Ngày 27/10, Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam tổ chức Hội thảo về chế độ công chức, công vụ và phương hướng hoàn thiện, thống nhất chế độ công vụ hiện nay. 

Công chức làm việc ở xã bị phân biệt với công chức ở cấp huyện 

Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, theo quy định hiện hành, cơ chế bầu cử và thi tuyển với cán bộ, công chức cấp xã được thực hiện tương tự như đối với cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên.

Nhưng trong quá trình công tác, nếu các cơ quan từ cấp huyện trở lên muốn điều động, tiếp nhận cán bộ, công chức cấp xã thì những người này phải có đủ một số tiêu chuẩn, điều kiện và phải qua Hội đồng kiểm tra, sát hạch mà thực chất như một kỳ thi nữa... 

trananhtuan 1 1438qqqq.jpg
Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ

Kể cả trường hợp công chức đang làm ở cấp huyện trở lên được luân chuyển, điều động về xã, phường, thị trấn, khi quay trở lại các cơ quan, tổ chức của đơn vị hành chính cấp huyện trở lên cũng phải kiểm tra, sát hạch. 

Mọi hoạt động của cán bộ, công chức cấp xã, cấp huyện trở lên đều nhằm thực hiện chức năng quản lý nhà nước và phục vụ nhân dân - đều là các hoạt động công vụ, nhưng cán bộ, công chức cấp xã không được bổ nhiệm và giao giữ một ngạch công chức và chỉ được xếp lương theo ngạch ứng với trình độ đào tạo.... 

Những mâu thuẫn này dẫn đến sự băn khoăn trong đội ngũ cán bộ, công chức làm việc ở xã, phường, thị trấn, suy giảm động lực làm việc, chưa tạo nên một nền công vụ thống nhất từ Trung ương đến cấp xã. 

"Thực tế hiện nay, cán bộ, công chức làm việc ở xã, phường, thị trấn cơ bản vẫn bị phân biệt với cán bộ, công chức ở cấp huyện trở lên, trong khi chức trách, nhiệm vụ dù làm việc ở cơ quan nhà nước nào cũng có tính chất, đặc điểm tương đồng và cũng là thực hiện nhiệm vụ của hệ thống công vụ, phục vụ nhân dân”,  nguyên Thứ trưởng Nội vụ phân tích.

Ngoài ra, ông Trần Anh Tuấn cũng chỉ ra thực tế, khi đến giải quyết công việc ở xã, phường, thị trấn, mặc dù đã cải cách hành chính rất nhiều, nhưng thời gian thực hiện, kỹ năng giao tiếp của đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn vẫn còn hạn chế. 

Nguyên Thứ trưởng Nội vụ dẫn chứng qua khảo sát ở một số địa phương, dư luận vẫn cho rằng vẫn còn tình trạng phiền hà và làm mất thời gian của người dân diễn ra ở một số chính quyền cấp xã.

“Chúng ta hãy thử ra xã, phường, thị trấn nào đó, đừng nói mình là ai, làm ở đâu, có quen biết ai không, để đề nghị giải quyết một công việc thuộc thẩm quyền của chính quyền cấp xã thì sẽ biết ngay cần làm gì với đội ngũ công chức ở đó”, ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, nói đi cũng phải nói lại, chúng ta yêu cầu cán bộ, công chức cấp xã phải liêm chính, trách nhiệm, tận tụy với phục vụ người dân, nhưng cần xét lại ở góc độ các cơ quan nhà nước cũng phải có trách nhiệm đối với cán bộ, công chức cấp xã.

"Nhà nước phải đánh giá đúng địa vị pháp lý, vai trò và có chính sách phù hợp, công bằng đối với cán bộ, công chức làm việc ở xã, phường, thị trấn để ứng xử, quan tâm thế nào với công chức đó", nguyên Thứ trưởng Nội vụ bày tỏ.

Không nhất thiết vị trí nào ở cấp xã cũng cần trình độ đại học

Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Nguyễn Hữu Thành nêu thực tế, có những giai đoạn, đặc biệt sau năm 1945, chúng ta gần như không để ý đến tiêu chuẩn của cán bộ, công chức cấp xã, thậm chí chưa có trình độ văn hóa cũng được xếp vào trong đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.

Quy định của nhà nước ở mỗi giai đoạn cũng khác nhau và từng bước được chuẩn hóa. Chế độ tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, chế độ tiền lương, khen thưởng, kỷ luật, các quy định về cán bộ, công chức cấp xã được nâng cấp, tiệm cận dần với đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện trở lên.

thanh.jpg
Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Nguyễn Hữu Thành

Khi xây dựng Nghị định 33/2023 quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, Bộ Nội vụ đã tính đến việc liên thông và đưa ra một số quy định như một bước tiếp cận việc này.

Ví dụ, quy định về tuyển dụng công chức cấp xã, khen thưởng, kỷ luật, đào tạo, bồi dưỡng được áp dụng như đối với cán bộ, công chức cấp huyện trở lên.

Tiêu chuẩn, trình độ của cán bộ, công chức cấp xã từ sơ cấp, trung cấp đã nâng lên đại học, để bảo đảm chuẩn hóa về trình độ và phù hợp với tiêu chuẩn đối với ngạch bậc của cán bộ, công chức cấp huyện. 

Theo ông Thành, vướng nhất hiện nay của việc liên thông là trình độ của đội ngũ cán bộ đoàn thể của cấp xã. Trong cán bộ đoàn thể cấp xã có cả những người đang hưởng chế độ hưu trí hoặc trợ cấp mất sức lao động, đối tượng nhiều nhất là cựu chiến binh, mà để đáp ứng các điều kiện đặt ra cũng rất khó khăn.

“Chúng tôi rất trăn trở, làm thế nào để nâng chuẩn được trình độ, tiêu chuẩn của đội ngũ cán bộ đoàn thể của cấp xã”, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương băn khoăn.

Ông Thành cho biết thêm, đối với cán bộ đoàn thể có hai loại, cán bộ và người hoạt động không chuyên trách và quy định giữa hai đối tượng này là khác nhau nên khi liên thông cũng là vấn đề đặt ra.

vudangminh.jpg
Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh

“Từ khi bắt đầu là công chức, chúng tôi đã được nghe những nguyên tắc căn bản của nền hành chính thông suốt từ cơ sở đến trung ương, đi kèm theo đó là cơ chế chính sách, tiền lương, thu nhập”, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh chia sẻ.

Vì vậy ông bày tỏ ủng hộ việc liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện để tạo nên một chế độ công vụ thống nhất.

Ông Minh cho rằng, vị trí vai trò của công chức cấp xã là phải gần dân, sát dân, xử lý công việc của dân, không nhất thiết vị trí nào cũng cần trình độ đại học. Thực tế có những vị trí nhân viên, phục vụ chỉ cần trình độ trung cấp, cao đẳng. 

“Quan trọng là bố trí đúng người đúng việc. Và từng vị trí cần có những yêu cầu cụ thể. Việc bố trí sử dụng phải phù hợp, có điều động, luân chuyển có thể từ xã này sang xã kia, huyện này sang huyện kia”, ông Minh nói. 

Kết luận hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam cho rằng, cần tham mưu sửa đổi các quy định về cán bộ, công chức theo hướng không phân biệt cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh, nâng cao vị thế của cán bộ, công chức.