Theo Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CHCN (Bộ Công an), có kỹ năng PCCC sẽ giảm khả năng bị thiệt mạng mà còn có thể giúp người thân, hàng xóm thoát nạn.
Ngày 19/9, tại buổi tọa đàm PCCC ở chung cư do báo Dân trí tổ chức, Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CHCN (Bộ Công an) đã cung cấp cho người dân những kỹ năng cơ bản để thoát nạn khi xảy ra hỏa hoạn ở chung cư, nhà cao tầng.
Theo Đại tá Nguyễn Minh Khương, 5 phút đầu tiên kể từ khi đám cháy xảy ra là ‘thời gian vàng’ để các lực lượng xử lý tình huống. Sau thời gian đó, nếu không không chế được, cháy sẽ lớn hơn, gây hậu quả nghiêm trọng.
Nguyên tắc PCCC tại các căn hộ gia đình, cũng như công trình chung cư được Đại tá Nguyễn Minh Khương nêu ra là không được đặt các vật dụng cản trở lối thoát hiểm, hành lang, cầu thang, lối ra thoát nạn.
Người dân không được chèn cửa vào buồng thang thoát nạn, không được mở cửa này. Vì khi cháy nếu cửa mở, khói lửa sẽ tràn vào đây, người dân không thể tiếp cận nơi thoát nạn được.
Đặc biệt, Đại tá Nguyễn Minh Khương đề nghị người dân không được sử dụng thang máy để thoát nạn. Vì khi cháy thang máy sẽ mất điện. “Nếu thang máy thông minh nó sẽ tự đi xuống tầng 1 nhưng trong tình huống đang cháy lớn ở tầng 1 thì đây sẽ là thảm họa. Còn nếu thang máy dừng giữa chừng thì giếng thang máy sẽ thành giếng lửa, người bị nạn sẽ không thoát được”, Đại tá Nguyễn Minh Khương chia sẻ.
Đại tá Nguyễn Minh Khương cho rằng, những kỹ năng người dân cần có, đó là sử dụng bình chữa cháy, kỹ năng di chuyển thoát nạn và đặc biệt là phải bình tĩnh để suy xét khoảng cách di chuyển tới nơi an toàn, phán đoán vị trí cháy.
“Khi cháy, chúng ta cần khăn ẩm để tránh ngạt khói. Chúng ta cũng cần chăn dày thấm nước để che chắn, di chuyển qua khu vực cháy”, Đại tá Nguyễn Minh Khương nói.
Theo Đại tá Nguyễn Minh Khương, khi ra ngoài căn hộ, nếu phát hiện cháy, người dân cần dùng ngay các phương tiện chữa cháy sẵn có để dập lửa. Tiếp đó là mở cửa thông báo cho người tầng trên, tầng dưới hỗ trợ chữa cháy.
Trong trường hợp cháy quá lớn, người dân phải di chuyển ngay ra khỏi căn hộ. Sau đó hô hoán người khác nhấn chuông báo cháy, hô hoán mọi người thoát nạn.
Trong tình huống nghe thấy chuông báo cháy, người dân nên kiểm tra tay nắm cửa, nếu nóng thì bên ngoài đang cháy lớn nên hé cửa ra để quan sát bên ngoài. Nếu bên ngoài không có khói, hoặc khói nhẹ thì chuẩn bị khăn ướt, mặt nạ thở để sẵn sàng thoát nạn.
Nếu trong buồng thang thoát nạn có khói, phải tìm khu vực thoát nạn khác. Nếu như lối thoát nạn khác cũng đã tràn đầy khói và lửa, người dân nên trở lại chính căn hộ của mình và thông báo cho hàng xóm.
“Sau khi đóng chặt cửa, cắt điện, người dân dùng khăn, chăn ướt che kín để ngăn khói. Cùng với đó, người dân nên xả nước ra khắp phòng để chống cháy. Đó sẽ là thời gian lực lượng PCCC sẽ tới công trình để cứu nạn, dập lửa. Sau đó người dân ra ngoài ban công, ô cửa để hô hoán, vẫy tay, hít thở”, Đại tá Nguyễn Minh Khương chia sẻ.
* Nhiều người đã lựa chọn nhảy từ tầng cao để thoát thân, có những trường hợp không qua khỏi nhưng cũng nhiều người may mắn chỉ bị chấn thương. Ông đánh giá thế nào về lựa chọn này?
- Đại tá Nguyễn Minh Khương: Tôi đánh giá đây là giải pháp cuối cùng trong tình huống khẩn cấp. Ví dụ khi lửa sau lưng rồi thì đây là giải pháp cuối cùng. Giải pháp này sẽ được hỗ trợ bởi cảnh sát PCCC bằng các loại đệm hơi đặt phía dưới.
Trong các trường hợp khẩn cấp tại công trình chung cư, nhà cao tầng thì chúng tôi đều sử dụng biện pháp đặt đệm hơi để giúp người dân thoát nạn an toàn.
Còn đối với các nhà dân trong khu vực xen kẹt thì xử lý ra sao? Lúc này hàng xóm phải là người hỗ trợ những người bị nạn.
Ví dụ hàng xóm có thể mang chăn bông, đệm ra đặt tại các khu vực trống, cao, để giúp người bị nạn có thể nhảy xuống đó, tránh được những chấn thương. Hoặc hàng xóm dùng các loại kìm, xà beng… để cắt khóa, cửa sắt cứu người.
Đây cũng là một trong những nội dung của Tổ liên gia an toàn PCCC mà chúng tôi đang xây dựng và triển khai trên toàn quốc.