Hiện nay, nhà cấp 4 gác lửng không chỉ được ưa chuộng ở các vùng nông thôn, mà còn được nhiều gia đình ở thành thị lựa chọn.

Những mẫu nhà cấp 4 hiện đại không còn tạm bợ, bí bách như ngày xưa, thay vào đó là không gian sống thoáng đãng, tiện nghi và đủ công năng. 

Gác lửng được xem là phần trung gian giữa các tầng trong một ngôi nhà. Tầng lửng được dựng lên giúp ngôi nhà rộng hơn và có thêm không gian lưu trữ. Hiện nay nhiều gia chủ cải tạo nhà cấp 4 có gác lửng theo phong cách mới vừa giúp gia tăng diện tích vừa tăng thêm tính thẩm mỹ cho toàn bộ cấu trúc ngôi nhà.

Nhiều gia chủ sẵn sàng chi số tiền lớn để ngôi nhà của mình sang trọng, tiện nghi như khách sạn 5 sao, qua đó tạo cho các thành viên nơi ở thật trong lành, dễ chịu.

Công trình cấp 4 có gác lửng ở xã Hàm Liên (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) được kiến trúc sư Đào Xuân Quang và cộng sự thi công, thiết kế.

Ngôi nhà cấp 4 ở Bình Thuận mang màu xanh mát mắt. Phòng khách là khu vực lớn nhất và đẹp nhất,  thường thể hiện rõ tính cách và sở thích riêng của chủ nhân. 

Cấu trúc nhà bao gồm phòng khách, bếp+bàn ăn, phòng thờ và phòng ngủ. Màu sắc xuyên suốt là xanh pastel, mang hơi thở biển cả. Nội thất thiết kế hiện đại, tiện dụng, đường nét khỏe khoắn, thể hiện tính cách của gia chủ. 

Anh Quang cho biết, nhà cấp 4 có gác lửng phù hợp cho cả những mảnh đất có diện tích nhỏ, cần nhiều không gian sử dụng. 

Trong thiết kế, anh và đồng nghiệp đặc biệt lưu ý đến vấn đề bền vững của công trình. Công trình đảm bảo chống chọi được mọi khắc nghiệt và ảnh hưởng trực tiếp từ khí hậu, sự bất ổn của môi trường xã hội.

Song song với đó là đảm bảo tính độc lập, kín đáo, có không gian riêng tư cho từng thành viên.  

 Phòng ăn liền với bếp có sự kết nối với phòng khách thông qua không gian mở. 

 

Cầu thang ngay lối cửa ra vào, khi xây được kiến trúc sư lưu ý về vấn đề phong thủy, tránh đâm thẳng ra cửa chính. Gầm cầu thang được tận dụng làm kệ tivi và giá sách. 

Mảng tường trang trí bằng khối màu sắc và tranh canvas. Bàn ăn nằm ở trung tâm, có vai trò kết nối phòng bếp và khách, cũng thể hiện sự quây quần, tập trung của gia đình khi vào bữa ăn. 

Khu vực bếp có giếng trời lấy sáng, tạo ra sự đối lưu gió và không khí. Cây xanh có tác dụng lọc bụi.

Tủ bếp dưới đồng màu với nhà, tạo nên sự hài hòa và có tính thẩm mỹ cao. Cánh tủ không tạo gờ mà làm bằng phẳng, cho gia chủ dễ vệ sinh, chống bám bụi. 

Tầng 1 có 1 phòng ngủ cho người lớn tuổi, tầng 2 là phòng ngủ master và phòng ngủ phụ cho em bé. Khu vực sảnh tầng lửng được dùng để đặt ban thờ. 

Mảng tường phía trên dùng màu sơn trắng, tạo sự rộng rãi về mặt thị giác. Hai cửa sổ nhỏ lấy sáng cho không gian phòng khách và phòng thờ. 

Kiến trúc sư tận dụng triệt để các góc chết một cách hiệu quả để nới rộng không gian sống.

Quỳnh Nga