Tổng kết tháng 11/2021, 4 cửa hàng TopZone chuyên bán hàng Apple đạt doanh thu 110 tỷ đồng. Trung bình mỗi cửa hàng này mang về cho Thế Giới Di Động 25 tỷ đồng/tháng, vượt xa kỳ vọng ban đầu của công ty. 

Dự kiến trong năm nay, Thế Giới Di Động sẽ mở tổng cộng 10 cửa hàng TopZone, mong muốn mỗi cửa hàng đạt được 8-10 tỷ doanh thu hàng tháng sau khi hiệu ứng khai trương giảm nhiệt.

Nếu so sánh trung bình trong 11 tháng qua, mỗi cửa hàng Thế Giới Di Động/Điện máy Xanh đóng góp khoảng hơn 2,5 tỷ đồng/tháng thì thấy doanh thu của TopZone là đáng mơ ước.

Do doanh thu lớn như vậy, sức hút của việc mở cửa hàng chỉ bán sản phẩm của Apple đang khiến một số nhà bán lẻ tại Việt Nam sốt sắng nhảy vào.

{keywords}
Xu hướng mở cửa hàng chỉ bán đồ Apple có thể nở rộ tại Việt Nam trong năm 2022.

Mới đây nhất, một chuỗi cửa hàng di động khá lâu đời tại TP.HCM cũng đang lên kế hoạch mở chuỗi iLuxe chỉ bán đồ cho iFan. Cửa hàng này sẽ có quy mô khoảng 120-180 mét vuông, ban đầu mở tại TP.HCM, sau đó nhân rộng ra các thành phố lớn. Tuy vậy, do vấn đề bảo mật với hãng, phía cửa hàng chưa tiết lộ gì thêm.

Việc các nhà bán lẻ nhảy vào mảng kinh doanh Apple không có gì khó hiểu. Mỗi sản phẩm Apple có giá từ vài chục triệu đồng, những chiếc iPhone ra mắt cách đây vài ba năm vẫn hút khách dù có mức giá từ 10 triệu đồng trở lên. Đó là chưa kể hàng loạt phụ kiện đi kèm như ốp lưng, loa, tai nghe... đều có giá cao hơn mức trung bình của thị trường.

Theo số liệu ICTnews có được, iPhone thường xuyên giữ vị trí đầu tiên trong những smartphone mang về doanh thu cao nhất cho FPT Shop. Riêng tại Thế Giới Di Động, smartphone của Apple thường trực nằm trong top 5.

Bấy lâu nay, sản phẩm Apple vẫn được bày bán chính hãng tại Việt Nam theo hai mô hình. Ở mô hình phổ biến nhất, sản phẩm của hãng Táo vẫn được bán tại các cửa hàng bán lẻ công nghệ như Thế Giới Di Động, FPT Shop, Viettel Store, CellphoneS, Di Động Việt, Minh Tuấn Mobile... Đây là các cửa hàng được uỷ quyền AAR (Apple Authorized Retailer), có thể bán trộn iPhone, iPad, iMac với những thiết bị công nghệ của hãng khác.

Ngoài ra, mô hình APR (Apple Premium Retailer) có F.Studio của FPT, hay iDigi, là những cửa hàng uỷ quyền cao cấp hơn, chỉ bán đồ Apple, với các cửa hàng được thiết kế biệt lập và theo chuẩn của Apple trên toàn cầu.

Gần cuối năm, Apple hợp tác với các nhà bán lẻ tại Việt Nam để ra thêm mô hình mới mẻ hơn, gọi là Mono Store. Với các cửa hàng này, nhà bán lẻ có thể tự đặt tên thương hiệu riêng nhưng chỉ bán sản phẩm Apple. Bản chất Mono Store vẫn là AAR và APR, nhưng APR có diện tích lớn hơn. Đi theo mô hình Mono Store có TopZone, ShopDunk. Cả hai hệ thống này đều cho biết sẽ mở thêm cửa hàng trong năm 2022.

Trong khi đó, các chuỗi FPT Shop, CellphoneS đều hé lộ ý định tham gia mở chuỗi theo mô hình mới này. 

Mới đây nhất, việc tham gia của iLuxe cũng đánh dấu một xu hướng mới cho thấy trong năm 2022, giới quan sát công nghệ sẽ thấy sự xuất hiện nhiều hơn của các cửa hàng biệt lập chỉ bán hàng của Apple.

Hải Đăng

Cơ hội nào cho chuỗi TopZone của Thế Giới Di Động?

Cơ hội nào cho chuỗi TopZone của Thế Giới Di Động?

Thế Giới Di Động nhảy vào mở chuỗi TopZone chỉ bán hàng Apple, một hướng đi tiềm năng nhưng không mới mẻ.