- "Tôi đã đi rất xa mà bạn đọc cứ ngồi ở chỗ cũ, mong chờ tôi cũng ở đó. Trong một nhà văn, cái lớn nhất là vận động và đi tới, bỏ hào quang lại sau lưng và tìm kiếm những điều mới mẻ với mình."
TIN BÀI KHÁC
"Nhậu" Nguyễn Ngọc Tư
Truyện của Nguyễn Ngọc Tư tiếp tục lên phim
Ngày 18/9, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã có mặt tại HN để ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tay tên "Sông" và trò chuyện với báo giới cũng như độc giả.
|
Người đồng tính không chỉ có nhục dục
Chị tìm kiếm điều gì khi viết tiểu thuyết "Sông"?
- Tôi tìm kiếm một khả năng làm việc ẩn giấu ở trong bản thân mình, và muốn xài cho hết khả năng đó (cười). Tôi từng nghĩ sẽ viết ngắn đến bao giờ không viết nữa và chưa bao giờ nghĩ đến tiểu thuyết cho đến một ngày, một người bạn nói rằng tôi nên thử.
Tiểu thuyết này có ẩn chứa chi tiết nào trong những truyện ngắn trước đó của chị?
- Có một vài ý tưởng tôi đã sử dụng trong truyện rất ngắn của mình - truyện 1200 chữ.
Trong "Sông" có yếu tố đồng tính. Vậy cách khai thác đề tài đồng tính và sex của chị khác với các nhà văn khác như thế nào?
- Đơn giản, tôi nghĩ là người đồng tính không chỉ có nhục dục. Nếu một người có ý tưởng viết về người đồng tính thì phải viết về nhục dục thì tôi cho rằng hơi phiến diện. Người đồng tính còn có những uẩn ức khác, có những mối quan tâm khác về xã hội. Họ có một đời sống rất bình thường như bao người.
Đối với tôi, những tâm tư, đấu tranh trong con người họ để được sống như chính mình muốn là một sức hấp dẫn lớn. Tôi có thể đào sâu và tìm kiếm điều mình muốn viết. Tôi chỉ muốn bao nhiêu đó thôi, còn những cái khác thì để cho những anh chị khác viết vậy.
Trong cuốn sách, nhân vật bà cụ nói rằng: "Cuộc sống là một món quà ấn vào tay mình, không nhận thì áy náy, nhận thì sẽ khổ". Với một nhà văn chưa đầy 40 tuổi viết như vậy có buồn quá không?
- Cũng có buồn. Tôi nghĩ mình theo chủ nghĩa bi quan. Nhiều bạn đọc nói khi buồn không bao giờ dám đọc sách của tôi, vì sách buồn quá, có những tư tưởng hơi yếm thế quá. Tôi nghĩ có khi đó là bản sắc riêng của mình, nên cũng chẳng thay đổi gì.
Tôi có đọc lại cuốn sách sau một thời gian bỏ lửng khá dài để quên nó. Khi trở lại như một bạn đọc bình thường, tôi phát hiện ra mình rất giống nhân vật Ân ở chỗ xem cái chết như một chuyến đi giản dị. Có người nói đó là "thiền", nhưng tôi lại nghĩ có thể là bi kịch. Bi kịch "sống mà không khao khát, không cảm thấy phải phấn đấu, không cảm thấy hạnh phúc trong cuộc sống". Đó cũng là một thứ bất hạnh. Tôi đang cố gắng thoát khỏi chuyện này. (cười)
Có những chi tiết vui hơn, lấp lánh hơn trong truyện không?
- Tôi đã nói tổng thể của truyện thì buồn, nhưng cũng có những chi tiết khác. Tôi cũng thích xem phim buồn, nhưng một bộ phim buồn bã từ đầu đến cuối thì cũng chán, cũng nản. Tôi có gài một số chi tiết hình ảnh hơi hóm hỉnh. Tôi thường nghĩ, đoạn nào buồn quá thì phải pha loãng ra, cho độc giả thư giãn chút xíu.
Trong "Sông", có vẻ như các vấn đề đã không được giải quyết một cách triệt để. Điều cuối cùng mà các nhân vật tìm thấy là mông lung. Tại sao chị không tìm cách đi đến tận cùng của vấn đề?
- Việc những nhân vật không tìm được cái họ muốn và mọi thứ đều bỏ dở, là do tôi cố ý. Vì tôi nghĩ ở trên đời rất thiếu những thứ gọi là tận cùng, ngay cả khi mình đi đến tận cùng cũng chưa chắc là tận cùng thực sự. Nên các nhân vật tôi đều bỏ lửng hết. Ở đoạn cuối truyện, Ân có thể hỏi Xu, nhưng anh ta không hỏi vì không chờ đợi câu trả lời nữa.
Trước đây khi viết, tôi cho rằng phải có mở bài, thân bài, kết luận. Sau này thì nghĩ có những cái không cần phải kết luận đâu, vì thực sự là không kết luận được.
Viết văn không phải là cắt thuốc bắc
Tôi cho rằng nhân vật trong "Sông" khá lạ thường, kì dị, chưa phải là phổ quát trong xã hội, tôi không đồng cảm được với ai. Tôi cũng là một người ngưỡng mộ tài năng của chị. Gặp gỡ chị, tôi thấy chị rất hồn nhiên, yêu đời và hay cười. Nhưng trong sách, mọi thứ ảm đạm quá, không có những nhân vật tươi sáng!
- Quả thực tôi không thể hứa hẹn điều gì. Khởi đầu viết truyện, tôi viết về người già trước nên hy vọng khi nào già tôi sẽ viết truyện trẻ con rất vui vẻ nhưng bây giờ thì không thể hứa hẹn sẽ có những nhân vật tươi sáng.
Với tôi, viết văn không phải là cắt thuốc bắc, mỗi thứ có một tí. Mà thực ra cũng không phải cứ ảm đạm như thế này hoài. Tới một giai đoạn nào đó, người ta sẽ có một tâm thế khác, khi đó có thể tôi sẽ viết khác; hoặc cứ vẫn như thế này thôi.
Nguyễn Ngọc Tư đã ra mắt 16 đầu sách trong 12 năm |
Từ cánh đồng đến dòng sông, chị mang theo gì và bỏ lại gì?
- Bỏ cánh đồng lại (cười lớn).
Khi nghĩ đến Nguyễn Ngọc Tư người ta hay nghĩ đến "Cánh đồng bất tận", mặc dù tôi đã bỏ chỗ đó và đã đi rồi. Tôi đã viết những cái khác. Người ta vẫn đòi hỏi tôi phải viết giống như "Cánh đồng bất tận". Điều đó là trái tự nhiên, như một dòng sông mà không chảy được. Cây đến mùa thì thay lá, quả đến mùa thì chín, rụng, tiêu tan đi. Mọi người cứ muốn tôi là thứ quả nhựa xanh mãi, treo lúc lỉu trên cành thì cũng khổ tâm.
Tôi đã đi rất xa mà bạn đọc cứ ngồi ở chỗ cũ, mong chờ tôi cũng ở đó. Trong một nhà văn, cái lớn nhất là vận động và đi tới, bỏ hào quang lại sau lưng và tìm kiếm những điều mới mẻ với mình.
Cái mà mình giỏi nhất và có thể làm chỉ là viết văn
Chị có được tự do hoàn toàn khi viết, và có bị thôi thúc bởi một điều gì đó?
- Khi tôi viết, cái thôi thúc đó cũng là cái tự do của tôi. Tôi rất muốn viết về điều này, thế là ngồi vào bàn viết. Và hoàn toàn không có sự ràng buộc nào.
Trước đây khi chưa về làm việc cho báo, tôi có nghĩ "khi viết cái này sẽ bán được bao nhiêu tiền". Lúc đó, tôi phải cố gắng viết và sống được bằng nghề viết. Công việc mới với cơ chế thoáng đã xóa trong tôi cái ý nghĩ "viết cái này để kiếm được bao nhiêu tiền". Tôi có thể viết thoải mái, không phải nghĩ đến chuyện mưu sinh. Tiểu thuyết được hoàn thành cũng là nhờ sự hỗ trợ, tạo điều kiện của mọi người.
Nếu không phải là nhà văn, chị muốn làm điều gì khác trong cuộc sống?
- Tôi thích chụp ảnh. Mà có khi tôi không hẳn thích chụp ảnh, chỉ là thích cái máy. Tôi rất thích hàng công nghệ nên có khi mua máy chỉ vì thích máy thôi. Nên rốt cục, cái mà mình giỏi nhất và có thể làm chỉ là viết văn.
Tất nhiên nếu có kiếp sau tôi sẽ chọn việc gì khác, cho nó mới một tí. Viết văn mãi cũng chán. Viết cả kiếp rồi mà.
Xin cảm ơn Nguyễn Ngọc Tư!
Hồ Hương Giang (ghi)
Ảnh: Angellittlefire