VietNamNet giới thiệu bài viết "Nhà báo Nguyễn Phú Trọng: Nhuận bút công bằng, luôn nghĩ đến người giúp việc" do nhà báo Quốc Phong, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Thanh Niên chấp bút. Bài viết được đăng tải trên chuyên mục Đời sống vào ngày 10/2/2024. |
Tôi có một người bạn đồng môn là nhà báo Vũ Lân. Anh học cùng lớp Văn, khoa Ngữ văn, khoá 18, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) với tôi và nhà giáo Nguyễn Hùng Vĩ.
Khi chúng tôi ra trường, Ban biên tập Tạp chí Cộng sản vào xin đích danh anh Vũ Lân về công tác tại ban Văn xã. Từ đó, nhà báo Vũ Lân công tác cùng cơ quan Tạp chí Cộng sản với nhà báo Nguyễn Phú Trọng chừng 20 năm, cho đến thời điểm nhà báo Nguyễn Phú Trọng được điều sang làm Phó bí thư Thành uỷ Hà Nội.
Nhà báo Vũ Lân có nhiều kỷ niệm với đồng nghiệp đàn anh là nhà báo Nguyễn Phú Trọng, từ khi ông còn là chuyên viên 5 (bậc lương 86 đồng) cho đến khi trở thành Phó trưởng Ban rồi Trưởng Ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản.
Hai ông có một thời gian ở cùng nhà tập thể Tạp chí Cộng sản tại phố Nguyễn Thượng Hiền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Gia đình ông Nguyễn Phú Trọng ở một phòng trên tầng 3, còn nhà báo Vũ Lân ở tầng 2. Sáng sáng, trên đường đi bộ từ nhà sang cơ quan, ông Nguyễn Phú Trọng không bao giờ quên ghé qua nhà bán nước sôi ở cuối phố rồi xách phích nước lên phòng làm việc để pha trà.
Ban Xây dựng Đảng và Ban Văn xã làm việc cùng tầng. Biết anh Vũ Lân khéo tay nên ông Nguyễn Phú Trọng thường đóng cửa phòng sau bữa trưa, nhờ anh Vũ Lân cắt tóc. Điều này giúp vừa tiết kiệm tiền cắt tóc hằng tháng lại vừa thoải mái vì cởi trần cắt tóc không vướng víu, cắt xong không phải gội, chỉ lấy khăn phủi đi rồi mặc áo mà bắt tay vào làm việc buổi chiều luôn. Việc cắt tóc diễn ra khá thường xuyên và kéo dài cho đến khi anh Vũ Lân được cử đi học tại Trường Đảng Cao cấp Moscow cuối năm 1989.
Khi nói về nhà báo Nguyễn Phú Trọng, có một việc còn đáng nói hơn nữa, vì nó liên quan sát sườn đến tất cả những ai làm báo. Đó là nhuận bút.
Nhà báo Nguyễn Phú Trọng rất cẩn thận và công bằng. Tính chu đáo vốn có từ lúc ông còn là Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho đến khi trở thành người đứng đầu Đảng, Nhà nước.
Tất cả các bài báo đứng tên ông đều do ông viết, đọc bông, chỉnh sửa rất tỷ mỷ. Lĩnh được nhuận bút, ông thường mời các biên tập viên trong Ban Xây dựng Đảng, một số nhà báo thân thiết trong Tạp chí ra quán "khao" một bữa.
Kể từ khi ông Nguyễn Phú Trọng được điều động sang công tác ở Thành uỷ Hà Nội, với tư cách là Phó bí thư thường trực, rồi Bí thư Thành uỷ, thời gian sau nữa ông tham gia Thường trực Ban Bí thư..., ông luôn cho ý kiến, gợi ý hướng viết cho người giúp việc và đọc duyệt rất kỹ càng, cẩn thận trước khi đưa đăng.
Việc chia nhuận bút của ông Nguyễn Phú Trọng thì chính nhà báo Vũ Lân là người "trong cuộc" và được người giúp việc thân cận lâu năm của ông kể lại.
Theo đó, như đã thành thông lệ, những tờ báo, tạp chí đặt bài viết đứng tên ông Nguyễn Phú Trọng, nếu báo chí nêu ý tưởng, đầu đề bài báo và tìm tài liệu, chấp bút rồi được ông đọc, ký duyệt đăng thì bộ phận chuẩn bị, chấp bút hưởng toàn bộ nhuận bút. Nếu ý tưởng, tiêu đề bài báo do ông đề xuất, bộ phận thư ký cung cấp tài liệu, trên cơ sở đó, các nhà báo, biên tập viên chấp bút thể hiện, ông đọc, biên tập, duyệt đăng thì khi có nhuận bút sẽ chia đôi. Tác giả đứng tên nhận một nửa, bộ phận chuẩn bị, chấp bút một nửa. Còn những bài báo, công trình nghiên cứu đứng tên ông Nguyễn Phú Trọng và được ông duyệt đăng thì nhuận bút hoàn toàn thuộc về tác giả.
Từ hồi sang công tác ở Thành uỷ Hà Nội đến nay, ông Nguyễn Phú Trọng đề nghị anh em giúp việc của ông, mỗi khi nhận được nhuận bút thì cho vào quỹ để anh em chi vào các dịp hiếu, hỷ và trả tiền các bữa ăn trưa của "thầy trò" ở bếp ăn tập thể cơ quan.