽ mãi mãi không thành gì cả nên chọn một thứ cho rõ ràng và quyết tâm theo đuổi đến cùng.
Concert Tùng Dương được tài trợ chính thức bởi thương hiệu bia Trúc Bạch - dòng sản phẩm bia cao cấp đến từ Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội. Thương hiệu bia Trúc Bạch đã có bề dày lịch sử hình thành, phát triển với hơn 130 năm gắn liền cùng thăng trầm của Thủ đô Hà Nội. Sở hữu chất men bia Kiệt tác cùng hành trình lịch sử, thương hiệu bia Trúc Bạch tiếp nhận sự ủng hộ đông đảo từ người tiêu dùng và được đặc biệt yêu mến trong tâm trí người dân Thủ đô. |
Doãn Phong