DK1 là cụm dịch vụ kinh tế - khoa học - kỹ thuật được xây dựng dưới dạng các nhà giàn, trên thềm lục địa phía Nam của Việt Nam, cách đất liền khoảng 250-350 hải lý. DK là chữ cái đầu viết tắt của cụm từ Dịch vụ - Khoa học kỹ thuật, được hiểu như một công trình phục vụ mục đích dân sự trên biển. Số 1 chỉ những nhà giàn ở vòng ngoài cùng, xa nhất, so với phía gần đất liền hơn là hệ thống DK2.
Việc thành lập DK1 là chủ trương đúng đắn, sáng suốt, đồng thời thể hiện quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền vùng biển, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Nhiệm vụ của các nhà giàn là lập các đèn biển để thông báo cho tàu thuyền đánh cá và vận tải hàng hải đi lại trong vùng; đặt trạm nghiên cứu khí tượng thủy văn; làm nơi trú tránh bão và ứng cứu ngư dân... Nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất của DK1 là chốt giữ, bảo vệ chủ quyền thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, bảo vệ bình yên cho việc khai thác tài nguyên nơi thềm lục địa.
Nhà giàn DK1 sừng sững giữa biển trời như một cột mốc đánh dấu chủ quyền thềm lục địa không thể phủ nhận của Việt Nam, hiện đang được những người lính Hải quân ngày đêm canh giữ.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng thủ bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển, đồng thời bảo đảm công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, bắt đầu từ năm 2012, Nhà nước đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa hai nhà giàn đầu tiên là DK1/14 và DK1/15. Sau đó, 8 nhà giàn tiếp theo ở các cụm Tư Chính, Ba Kè, Huyền Trân, Phúc Tần, Quế Đường cũng được nâng cấp, sửa chữa. Tất cả các nhà giàn này đều do ngành dầu khí thiết kế và xây dựng theo công nghệ tiên tiến.
Sự khác biệt của nhà giàn thế hệ thứ ba (thế hệ mới nhất) so với thế hệ nhà giàn thứ hai (được xây dựng những năm 1990-1995) là có kết cấu liên hoàn theo mẫu giàn khoan nước sâu, rộng gấp ba và cao hơn so với nhà giàn cũ. Thế hệ nhà giàn mới có 6 chân cắm sâu xuống đáy san hô và có chân kiềng vững chãi, chịu đựng được sóng lừng từ đáy đại dương. Trước đây, mỗi khi có sóng gió cấp 9, nhà giàn thế hệ cũ có hiện tượng rung lắc, nay với nhà giàn mới, sóng gió cấp 10, cấp 11 vẫn không ảnh hưởng gì. Các phòng trên nhà giàn có kết cấu liên hoàn, thoáng mát. Từ khi nhà giàn được nâng cấp, sửa chữa, cán bộ, chiến sĩ yên tâm hơn khi đi làm nhiệm vụ. “Lúc mưa bão cũng không lo sự cố sập nhà như trước đây. Đêm về, nhà giàn rực sáng lung linh trên biển như những “lâu đài” giữa biển khơi”.
Sự vượt trội của 10 nhà giàn thế hệ mới còn thể hiện qua hệ thống pin năng lượng mặt trời nhiều gấp 3 lần. Thế hệ nhà giàn thứ hai do diện tích hẹp nên số lượng pin năng lượng mặt trời lắp đặt cũng hạn chế. Mỗi nhà giàn mới hiện nay có hơn 100 tấm pin năng lượng mặt trời, đủ cấp điện cho huấn luyện, sinh hoạt liên tục 3-5 ngày trong điều kiện mưa bão, không có ánh nắng mặt trời. Nhờ vậy, vào những ngày thời tiết xấu, cán bộ, chiến sĩ trên các nhà giàn vẫn có đủ điện để nấu cơm, chạy tủ lạnh, xem tivi, mọi sinh hoạt, huấn luyện diễn ra bình thường.
Văn Bắc, Mạnh Hưng, Anh Dũng ,Diệu Thúy, Trần Thường