Loạt ảnh “Thiên đường của phương Đông” của nhiếp ảnh gia Kris Provoost mang đến góc nhìn độc đáo của Hồng Kông (Trung Quốc), nơi được bao phủ bởi cây xanh nhưng cũng là một trong những nơi có mật độ dân cư cao nhất thế giới.
"Hồng Kông cực kỳ đông đúc với mật độ dân cư dày đặc, không nơi nào khác mà bạn phải chứng kiến mật độ dân cư dày đặc như vậy. Nhìn đâu cũng thấy những tòa nhà chung cư cao tầng. Một gia đình 4 người sống trong một căn hộ có diện tích 40m2 là điều khá phổ biến”, Kris Provoost nói.
Các toà nhà chung cư khổng lồ của Hồng Kông, nhiều khu được gọi là “đô thị mới”, là hệ quả của sự bùng nổ dân số trong thế kỷ qua và tình trạng thiếu đất bằng phẳng để xây dựng. Chỉ có 7% tổng diện tích đất được quy hoạch cho nhà ở.
Thực trạng này dẫn đến những khoảng không gian nhỏ giữa các ngọn núi đã được lấp đầy bằng những toà nhà cao tầng và 25% tổng dân số sống trong các tòa nhà trên đất khai hoang.
Theo Kris Provoost, việc thiếu không gian sống ở Hồng Kông dẫn đến chính phủ phải xây dựng nhiều tòa nhà chung cư cao hơn. Những toà nhà nhỏ hơn đồng nghĩa với giá bán cao hơn.
Do đó, nhiếp ảnh gia người Bỉ cho rằng, có “cảm giác ngột ngạt” bao trùm và các khu vực này “đang dần trở nên không thể ở được” với nhiều người dân.
Ý tưởng về loạt ảnh “Thiên đường của phương Đông” của Kris Provoost xuất hiện trong thời gian dịch Covid-19, khi nhiều quốc gia và thành phố trên thế giới bị phong tỏa để ngăn chặn lây lan dịch bệnh.
Ông cho rằng nếu lệnh phong tỏa được áp dụng ở Hồng Kông, do đặc thù về nhà ở, nó sẽ ảnh hưởng nặng đến sức khoẻ tinh thần của nhiều người dân địa phương.
"Trong khi nhiều nơi thế giới bị buộc phải phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan dịch Covid-19 thì ở Hồng Kông không có tình trạng này”, Kris Provoost nói.
Bên cạnh những tòa nhà chung cư cao tầng, một yếu tố độc đáo trong loạt ảnh của Kris Provoost là phong cảnh núi non xung quanh. Ông cho rằng, môi trường tự nhiên xung quanh này là cứu cánh cho nhiều người ở Hồng Kông, nếu lệnh phong tỏa được áp dụng thì những không gian mở này sẽ tràn ngập người.
“Qua các bức ảnh, bạn có thể thấy thiên nhiên len lỏi đến các khu nhà ở, hay đúng hơn là những khu nhà ở lấn chiếm thiên nhiên. Đây là điều làm cho Hồng Kông trở nên độc đáo”, Kris Provoost chia sẻ.
Theo Kris Provoost, không có nơi nào trên thế giới có đường nét phân chia giữa thành phố và thiên nhiên rõ rệt như Hồng Kông. Người ta có thể sống trong một khu nhà chật chội cao tới 70 tầng, nhưng vẫn có một ngọn núi sừng sững gần đó.
Hương Quỳnh (Theo Dezeen)