Còn nhiều dư địa
“Với tỷ lệ đô thị hóa đến tháng 9/2023 là 42,6%, chúng ta còn rất nhiều dư địa để phát triển đô thị” là nhận định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tại diễn đàn “Phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2023” tổ chức chiều 8/11.
Đánh giá về việc phát triển đô thị thời gian qua, Bộ trưởng cho biết, ngày 24/11/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dưng, quản lý và phát triển đô thị bền vững.
Tính đến tháng 9/2023, toàn quốc có số lượng đô thị là 902 đô thị. Trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 35 đô thị loại II. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước ước đạt trên 42,6%.
Tuy nhiên, Nghị quyết 06 cũng đã thẳng thắn nêu ra những bất cập trong phát triển đô thị cần tập trung giải quyết trong quá trình đô thị hóa thời gian tới như tỷ lệ đô thị hoá đạt được thấp hơn mục tiêu đề ra và còn khoảng cách khá xa so với tỉ lệ bình quân của khu vực và thế giới.
Chất lượng đô thị hoá chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp.
Bên cạnh đó, kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn. Ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng, khả năng tiếp cận dịch vụ công và phúc lợi xã hội của người nghèo và lao động di cư tại đô thị còn thấp và nhiều bất cập.
Ngoài ra, năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới.
Nhìn nhận từ thực tế, TS.KTS Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam (VUPDA) cũng cho rằng, chất lượng đồ án quy hoạch đô thị chưa cao. Phát triển đô thị theo mô hình dự án khu đô thị mới đã xuất hiện những điểm yếu như thiếu tính tổng thể, không đồng bộ về kết nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội…
Cũng theo ông Quảng, sự phát triển nhà ở, đất ở quá nóng, nhưng không có các công cụ tài chính hữu hiệu đi kèm đã làm cho việc phát triển đô thị bị biến tướng, không phục vụ cho nhu cầu nhà ở mà chủ yếu phục vụ cho nhu cầu đầu cơ, tích tụ đất của một bộ phận nhỏ người giàu trong xã hội…
Phó Tổng thư ký VUPDA cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Trong đó có tính xơ cứng của sản phẩm quy hoạch không đủ linh hoạt để có thể đáp ứng các thay đổi của thực tiễn nên thường xuyên điều chỉnh.
Sự phối hợp đa ngành trong quá trình lập quy hoạch đô thị cũng còn rất hạn chế, thiếu tính tổng thể hợp nhất,tích hợp nên khó can thiệp hiệu quả vào các quy hoạch ngành.
Việc “hợp thức hóa” một số vấn đề, một số việc “đã rồi” tại địa phương theo tư duy “nhiệm kì”…lợi ích nhóm; Chất lượng tư vấn lập quy hoạch… cũng là nguyên nhân được nêu ra.
Đẩy mạnh phân cấp phân quyền
Thừa nhận phát triển đô thị còn nhiều hạn chế, tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, đô thị hóa là tất yếu, là động lực của phát triển.
“Xu hướng chung trong tương lai được dự báo có đến 2/3 dân số thế giới sẽ ở đô thị và Việt Nam không nằm ngoài xu thế. Hiện, dư địa phát triển đô thị còn rất lớn nên ngay từ bây giờ cần chuẩn bị tốt cho phát triển đô thị hiệu quả trong thời gian tới, góp phần nâng cao đời sống người dân cũng như tạo động lực tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về giải pháp phát triển đô thị, Bộ trưởng Xây dựng cho rằng với chính quyền địa phương cần quan tâm, phát huy chủ động, bố trí nguồn lực ngay tại địa phương, nhất là đẩy mạnh đầu tư công để cải thiện chất lượng đô thị song song với quá trình đô thị hóa…
Theo TS.KTS Trương Văn Quảng, để nâng cao chất lượng quy hoạch cần tập trung đổi mới phương pháp, quy trình lập quy hoạch. Nâng cao tính pháp lý cũng như chất lượng quản lý...
Bên cạnh đó, loại bỏ tính “nhiệm kỳ” trong công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế T.Ư, cho rằng cần cần tiếp tục đổi mới tư duy thống nhất nhận thức về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững, coi đây là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Cần xác định khâu đột phá quan trọng nhất để xây dựng, phát triển đô thị bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, cần đẩy nhanh hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Trong đó, trọng tâm là xây dựng luật để quản lý phát triển đô thị bền vững và luật điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; đẩy mạnh phân cấp phân quyền hơn cho chính quyền các đô thị.