Thông tin trên được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phát đi chiều nay 18/3.
EVN cho biết, đề nghị cung cấp hồ sơ để đàm phán giá điện được EPTC gửi đến các nhà đầu tư gần 10 ngày trước.
Theo thông tin cập nhật đến ngày 18/3/2023 thì vẫn chưa có doanh nghiệp nào trong số 85 chủ đầu tư các dự án chuyển tiếp gửi hồ sơ về EPTC.
Các hồ sơ được EPTC đề nghị chủ đầu tư gửi như: Rà soát các tính pháp lý của Dự án tuân thủ các quy định về
đầu tư, xây dựng và có ý kiến của Đơn vị vận hành Hệ thống điện về khả năng hấp thụ của Hệ thống điện quốc gia và khả năng giải tỏa công suất của lưới điện liên quan đến dự án; Xây dựng phương án giá điện theo phương pháp chiết khấu dòng tiền tương tự theo hướng dẫn tại Thông tư số 57 năm 2020 của Bộ Công Thương.
Để có cơ sở triển khai đàm phán theo đúng quy định của cơ quan có thẩm quyền, EVN/EPTC muốn sớm nhận được hồ sơ tài liệu từ các chủ đầu tư dự án chuyển tiếp.
Ít ngày trước, 36 nhà đầu tư điện gió, mặt trời đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị khắc phục những bất cập trong việc xây dựng và ban hành cơ chế giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Các nhà đầu tư này chỉ ra những bất cập, bất hợp lý của Thông tư 15 và Quyết định 21 của Bộ Công Thương liên quan đến các dự án chuyển tiếp.
Đang chú ý, các nhà đầu tư cho biết sau khi Biểu giá điện hỗ trợ (FIT) cho điện gió, điện mặt trời chấm dứt, nhiều dự án phải chờ đợi trong thời gian dài để Chính phủ ban hành cơ chế giá phát điện mới làm tiền đề cho việc thỏa thuận giá bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Sau lá đơn kiến nghị tập thể này, ngày 17/3, EVN đã gửi giấy mời đến 85 nhà đầu tư điện tái tạo tham dự cuộc họp trao đổi về việc thực hiện thông tư và quyết định kể trên.
Cuộc họp dự kiến diễn ra vào chiều 20/3, do Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân chủ trì.
Thành phần được mời dự họp còn có đại diện Bộ Công Thương; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cùng các cơ quan báo chí.