Không có doanh thu, không có dòng tiền dẫn đến nhiều doanh nghiệp trót vay ngân hàng rơi vào tình cảnh có thể bị xiết nợ mất nhà hàng, khách sạn...
Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cần gấp những giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động, sớm hồi phục.
Hứng tiếp đòn giáng mạnh
Ảnh hưởng nặng nề suốt năm qua vì dịch bệnh, tới nay, cơ sở homestay (Nha Trang) của chị Thu Hường vẫn gần như bỏ không. Không có khách đoàn, vãng lai, chị Hường mong muốn cho thuê phòng dài hạn với giá 2 triệu đồng/tháng (chưa bao gồm điện nước). “Nếu có 1 khách ở dù chỉ 1 ngày cũng phải duy trì nhân viên, điện, thang máy 24/24h rất tốn kém, nên tôi chuyển hướng cho thuê dài hạn”, chị Hường cho hay
Nhân viên các loại hình dịch vụ từ khách sạn, lữ hành, đến spa tại các thành phố du lịch cũng lao đao vì dịch bệnh. 21 giờ tiễn lượt khách hiếm hoi trong ca làm việc, chị Thắm, nhân viên spa trên phố Hoài Thanh (Đà Nẵng) ngỏ ý chở khách về khách sạn, lấy giá thấp hơn ứng dụng gọi xe. “Nhà tôi không đi hướng biển, nhưng kiếm thêm được cuốc xe cũng tốt. Spa ngoài khách địa phương, suốt thời gian qua gần như vắng khách du lịch. Một ca chỉ còn 2 nhân viên được giữ lại và 1 phòng mát-xa hoạt động”, chị Thắm cho biết.
Phố cổ Hội An (Quảng Nam) vắng khách khi dịch COVID - 19 quay lại |
Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương, báo cáo của doanh nghiệp cho thấy ngành dịch vụ lưu trú tiếp tục bị tác động nặng nề, một số khách sạn thậm chí phải tạm ngưng phục vụ một số tiện ích. Các khách sạn và khu nghỉ dưỡng đều nhận được nhiều yêu cầu hủy phòng hoặc thay đổi ngày lưu trú. Thêm vào đó, hoạt động MICE (du lịch kết hợp sự kiện) và kinh doanh sự kiện của các khách sạn tại khu vực TPHCM và Hà Nội cũng bị ảnh hưởng, khi các hội nghị buộc phải tạm hoãn hoặc hủy bỏ theo yêu cầu của cơ quan địa phương. Trong khi đó, một số doanh nghiệp khuyến cáo hạn chế nhân viên tham gia các hoạt động tập trung đông người.
“Đây thực sự là một đòn giáng vào các khách sạn khi từ tháng 4 trở đi thị trường sẽ vào mùa cao điểm của sự kiện, hội nghị và hầu hết khách sạn đều rất kỳ vọng vào mảng kinh doanh này để phần nào bù đắp doanh thu phòng”, ông Mauro nói.
Khảo sát của Savills cũng ghi nhận hoạt động kinh doanh của các resort chịu chung “số phận” tác động khi hơn 50%, một số resort thậm chí lên đến gần 80% số lượng đặt phòng được yêu cầu hủy, chủ yếu đến từ nhóm khách đoàn và khách doanh nghiệp.
Không thể trả nợ vay, DN kêu cứu lên Thủ tướng
Một doanh nghiệp kinh doanh khách sạn tại Nha Trang (Khánh Hòa) vừa có đơn kêu cứu gửi lên Thủ tướng vì liên quan đến các khoản vay không còn khả năng chi trả và sợ bị xiết nợ. Giám đốc doanh nghiệp này chia sẻ, năm 2017 doanh nghiệp vay ngân hàng 250 tỷ đồng để xây khách sạn. Khách sạn hoàn thành đưa vào khai thác từ 31/1/2019. Tháng 1/2020, dịch COVID-19 bùng phát khiến ngành du lịch nói chung và khách sạn rơi vào khủng hoảng. Hiện, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, việc kinh doanh khách sạn chưa có chiều hướng biến chuyển bởi khách nước ngoài chưa được phép nhập cảnh, khách nội địa lẻ tẻ. “Tháng 4/2021, tôi phải trả cả gốc và lãi là 5,5 tỷ đồng. Hiện, doanh nghiệp khó khăn vì vốn đã cạn kiệt. Đầu tháng 5 vừa rồi, doanh nghiệp bị phạt lãi vay. Cực chẳng đã doanh nghiệp mới làm đơn kêu cứu lên Thủ tướng mong ngân hàng hỗ trợ giãn nợ và cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc và lãi vay”, vị này nói.
Ông Nguyễn Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Khánh Hoà cho biết, suốt cả năm nay, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19. Việc giãn thuế không có nhiều ý nghĩa với doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp không có doanh thu, trong khi vẫn phải trả lãi ngân hàng và các chi phí khác. Theo dự báo của Hiệp hội, khó khăn với doanh nghiệp ngành này sẽ còn kéo dài ít nhất hết năm nay.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp lưu trú, năm 2020, một số doanh nghiệp được ngân hàng cơ cấu nợ, song thời hạn giãn nợ chỉ kéo dài 3-6 tháng. Nhiều doanh nghiệp đã sắp hết thời hạn cơ cấu lại, mà vẫn chưa tìm ra nguồn để trả nợ.
Theo Tổng cục Thống kê công bố, do ảnh hưởng của COVID-19 trong những ngày đầu năm 2021, doanh thu du lịch lữ hành quý I ước tính đạt 3,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,2% tổng mức và giảm 60,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 24,8%). Sự ảnh hưởng của du lịch có thể thấy rõ nhất ở các địa phương được cho là địa bàn trọng điểm của ngành công nghiệp xanh như Đà Nẵng doanh thu du lịch lữ hành quý I so với cùng kỳ năm trước giảm 61%; TPHCM giảm 59,5%; Hà Nội giảm 30,1%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 23,1%... |
(Theo Tiền Phong)