- Đúng là tôi có may mắn hơn vài ba người bạn khác đã lấy chồng, họ còn đang ở nhà thuê vất vả còn tôi được ở trong một căn nhà 3 tầng khang trang, sạch đẹp. Thế nhưng chẳng ai hiểu được sự ngột ngạt của tôi khi sống trong ngôi nhà đó.

TIN BÀI KHÁC:

Trong mắt bạn bè thì tôi là một người may mắn. Là đứa con gái nhà quê, học xong 4 năm đại học thì lại xin được việc ngay ở một cơ quan tại Hà Nội, vừa ổn định công việc thì lại lấy được người chồng hiền lành đã có nhà có cửa. Thế nhưng không ai hiểu cho những nỗi khổ của tôi, tôi có chia sẻ với các bạn mình về những vấn đề gặp phải thế nhưng ai cũng gạt đi vì bảo “tại tôi hay nghĩ lung tung”. Tôi chẳng thể tâm sự với ai nên viết vài dòng gửi báo để chia sẻ.

{keywords}
Ảnh minh họa 

Đúng là tôi có may mắn hơn vài ba người bạn khác đã lấy chồng, họ còn đang ở nhà thuê vất vả còn tôi được ở trong một căn nhà 3 tầng khang trang, sạch đẹp. Thế nhưng chẳng ai hiểu được sự ngột ngạt của tôi khi sống trong ngôi nhà đó. Ngày đầu tiên về nhà chồng, khi vừa thay bộ váy áo cô dâu, tôi phải lao vào dọn dẹp. Bao nhiêu thức ăn thừa, vỏ hoa quả tôi phải nhặt nhạnh ra hết. Thấy nhiều thứ thức ăn đã chớm ôi thiu nên tôi xếp để vứt đi. Thấy tôi bê đồ ăn bỏ đi như vậy, bố chồng tôi giằng lại và giữ lại đống thức ăn. Ông bảo cứ xếp vào tủ lạnh, vài ba hôm nữa hết “no xôi, chán chè” sẽ ăn lại. Nghe bố nói vậy, tôi cứ cảm giác rùng mình…

Sau ngày cưới, ngày nào đi làm về tôi cũng được nhà chồng đãi món giò rim nước mắm, thịt gà rang gừng… Tất cả những thức ăn đó là đồ ăn thừa của đám cưới. Bữa nào ăn xong tôi cũng thấy đau bụng nên những bữa sau tôi chỉ ăn cơm với nước mắm.

Ăn cơm nhà lại không hợp khẩu vị khiến tôi không còn thiết tha với ăn uống. Có bữa, lấy cớ có công việc, tôi rủ chồng ra ngoài ăn thì bị bố chồng biết được. Ông nói ráo hoảnh: Trước đây con chưa đi làm dâu thì con sống thế nào cũng được, thế nhưng bây giờ làm dâu rồi thì sống phải có khuôn khổ, không thể thích ăn thì ăn, thích chơi thì chơi…

Tôi cứng lưỡi chẳng nói được điều gì. Tôi than thở với chồng thì anh bảo: Em phải thông cảm, phải vất vả lắm bố mẹ mới có được cái cơ ngơi này nên ông bà quý trọng đồng tiền lắm. Em cũng đừng hoang phí… Lúc này tôi mới nhớ lại, thời gian tôi và anh yêu nhau, anh cũng chẳng bao giờ tiêu tốn đến quá 50 nghìn đồng/1 lần đi chơi với tôi. Lúc đó anh bày ra đủ mọi lý do để không hưởng thụ hay chơi bời. Tôi hiểu ra rằng, tất cả là do tính anh tiết kiệm, chặt chẽ như bố mẹ của anh.

Lấy chồng được một thời gian, tôi có em bé. Cả hai vợ chồng tôi đi làm, hàng tháng về đưa cho bố mẹ chồng 7 triệu để chi tiêu cho sinh hoạt. Bố chồng tôi là người đi chợ. Ông rất tiết kiệm. Ông thường xuyên chọn đồ ăn “thanh lý” mang về nhà. Có hôm, bữa cơm có mấy con cá rô phi rán với lại đĩa rau khoai lang luộc. Nhìn vậy tôi đã chẳng muốn ăn… Tôi lẳng lặng đi xuống cửa hàng cạnh nhà nhặt vài loại rau củ quả ngon mang về. Tôi muốn nấu thêm một hai món rau nữa để cải thiện. Thế nhưng khi thấy vậy, ông đã giận dữ đến tím tái cả mặt. Ông còn gây gổ nói vợ chồng tôi có tiền nên thích qua mặt ông, vợ chồng tôi có tiền không chịu tích góp mà hoang phí.

Thực lòng tôi không chịu nổi thói keo kiệt của bố chồng nên đã bỏ bữa và vào trong phòng riêng khóc cả buổi ngày hôm đó.

Không chỉ trong chuyện ăn uống mà trong bao nhiêu chuyện trong nhà khác ông cũng tỏ ra keo kiệt, điều đó làm tôi rất mỏi mệt. Nhiều ngày tôi đi làm về trễ, thấy trong nhà tối thui tôi tưởng bị cúp điện hóa ra bố chồng tôi tiết kiệm điện không chịu bật đèn. Nước giặt, rửa rau…ông tích vào một cái thùng lớn để mỗi lần ai đi vệ sinh thì dùng. Nhìn ngoài thì nhà cao, cửa rộng, khang trang nhưng vào trong nhà vệ sinh thì mùi hôi khó chịu bởi cái thùng chứa nước thải bố chồng tôi tích lại. Vệ sinh tự hoại mà toàn phải dùng gáo múc nước…

Số phận đã cho tôi những điều may mắn ư? Tôi đã không đến với những người đàn ông hào phóng và chiều chuộng tôi trước đó để chọn một người chồng có gia đình ổn định và chắc chắn. Thế nhưng, ở trong nhà to nhưng hôn nhân cứ như là địa ngục. Có ai khổ như tôi không… lấy chồng khấm khá mà đời sống còn kém cả đời sống của công nhân, lấy chồng mà bị soi mói, giám sát cứ như tù nhân như vậy.

Khổ nhất là trong nhà chồng tôi chẳng có tiếng nói gì, bất kể điều gì bố anh nói, mẹ anh nói luôn luôn đúng. Càng ngày tôi càng thấy anh giống bố, tính keo kiệt và tính toán thiệt hơn trong bất kỳ việc gì. Tôi sợ anh sẽ là bản sao của bố.

Phan Ngọc

Bạn đọc có thể chia sẻ tâm sự của mình về các vấn đề gặp phải trong cuộc sống cho chuyên mục Chuyện chung, chuyện riêng. Bài viết gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn