Thiếu vắng đạo diễn, nhà sản xuất tên tuổi đứng sau những phim 'hot'
Ngày 23/11, hội thảo Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh diễn ra tại Đà Lạt trong khuôn khổ LHP Việt Nam 2023. Đây là vấn đề lớn tồn tại lâu nay nhưng được nhắc tới gần đây trong bối cảnh nền điện ảnh ngày càng hội nhập và chứng kiến sự xuất hiện của các LHP quốc tế do Việt Nam tổ chức, cũng như bước tăng trưởng mạnh mẽ ở thị trường sản xuất phim lẫn doanh thu chiếu rạp.
Năm 2023 đánh dấu mốc quan trọng của điện ảnh Việt Nam khi đạo diễn Phạm Thiên Ân giành giải Camera Vàng tại LHP Cannes cho phim Bên trong vỏ kén vàng.
Đặc biệt lần đầu tiên có phim Việt thu về 475 tỷ đồng. Nhà bà Nữ khi công chiếu dịp Tết đã bán được hơn 5,8 triệu vé, dẫn đầu doanh thu phim chiếu rạp tại Việt Nam.
Trước đó, tháng 3/2021, Bố Già của Trấn Thành cũng giải cứu các rạp phim đang khủng hoảng sau dịch Covid-19 thu 427 tỷ đồng với 5,2 triệu vé bán ra, hình thành thói quen ra rạp trở lại của khán giả.
Đáng tiếc là hội thảo không có sự xuất hiện của các nhà làm phim đang hoạt động sôi nổi và đóng góp vào thị trường những bộ phim thay đổi diện mạo thị trường điện ảnh như: Trấn Thành, Lý Hải, Victor Vũ, Nguyễn Quang Dũng...
Tuy nhiên, xây dựng công nghiệp điện ảnh không chỉ đo bằng lượng phim rạp, các giải thưởng hay tác phẩm có doanh thu cao. Chính vì vậy, hội thảo Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh nhằm tìm ra những giải pháp thực tế.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành phát biểu: "Một trong những mục tiêu quan trọng trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ và Luật Điện ảnh được ban hành tháng 6/2022 hương tới phát triển điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật vừa là ngành kinh tế. Đặc biệt, từng bước xây dựng điện ảnh trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút khách du lịch và tạo vị thế của điện ảnh Việt Nam trong khu vực và quốc tế.
Để đạt mục tiêu trên cần có sự chung tay của các nhà hoạt động điện ảnh, nhà đầu tư, doanh nghiệp, cơ quan quản lý ngành, sự phối hợp chặt chẽ của các lĩnh vực khác như tài chính, du lịch, khoa học công nghệ và thông tin truyền thông, cùng vai trò không kém phần quan trọng của công chúng".
PGS. TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đưa ra các ví dụ về những công ty lớn hay các nước có nền công nghiệp điện ảnh phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ... trong việc sử dụng dữ liệu lớn của ngành công nghiệp điện ảnh.
"Công nghiệp điện ảnh là một ngành kinh tế sáng tạo, sử dụng tài năng điện ảnh, nguồn lực văn hóa, kết hợp với công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra các tác phẩm điện ảnh và dịch vụ điện ảnh. Dữ liệu lớn (Big data) trong xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh đề cập đến việc thu thập, lưu trữ và sử dụng một lượng lớn thông tin số hóa nhằm cải thiện mọi khía cạnh của ngành điện ảnh".
Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn cho rằng, cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là những người làm việc trong lĩnh vực điện ảnh về sử dụng dữ liệu lớn. Xây dựng và hoàn thiện chính sách liên quan đến dữ liệu lớn và ứng dụng trong ngành công nghiệp điện ảnh. Cuối cùng là đầu tư nguồn lực cho triển khai dữ liệu lớn.
PGS. Bùi Hoài Sơn nói: "Việc sử dụng dữ liệu lớn có khả năng nâng cao chất lượng của công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam. Không chỉ giúp tạo ra nội dung sáng tạo và phong cách hấp dẫn hơn mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành điện ảnh. Các công ty và nhà sản xuất phim có thể sử dụng dữ liệu lớn để hiểu rõ hơn về nhu cầu của khán giả, cải thiện quản lý sản xuất và tối ưu hóa chiến lược tiếp thị".
Phim bạo chi tìm đến đề tài lịch sử chỉ vài lỗi mà dư luận đã sôi sục
Nếu như PGS Bùi Hoài Sơn nghiêng về khía cạnh công nghệ thì theo đạo diễn Phi Tiến Sơn, nền công nghiệp điện ảnh cần những con người công nghiệp.
NSƯT Phi Tiến Sơn nhận định: "Con đường phát triển trở thành một nền điện ảnh công nghiệp còn khó khăn. Máy móc phương tiện hiện đại có thể mua được. Nhà xưởng đất đai trường quay hoành tráng có thể được đầu tư, nếu Nhà nước coi phát triển điện ảnh là một quốc sách để quảng bá hình ảnh, để phát triển kinh tế văn hóa du lịch (như Hàn Quốc chẳng hạn). Nhưng không có con người công nghiệp cũng chẳng làm được. Yếu tố con người luôn đóng vai trò quan trọng, thậm chí là quyết định trong một công việc, một dự án, kế hoạch và cả một “nền”, như ở đây chúng ta đang nói về nền điện ảnh... ".
Đạo diễn Đào, Phở và Piano cho rằng một nền điện ảnh lớn phải có tác phẩm lớn, có giá trị nhân văn, giá trị nghệ thuật, giá trị tư tưởng. "Làm phim có tính giải trí cao, thu hút được nhiều khán giả, doanh thu cao là rất khó và cần thiết để tái đầu tư, nuôi đội ngũ. Nhưng giấc mơ của các nhà làm phim, của nền công nghiệp điện ảnh không dừng ở đó.
Họ muốn không chỉ có sản phẩm điện ảnh ăn khách mà còn có tác phẩm điện ảnh. Chỉ khi đó thế giới mới biết điện ảnh Việt Nam. Nhưng làm được không dễ. Vừa rồi có một số phim bạo chi tìm đến đề tài lịch sử, tìm hiểu hồn cốt dân tộc, khơi dậy lòng yêu nước. Vậy mà chỉ vài lỗi, hoặc chưa chính xác về chi tiết lịch sử mà dư luận đã sôi sục soi xét. Con đường gian truân chưa đi đã vấp còn ai muốn đi nữa? Và đến khi nào chúng ta ra được biển lớn?".
Tại hội thảo, vai trò của truyền thông trong xây dựng công nghiệp điện ảnh tại Việt Nam cũng được đề cập tới. Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan - TBT Báo Điện tử Tổ Quốc chia sẻ: "Tất cả các khâu từ sản xuất, phát hành đến quản lý, phê bình đều phải được tổ chức, vận hành một cách chuyên nghiệp, đồng bộ vì điện ảnh là ngành tổng hợp của nghệ thuật và công nghiệp. Dù công nghệ có sức mạnh và ảnh hưởng lớn đến đâu thì vai trò lao động, sáng tạo của con người vẫn là không thể thay thế.
Truyền thông là cách tiếp cận nhanh và hiệu quả nhất tới khán giả. Song công cụ nào cũng có mặt mạnh và chưa mạnh. Trong mỗi chiến lược truyền thông cho ngành công nghiệp điện ảnh hay cho từng bộ phim, thiết nghĩ phải có kế hoạch dự phòng cho những tình huống, nguy cơ khủng hoảng truyền thông có thể xảy ra. Xử lý khủng hoảng truyền thông như thế nào lại là một vấn đề không đơn giản".